Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Về đâu giữa đời?



(Câu chuyện kể về một phần cuối cuộc đời cô Hiền)
Hạnh bước xuống cầu thang bệnh viện của khoa nội. Chiều nay, sau giờ làm, Hạnh đi thăm người quen đang nằm dưỡng bệnh trên ấy. Đi qua dãy phòng im ắng, Hạnh thoáng thấy bóng ai đó quen quen. Hạnh dừng chân, nhìn cho kĩ. Đúng là chị Hiền rồi. Hạnh bước vào phòng. Chị đang nằm trên giường, tấm ra trắng xộc xệch, Hạnh kéo lại cho phẳng phiu. Nghe tiếng động, chị mở mắt. Ánh mắt chị có vẻ mệt mỏi, chị ngước nhìn ngạc nhiên:
-Hạnh đó à?
-Dạ, em đây chị. Chị không khỏe à chị?
Giọng chị chùng xuống:
-Không em ạ, mấy hôm nay cơn bệnh trở lại, chị vào nằm đây.
-Anh Hải và cháu đâu chị?
Hạnh lỡ lời, đúng ra mình không nên hỏi như thế. Hạnh tiếp lời:
-Em đi thăm người quen, nằm trên lầu, đi ngang tình cờ thấy chị, em ghé vào thăm.
-Chị cảm ơn em, đã quan tâm đến chị. Hạnh ơi, em lấy giùm chị cái mền đi em. Chị mệt mỏi đưa tay chỉ xuống. Hạnh cúi nhìn, chiếc mền đã rớt dưới giường tự hồi nào, chị vẫn không thể tự lấy lên được. Hạnh nhặt lấy và đắp mền lên người cho chị. Bụng chị có vẻ cứng và to hơn, không phải là dáng vẻ mập bụng như những người đàn bà khi về già, qua nhiều lần sinh nở. Lần này, thì bụng có vẻ chướng lên rồi! Sắc mặt chị xanh xao, vàng vọt hẳn.
Mới tháng trước, Hạnh nghe tin chị bị bệnh nặng, cô cùng các chị bạn tìm xuống nhà thăm chị. Ngôi nhà chị vẫn mang dáng vẻ xưa cũ kĩ, không xây mới như những nhà quanh đó. Đã một thời, chị là một cô hiệu trưởng, còn chồng là cán bộ mà không thể tạo dựng được một ngôi nhà cho khang trang bề thế. Chị kể về những vị thuốc dân gian người nhà đã từng đi về tận miền Tây để lấy cho chị uống. Một khi chữa bệnh bằng thuốc tây không thuyên giảm, nhà chị vẫn còn hi vọng vào mấy phương thuốc này, của người thân, bạn bè tìm khắp nơi cho chị: như thuốc lá, rắn hổ mang, cóc phơi khô đem đốt thành than…cái gì chị cũng chịu khó thử uống qua, bằng mọi sự kiên trì. Thấy chị kể với giọng vui vẻ, đầy tin tưởng thì không ai dám ngắt lời chị, mặc dù trong thâm tâm người nào cũng e ngại cho cái bệnh K của chị Hiền.
Chị giới thiệu với mọi người khi người chồng bước ra phòng khách. Hạnh gật đầu chào, tránh cái nhìn sắc lẽm của anh ta. Hạnh đã từng chạm mặt người đàn ông này, là chồng của chị Hiền. Anh ta tên Hải, là một  người điển trai mang dáng dấp công tử vườn, vẫn trong bộ cánh bà ba trong thời hiện đại. Trong thời bao cấp, Hải là một người làm công tác Đoàn, một thời đi đây đó, đã mang vẻ hào nhoáng đẹp trai để chinh phục trái tim biết bao nhiêu cô gái trẻ. Chị Hiền đẹp, có duyên nhưng có lẽ không giữ được chân chồng mình. Những việc Hải đi ra ngoài không biết chị Hiền có biết đến không, cũng có thể chị đã từng nghe người ta bàn tán, dư luận về người chồng đào hoa của đời chị. Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, đã gần đến bốn mươi năm chứ còn gì, cái chết oan uổng của một cô gái trẻ độc thân ở Cam Bình, mà người ta đã nghĩ đến việc dan díu với người đàn ông này. Cái chết đã mang theo bí mật của cô gái về với lòng đất, người ta chỉ biết được cô gái tên M.H đã có một sinh linh bé bỏng trong người, cô gái quá sợ hãi, tự tìm đến cái chết. Hải vẫn tiếp tục đi đây đó, gọi là đi làm công tác đoàn thanh niên, nhưng vẫn tiếp tục thói cũ trăng hoa.
 Hạnh biết thêm câu chuyện về Hải qua lời kể của một người bạn. Hải tiếp tục cuộc tình với cô nữ sinh chẳng ai khác là một người bạn của Hạnh. Bạn Hạnh khôn ngoan hơn, với tấm lí lịch, tấm thẻ Đoàn viên đã được kết nạp là điểm dựa để vào đời trong cuộc đấu tranh nghiệt ngã trong buổi giao thời. Hạnh đã từng chứng kiến cuộc trò chuyện giữa Hải với người đàn bà chồng đi cải tạo phương xa. Nhìn khuôn mặt điển trai, ánh mắt nhìn như muốn thu hút người ta như vậy thì không biết những cô gái, những người phụ nữ vắng chồng ắt sẽ bị yếu lòng?  Người ta kể nhiều về Hải, đi đâu cũng gieo rắc tình cảm lông bông. Sau này, con trai Hải có đứa bị bệnh thần kinh, người ta cho là cái quả do người cha đã gieo, giờ thì phải gặt lấy.
Hạnh đang nghĩ vẩn vơ, chợt tiếng ho nhẹ của chị Hiền như đánh thức Hạnh về thực tại. Hạnh chuyện trò han hỏi, động viên chị vượt qua bệnh tật. Chị Hiền còn tỉnh táo hỏi thăm về chuyện gia đình Hạnh. Để chị nằm nghỉ ngơi, Hạnh xin phép ra về, hẹn vài hôm nữa ghé thăm chị.
Chưa kịp ghé thăm chị Hiền như lời hứa thì nghe tin chị bệnh ngày càng nặng hơn, chị về nhà và đã mất. Thương chị vô cùng, một đời người phụ nữ quá đoan truân, gặp người chồng không có tính thủy chung luôn mèo mã gà đồng. Chồng chị, người đàn ông đó, trong đám tang của vợ vẫn nói chuyện huyên thuyên qua điện thoại. Hạnh đưa mắt nhìn anh ta với vẻ ngao ngán, chẳng bao lâu nữa, rồi anh ta cũng rảnh rang bay nhảy với gần nửa cuộc đời còn lại. Những người quen, bạn bè chị về đây chia tay chị vào một buổi chiều buồn, theo đoàn đưa tang, đưa chị lên đến nghĩa trang.
Thỉnh thoảng, Hạnh vẫn còn bắt gặp người đàn ông chồng chị Hiền, trong bộ cánh áo nâu của công tử vườn, đi thong thả trên con đường đất đỏ…
                                                           Tối thứ hai, 17-6-2013


Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Một thời áo trắng





MỘT THỜI ÁO TRẮNG
(Ba người bạn)
Giọng ca của cô Châu cất lên trong trẻo, cũng không phá đi sự ồn ào của tiệc đám cưới, tôi chú ý lắng nghe từng lời bài ca quá quen thuộc:
“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già.
Hai năm tình chạy
Em mỏi chân chưa …”
Tôi còn nhớ khá rõ lời và điệu nhạc của bài hát này, nhạc sĩ không chuyên hồi đó là cậu học trò, mà chị họ tôi gọi là BNPH. Cô Châu là vợ của ông Nguyễn L. là trưởng CA thị xã La Gi, ông một thời cũng là học trò dưới mái trường Cam Lộ, Cam Mỹ.
“Theo đoàn lưu dân” người dân Quảng Trị trước năm 1975 theo các Cha xứ vào đây sinh sống. Nghe nói dân Động Đền đa số theo cha Nam, còn dân Đông Hà thì đi theo cha Hoan. Tôi ở xa về, ghé thăm bà con vào những ngày giáp Tết đầu mùa xuân 1975. Tôi cùng leo lên dốc cao đến trường Cam Lộ xem thầy trò dựng Hội trại. Dốc Trung Giang khá cao, lên đến đỉnh thì thoai thoải hơn, từ dốc nhìn xuống thấy  cảnh biển hình vòng cung, ở xa tít tắp dưới kia. Mặt biển xanh thẳm một màu, có quãng bị che khuất bởi những khu nhà cao thấp ở thị trấn La Gi và biết bao là vòm cây. Nhà cách nhà là những lô đất rộng đến  một, hai sào. Vườn cây là những cây mít nhẫy nhượt mọc lên xanh tốt trên miền đất mới màu mỡ bao bọc lấy ngôi nhà lá hoặc nhà gỗ ở chính giữa. Đây coi như là vùng đất hứa của người dân Quảng Trị vào lập nghiệp. Đất mới khai hoang màu đỏ pha hứa hẹn những mùa bội thu khoai sắn.
Chị họ giới thiệu với tôi hai người bạn thân của chị, mà cả trường hay gọi là tam ca: Duyên (Du Uyên), Ngọc Lan, Huệ (Trắng). Nhìn họ có vẻ khắn khít, đi đâu cũng có nhau. Dưới hàng cây xanh của sân trường, ba chị đang dợt lại bài hát của anh bạn mới sáng tác, đó là những nỗi lòng của anh PH trải vào trong đó về cô học trò anh thầm yêu. Ai cũng thích hát nhạc của anh Ph vì lời lẽ rất dễ thương:
“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già…”
Tôi cũng không hỏi ai là người được anh PH gởi gắm tình cảm vào trong bài hát, chỉ nghe chị Huệ của tôi hết lời ca ngợi anh. (Sau này, anh cùng gia đình hồi cư về Quảng Trị; vùng đất này không thể níu kéo được bước chân, họ tìm về lại trên mảnh đất quê cha ruột thịt)
Ngày Tết sắp đến, tôi giã từ các anh chị ở miền đông Nam bộ này để về lại miền Nam, nơi tôi đang sinh sống. Tôi kịp thoáng nhìn thấy các thầy, trong đó có thầy Lê Mậu Duy, thầy Nguyễn Hiền mà sau này về đây tôi mới biết đến.
Bến xe lam ở trước mặt chợ, nay là chợ Cam Bình, đã ghi lại trong tâm hồn tôi một vài kỉ niệm vui nho nhỏ khi tôi chia tay để ra ngã tư đón xe về nhà.  
Ngày hôm nay, tôi không là cô bé ngày nào mới 16 tuổi, tập tễnh những bước đi vào đời, để tâm hồn mình bay bổng lên với tình yêu trong sáng, thơ ngây tuổi học trò. Tôi không phải ngước nhìn một cách ngưỡng mộ về chị họ tôi và hai người bạn gái. Tôi đã biết nhiều về tình bạn của họ thời áo dài trắng cắp sách đến trường trên đồi cao kia. Con đường đi học ngày qua ngày không êm ả, bằng phẳng như ở chốn thị thành nhưng là một con dốc cao, lối đi về cũng lắm mối tình thơ mộng. Tam ca áo trắng thời ấy cứ thế cất lên tiếng ca trong veo, thánh thót để ca ngợi cuộc sống như những con chim non luôn ca ngợi bầu trời tự do, đẹp đẽ. Đặc biệt chị Huệ Trắng có giọng ca trời phú, thật cao vút, nhất là khi chị hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn hoặc Phạm Duy.
Chị Duyên- sau này tôi gặp lại chị trong bệnh viện Hàm Tân, chị là cô y tá dễ thương trong chiếc áo blu trắng. Bẳng đi một thời gian dài, tôi không gặp chị. Cho đến một ngày đầu năm học 2003-2004, tôi về làm việc tại trường mới ngay giữa trung tâm thị xã. Một hôm, tình cờ, tôi trông thấy chị ở một ngôi nhà gần trường. Tôi mừng rỡ vô cùng, vội vàng ghé nhà thăm chị. Ngôi nhà của chị xây theo kiểu cổ, nhà xây có gác lửng, khu vườn nhiều cây cối bao quanh. Một ngôi nhà vườn ở khu vực dân cư đông đúc nhưng cuộc sống hai vợ chồng rất bình lặng, đều là những người về hưu sống ẩn dật, chăm chút cho ngôi nhà và vườn cây quanh nhà. Vườn nhà chị có cả những bụi chuối đang trổ buồng mọc trên bờ ao bông súng đang nở hoa, có những nụ hoa màu hồng phấn lấp ló  như cứ muốn vươn lên khỏi mặt nước. Có những lúc, khi bắt đầu một ngày làm việc tại trường, khi mở cửa sổ ra; từ ô cửa tôi nhìn thấy chị và hai chị em cứ vẫy tay chào nhau. Tôi có thói quen cứ mở cửa sổ là nhìn qua bức tường, mong được nhìn thấy chị. Hai vợ chồng đã chăm cho bụi hoa tím mau leo lên giàn, để che ánh nắng mặt trời chói chang buổi sáng, nên một khi bụi cây đã leo lên hết cái giàn kia, tỏa bóng  râm mát cho một khoảng sân trước nhà chị, thì tôi chỉ còn thấy thấp thoáng bóng hai vợ chồng ngồi trước ban công nhà vào mỗi buổi sớm mai.  
Chị Ngọc Lan- một nhân vật đáng yêu, giọng nói bao giờ cũng nhẹ nhàng dễ mến. Vào một ngày đầu tháng 9, lớp lớp người về dự họp mít tinh ở sân vận động Hàm Tân; nhà chị lại có chuyện đau buồn, người chị kế của chị là Mộng Hà đã tự tìm đến cái chết. Cái chết của chị khiến mọi người thương xót một cô gái trẻ đẹp. Mẹ chị cũng bị bệnh, thần kinh không ổn. Anh em nhà chị sau này bỏ xứ, theo nhau đi làm ăn nơi khác. Tôi từng nghe về cuộc sống của chị, chị có một đời chồng và đã li dị, chị lấy một người đàn ông khác tính tình cũng thất thường. Cuộc đời chị lắm gian truân; người ta thường nói hồng nhan bạc phận là thế. Có lần, tôi lên dự đám cưới cháu ở Sùng Nhơn, một vùng đất xa xôi, tận cùng của tỉnh Bình Thuận, gần giáp với tỉnh Lâm Đồng. Xế trưa, thay về tôi đi về đường Lạc Tánh mà sáng nay tôi đã đi qua, tôi lại cùng các anh chị bà con chạy về đường Đa Kai để ra Phương Lâm, Định Quán ra quốc lộ 1A. Chúng tôi dừng chân ghé lại quán café của chị Ngọc Lan. Tôi thấy người chồng của chị đúng như tôi đã hình dung, mặt mày thô kệch, râu tóc dài trông có vẻ quái dị. Sau này, tôi nghe tin vợ chồng chị lại bỏ nhau, chị đi làm xa để nuôi con ăn học. Một tối, bất ngờ chị gọi điện cho tôi, kể về việc chị hiện đang làm bồi cho một nhà nghỉ, khách sạn nào đó ở Võ Đắc, Ông Đồn nhưng chịu không nổi sự hà khắc của bà chủ chị lên Sài Gòn lại tiếp tục kiếm việc làm khác. Tôi không thể tin nổi một cô gái mảnh mai ngày nào giờ phải lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế. Giờ này chị đang làm tại một cơ sở nuôi trẻ ở quận 7, chị làm việc và được ở lại vô cùng thuận tiện cho chị. Mong cuộc sống của chị cứ bình yên như thế để chị còn tiếp tục nuôi cho hai đứa con trai ăn học nên người.
Nhân vật thứ ba tôi sẽ đề cập đến là chị họ tôi, chị Huệ Trắng, biệt danh này được đặt cho chị từ những ngày đi học ở dưới ngôi trường trên đồi cao gió hú kia. Những tháng ngày sau giải phóng, việc tập tành văn nghệ, ca hát là cái thú vui của chị. Ban ngày lao động trên nương vườn, tối đến sinh hoạt đoàn thanh niên. Lời ca tiếng hát xua đi mọi gian khổ, tạo niềm vui sống cho chị cũng như cho mọi người. Tiếng hát vẫn cao vút giữa bầu trời trập trùng, chị vẫn vô tư khi lội qua suối, cùng các em lên nương rẩy, nhà chị theo người ta làm những vụ bắp, những vụ mùa trồng khoai, sắn như nhà tôi vậy. May mắn Ông trời thương dân nghèo, những năm này chưa ai phải chết đói, vùng đất mới còn có những bãi trồng dưa hấu; bờ biển Cam Bình đầy tôm cá đủ sức che chở, nuôi biết bao con người xứ Quảng Trị, Bình Long. Giọng hót của những chú chim trên bầu trời kia chưa chắc đã thánh thót bằng chị, nhất là bài: “cô gái vót chông” chị lấy hơi, tiếng ca ngân dài chưa muốn dứt. Về sau, chị có gia đình sớm, bỏ cuộc vui…chị chuyển lên ở Xuân Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu. Cuộc đời chị gắn chặt với chồng con, lại là nương mì và những vườn tiêu xanh um. Các con chị giờ khôn lớn, kể như chị cũng an phận với cuộc sống gia đình. Giờ này, giọng ca của cô gái trẻ ngày nào có còn vươn xa, bay xa theo thời gian nữa không?
Tam ca ngày nào bên nhau, đem lại những khúc hát vào đời ca ngợi tuổi hồn nhiên, thuở áo trắng học trò này đâu còn gần gũi bên nhau. Mỗi người đi mỗi phương trời, mỗi người có một hoàn cảnh sống riêng. Nếu có một lúc nào đó, các chị gặp gỡ nhau, nghe lại những ca khúc đầu đời của anh BNPH thì chắc sẽ gợi nhớ nhiều đến kỉ niệm thời đi học, những ngày tháng bên nhau cùng học hành cùng vui chơi dưới mái trường đơn sơ, bình dị.
“…Con đường còn dài em ơi
Nẻo đường còn nhiều phôi pha
Nếu mà đời có khổ đau
Đừng trách gì nhau ơi đời”
                                                                 Chiều thứ sáu, 14-6-1013




Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Hai anh em



Hai người vừa bước vào đến cửa, một người đàn ông và một người phụ nữ. Nhác thấy, tôi đoán ngay là người ở miền ngoài. Có thể họ vào để giới thiệu mua bán hàng của các Hội bảo trợ trẻ em khuyết tật như các đoàn trước kia thường hay ghé vào trường. Tôi định bụng sẽ mời họ lên phòng  hiệu trưởng.
Tôi ngừng ngay công việc:
-Có việc gì không anh chị?  
Người đàn ông đưa ra cho tôi một tờ đơn và nói:
-Tôi là bác ruột của cháu Đỗ Ngọc Hội. Đây là bác gái của cháu. Vừa nói ông vừa chỉ tay về người phụ nữ. Chúng tôi muốn xin rút hồ sơ cho cháu chuyển trường ra Thanh Hóa để tiếp tục học.
Tôi giật mình, khi nghe ông ta nói đến việc  xin rút hồ sơ của em Hội. Năm học sắp hết, đợt kiểm tra học kì cũng vừa xong, có thể kết điểm và chuyển trường đơn giản như mọi lần khác bấy lâu nay tôi vẫn làm. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi vô cùng ngần ngại:
-Anh à, có gì sáng thứ hai anh chị đến lại trường nghe. Tôi sẽ báo với hiệu trưởng, hôm nay cô ấy đi công tác rồi. Anh chị vào đây, còn ở lâu dài chứ?
-Vâng, chúng tôi sẽ chờ.
-Dạ, anh chị về. Tôi sẽ giữ đơn lại đây.
-Vâng, chúng tôi chào cô.
-Dạ, chào anh chị.
Hai người đi ra cửa. Tôi cũng ra ngoài và nhìn thấy một đứa bé trai, có thể là anh của Hội, tôi đoán chừng là thế, hiện đang học ở trường trung học cơ sở Tân An. Cả ba người đi bên nhau ra đến cổng trường. Tôi cứ nhìn theo để xem thằng bé có thái độ quyến luyến gì với hai bác không? Tôi cảm thấy một nỗi buồn, thương hại, xót xa cho hai anh em…
Chưa đầy một năm, thời gian trôi qua quá cay nghiệt đối với hai anh em mồ côi mẹ, còn cha thì đang ở trong tù. Một hôm, cả thị xã nhao lên khi tin tức lan nhanh: ông nha sĩ Đỗ Ngọc Việt đã đánh chết vợ mình trong một cơn giận dữ. Cơn điên nỗi lên của một người đàn ông khi không kìm lại được đã gây cái chết thương tâm cho người vợ. Ông Việt đã bị bắt giam, chờ ngày ra tòa và bị kết án tù. Đám tang người vợ thật lặng lẽ do gia đình bên ngoại lo. Tôi nghe rằng đôi vợ chồng này còn có hai đứa con trai, một đứa học lớp 7, thằng em học lớp 4. Tội nghiệp cho hai đứa bé đã mồ côi mẹ và sẽ thiếu vắng sự chăm sóc của người cha.
Một vài tuần sau, tôi nhận hồ sơ nhập học của em Đỗ Ngọc Hội, do dì và dượng của em xin vào. Khi đọc thấy tên người cha, tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể nào tò tò hỏi thêm điều gì, người ta quá đau khổ vì cái chết của em gái. Hiệu trưởng bảo tôi, Phòng giáo dục đặc biệt chấp nhận chuyển trường cho  hai em lên đây học, xa trường cũ, vì sợ cái nhìn xoi mói và bàn tán của học trò ảnh hưởng đến tâm lý của hai em trong những ngày này. Nhà dì dượng tuy nghèo khổ nhưng vẫn có thể đùm bọc cháu, nhất là lúc này hai cháu mất mẹ và không được ở gần ba. Ngày đầu tiên, tôi gặp Hội. Đó là một cậu bé da ngâm ngâm đen, người gầy, không mập mạp, trắng trẻo như bao đứa trẻ khác. Em có cặp mắt đen, nhìn buồn bã, em ít nói. Gia đình dì xin cho em vào học bán trú ngay từ ngày đầu mới chuyển đến. Tôi sắp xếp cho em vào lớp 4C, do cô giáo chủ nhiệm vốn là người độc thân, là người vui tính và yêu thương trẻ em, cô lại là người phụ trách lớp bán trú mà em Hội sẽ ở. Buổi đầu tiên, khi các em nghỉ trưa, tôi đi đến lớp 4E xem em Hội ra sao. Hội nằm giữa các bạn trai, em nằm thẳng, hai tay bỏ lên bụng, em đang ngước nhìn lên trần nhà. Không biết em đang nghĩ gì? Tội em quá! Nước mắt tôi chực trào vì thương em. Giá như giờ này mẹ em còn sống thì sau buổi tan học về, cả nhà quây quần bên mâm cơm trưa xong, em sẽ ngủ một giấc thật đẫy, rồi chiều dậy học bài, không đi học hai buổi như ở đây. Mẹ em giờ nằm sâu dưới lòng đất, ba thì bị giam tù rồi, vì tội lỗi của ông đã gây ra cho mẹ. Hôm chứng kiến cảnh tượng hung dữ, chết chóc đó, em không thể  tin vào mắt mình đó là sự thật. Mẹ em trên đường đi cấp cứu không kịp, đã bỏ lại hai anh em trên cõi đời này. Anh em Hội không căm ghét gì ba cả, chỉ thấy tội nghiệp cho ba giờ phải ở cảnh tù tội, biết bao giờ mới về ở với anh em đây? Về ở với dì dượng, anh em cũng có cái ăn, nơi ở nhưng ngày ngày phải nhìn những cặp mắt dò xét, thương hại của hàng xóm, có khi Hội cũng thấy chạnh lòng. Những nhà hàng xóm  quanh đó dù nghèo, ba mẹ làm thuê, cuốc mướn; có người làm biển nhưng vẫn còn có cả ba và mẹ; để những khi nghe đám trẻ nhỏ cất lên tiếng gọi: “Mẹ ơi!” , “Ba ơi!” Hội lại thấy nhớ lại mới ngày nào thôi, cũng tiếng gọi như thế thấy ấm áp, giờ thì biết gọi vào đâu, mẹ có còn nghe thấy?Ba thì ở đâu trong đêm tối mịt mùng.
Tôi thấy Hội cứ nằm mãi, chưa ngủ, có lẽ chưa quen bạn bè, trường lớp mới lạ. Rồi tụi nhỏ cũng sẽ làm quen nhau nhanh chóng thôi mà, những trò chơi trẻ con, việc học sẽ cuốn hút em, xoa dịu nỗi đau của em.
Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi chừng xem hồi này tình hình em Ngọc Hội như thế nào? Cô giáo kể cho tôi nghe về việc học tập của em, em vẫn học giỏi như trước đây. Hai anh em thỉnh thoảng có lên thăm ba ở trại. Ba cha con chỉ có thời gian ngắn ngủi bên nhau, han hỏi nhau vài điều. Khi ra về, anh em ít nói hơn, còn lại chỉ một nỗi buồn u ám cứ bám theo hai đứa, chúng chỉ mong một ngày nào đó ba sớm trở về thay mẹ. Đêm hôm, anh em ôm nhau ngủ, nhớ lắm hồi mẹ còn sống, thường chăm bẳm cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.
…Thời gian cũng qua nhanh, mới đó đã qua một học kì và kết thúc năm học.
Đúng như hẹn, sáng thứ hai, hai bác của Hội đến và đích thân hiệu trưởng ký giấy chuyển trường cho Hội. Điều chắc chắn là ba Hội muốn gởi hai con mình ra ở với nội, vì đó là dòng máu, ruột thịt của họ. Người ta nói: “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, nhưng trong lúc này không còn mẹ thì lấy ai mà giành con cháu lại, vả lại đời sống của dì cũng không thể đảm đương hai đứa cháu ngoại cho đến lúc khôn lớn được. Hình ảnh hôm rồi, tôi nhìn thấy anh Hội đi bên hai bác, một phần nào cũng nói lên được tình cảm quyến luyến của bên nội. Lỗi lầm của người lớn đã gây ra, sự đỗ vỡ, tan nát vậy là quá lắm rồi đối với trái tim bé nhỏ của hai em. Tôi mong sao hai em được sự đùm bọc thương yêu của họ hàng ngoài đó, đừng để hai em phải có những lần rơi  nước mắt nữa.
Em Hội ơi! Cô xin lỗi em nhé! Ngày em ra đi mà cô không có mặt ở trường, sao vội vàng thế em? Sao em không như em Nhung, em Mai …ở Mái ấm tình thương, mỗi khi gặp cô đều vui vẻ, chào hỏi đon đả. Có những khi các em đó đi qua, cứ nhìn vào phòng cô làm việc để có dịp cười với cô. Còn em, em chỉ im lặng, như một cái bóng âm thầm, khó mở lòng em quá; mà cô thì cũng chưa có đủ thời gian để kịp gần gũi em. 

Hè về rồi. Ve kêu rồi đó, phượng nở đó thắm cả sân trường. Buổi lễ tổng kết không có hai em. Hai em vội vã nhập học cũng như vội vã chuyển đi, chưa kịp đón nhận tình cảm thương yêu của thầy cô, bạn bè, chưa kịp nhớ mặt nhau mà đã đi rồi. Giá như hai em đi vào thành phố hoặc về miền Nam sống thì không nói làm gì, nhưng giờ đây lại về nơi ngày nào ba em từng đành lòng rời xa để vào La Gi làm ăn thì lại khác. Không biết tương lai các em sẽ ra sao? Cuộc đời còn có nhiều người có những hoàn cảnh éo le quá! Nhưng dù sao, tôi cũng cầu mong cho mọi người hãy dang tay đón  em vào lòng, ủ ấm tình thương cho em nhé!
Tôi tưởng tượng cảnh hai đứa trẻ cùng hai bác bước xuống sân ga vào một buổi chiều hôm nào đó cuối tháng 5. Đồ đạc lỉnh kỉnh không phải là những món quà của những người đi chơi xa về quê mà là những tư trang của hai anh em trai sắp về nhà bác mình. Niềm vui mừng, hồ hỡi ngày nao giờ  thay bằng nỗi niềm lo lắng khi đặt chân xuống mảnh đất ruột thịt của bên nội. Hai anh em có lúc ôm chặt lấy tay nhau như một lời động viên.
Hè về rồi, mùa trẻ em thả diều trên cánh đồng thênh thang, lộng gió sắp diễn ra sôi nổi rồi đó. Trẻ em miền nào cũng hiếu động như nhau. Hai em hãy chuẩn bị tinh thần để tham gia những trò chơi vui nhộn và sớm hòa mình vào thế giới thần tiên của những mơ ước rực cháy nhé em.


                                                                   Chiều chủ nhật, 8-6-2013