Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Mảnh bằng vào đời


Bước vào đời, không ai dễ gì khi kiếm lấy một mảnh bằng trong tay, là chứng chỉ hợp lệ cho nghề nghiệp, tương lai của mình. Với tôi, cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, tôi cũng như những người khốn đốn trong buổi giao thời.
Ngày đó, khi từ giã mái trường cấp 3 Hàm Tân, chúng tôi vỗ về, han hỏi nhau về những bước đường sắp tới sẽ chọn. Thật khó khi chọn thi vào trường đại học sư phạm, một trường danh tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh. Thi đại học xong, tôi quày quả trở về nhà, rồi sau đó trở vào cùng chúng bạn làm một cuộc hành trình lên Bảo Lộc thi trung cấp nông nghiệp. Thi để thi chứ tôi không hi vọng gì một khi đề ra quá dễ, khiến người làm bài cũng cảm thấy chán nản. Đi thi ở vùng cao nguyên, rốt cuộc chỉ đọng lại trong tôi một vài hình ảnh con đường vòng vèo qua đèo, giọng đứa bạn reo lên khi nhìn qua khung cửa xe thấy hoa tim tím đẹp mọc xen trên vách đá, nhớ khí trời lành lạnh của vùng trời Bảo Lộc, nhớ cảm giác lo lắng sợ không kịp chuyến xe về nhà…
Thế rồi…
Hỏng đại học, hỏng trung cấp, không có gì vớt vát, ôi cuộc đời chán ngán thay! Gần một năm trời, tôi ở nhà, tôi lên rừng khai hoang…Nhưng một bước ngoặc đã đến với tôi…
Hình ảnh thầy Thái Bá Thận, hiệu phó trường sư phạm Thuận Hải mà tôi nhớ mãi, đó là cứu cánh của đời tôi, một cô học trò đã qua mấy lần nộp hồ sơ để cuối cùng được chọn vào ngành. Thầy là người Nghệ An, giọng nói nằng nặng, nước da ngâm đen và đầu tóc loăn xoăn không lẫn với ai được. Tuy thầy không đẹp, thầy không có dáng vẻ cao sang nhưng giáo sinh ai cũng yêu mến thầy. (Tôi còn nhớ ơn nghĩa của chú Trần Minh Tạc, viên thư ký tại xã, đã cố tìm cách ký giấy cho tôi để được đi học, gọi là thoát ly hồi ấy.) Đích thân thầy Thận đã vào thành phố, xin cả một trăm bộ hồ sơ bị loại bỏ, mặc dù có người điểm cao; thầy gởi giấy thông báo nhập học cho kịp đầu khóa sau, hồi đó giáo viên thiếu nhiều, không đủ để đứng lớp, nhất là vùng núi, hải đảo lại càng thiếu trầm trọng. Khi tôi đã được nhận vào trường, thầy gọi lên nói chuyện và khuyên nhủ tôi rằng đừng nản chí, không vào đại học thì sau này sẽ có cơ hội học tiếp. Lời thầy nói giờ này kiểm nghiệm không sai, thầy như một vị tiên tri, đi trước thời đại cả mấy chục năm. Sau này, biết bao nhiêu lượt giáo viên chưa đủ bằng đại học, đã được đi học đại học từ xa để lấy được bằng cử nhân, đó là một lối đi vòng thay vì vào đại học chính quy.
Còn tôi? Lại hai lần nữa tôi bỏ dở, tôi không thể tiếp tục thực hiện mơ ước, kỳ vọng ngày xưa. ..thay vì tôi học thì tôi lo cho cả ba đứa con lần lượt vào học đại học.
Đã 35 năm trong nghề dạy học, chỉ với mảnh bằng trung cấp, về sau, qua hai mùa hè được tiếp tục đào tạo để nâng lên một bậc, vừa đủ chuẩn sư phạm. Cơ chế đã thay đổi, ai không theo kịp guồng máy, sẽ bị tụt hậu, những ai không đủ chuẩn sẽ được tin giản biên chế. Có văn bằng trong tay, mỗi hai năm được nâng lương, đó là điều hiển nhiên; còn mình thì vẫn thua thiệt, thiệt thua so với mọi người. Không phải tôi hay nản chí nhưng tôi nhận thấy rằng không còn thời gian để mình học, nếu học thì đã học từ hồi trẻ, đúng thực lực, phải có lòng tự trọng khi tiếp tục với việc học.


Mảnh bằng vào đời thật lắm cam go, mà đường đời cũng không bằng phẳng gì.