Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Chiều về nghe tiếng chân quê(ĐTH)



(Chuyến về thăm quê ngoại tháng 3 năm 2015- Đinh Thị Hiệp)

Ngã ba, gần cầu Ga cũ là nơi tôi chia tay con gái. Con gái của tôi theo người bạn ra đến tận Gio Linh, miền đất khô cằn gần địa đầu giới tuyến trước đây mà chưa một lần tôi đặt chân đến. Còn tôi, tôi sẽ về làng Nại Cửu, quê ngoại, một ngôi làng còn nghèo nàn bên dòng sông Vĩnh Định.

Chuyến xe chiều đưa khách từ Huế ra Quảng Trị vừa dừng lại. Tôi bước xuống xe, trong lòng còn hồi hộp e rằng sẽ đứng chờ mãi ở đó. Chiếc xe vụt chạy đi mang theo hai người thân, rồi bóng xe xa, khuất dần về đầu cầu Thạch Hản. Một người thanh niên đứng chờ bên cạnh trụ đèn, đang hướng mắt nhìn tôi. Đúng là Hào rồi, thoáng nhìn tôi nhận ra ngay vì cách đây 3 năm lần về quê tôi đã gặp. 

Hào chở tôi về trên con đường Trần Hưng Đạo. Ngang qua phố chợ, người, xe cộ khá nhộn nhịp. Lần này, qua đây cảm xúc của tôi đã lắng dịu, không như lần đầu ngày trở về, đã cách xa Quảng Trị 40 năm khi tìm về cội nguồn. Tôi đã dần cảm nhận được sự thân quen của con đường chính dẫn về làng, những hình ảnh ngày hôm nay biết có thể thay thế cho Quảng Trị xưa trong kí ức tôi không nhỉ! 

Tôi tìm về làng ngoại, nơi gia đình cậu Dâu (Cậu Võ Thế Hòa là người em bà con của mẹ tôi) sinh sống, tôi coi đó là nơi phải đến nếu có khi trở về. Người thân của tôi vào Nam sinh sống hết, còn lại nơi đây là những người thân yêu, bà con đã nằm xuống trong lòng đất, một tay nhờ cậy cậu nhang khói. Vẫn là con đường vào An Tiêm cho nhanh, con đường đất đỏ muôn thuở có lũy tre xanh, ngả bóng bên bờ sông Vĩnh Định. Cậu mợ và các con cậu đã dành tình cảm thân thương cho tôi, rất mừng khi nghe tôi sẽ về làng. Tôi chưa tìm ra bến cũ, chỉ nghe nói bến sông thơ mộng ngày nao không còn nữa. Ven sông, thỉnh thoảng thấy từng bầy vịt đông đúc được quây lại thành đàn; không còn nữa làn nước trong veo, không còn đâu dòng sông chảy hiền hòa mà ngày nao dịp lễ Tết lũ trẻ chúng tôi tìm xuống bến, chỉ việc thả đôi chân xuống làn nước mát lạnh hoặc tha hồ vung vẩy nước chọc ghẹo nhau là thấy thích thú lắm rồi! Xưa kia, từ bến sông này, tôi đã mãi đứng nhìn dòng sông chảy về xuôi trong ánh nắng trưa hè hoặc trong nắng ấm xuân nồng nàn. Cũng từ ven sông, đứng đây, tôi tìm mãi mà không thấy bóng dáng chiếc đò nào! Hôm nay đây nghe dòng sông dần chết để cho nguồn nước từ mương đập của công trình thủy lợi tưới mát, làm sống dậy bao cánh đồng. Vào khoảng đầu hè, những cánh đồng lúa đã ngậm đòng, chỉ đợi vào vụ gặt. Nhà cậu không làm nhiều lúa, do cậu bị bệnh và cậu nói: “Thằng Hào thì quanh quẩn mấy công việc phụ cho cậu Hóa ở trên tỉnh”. Cậu chỉ cho tôi xem chái cạnh nhà có cái bồ đựng lúa khá lớn. Nếu bán hết lúa được bao nhiêu hả cậu? –Chỉ vài triệu thôi con. Tiếng thở dài kèm theo của cậu. Tôi nhẩm tính với vài triệu của người nông dân rất lớn để phải tốn biết bao nhiêu mồ hôi, dầm mưa dãi nắng trên ruộng đồng.
 Sau buổi cơm chiều mộc mạc, cậu tôi kể cho tôi nghe chuyện xưa nhà mệ ngoại tôi ở gần nhà cậu. Cậu ruột tôi là cậu Võ Đình Cư là người đi đầu, dẫn dắt cả nhà lên ở đường Lê Văn Duyệt, người ta gọi là lên tỉnh để mưu sinh và tìm cuộc sống an toàn hơn. Tôi tưởng tượng ra ngôi nhà tranh đâu đó của ông bà ngoại, thời ông còn đi lính Khố đỏ. Mẹ tôi là cô gái trẻ, duyên tình dở dang vì người yêu không đành bỏ cô gái đang bị bệnh lại ở ven sông khi Pháp càn quét nên anh ta bị giặc bắt đem đi bêu đầu!
 Cả ngày nay, tôi đã đi khá nhiều nơi, cần có giấc ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau. Sáng ngày mai, khi mặt trời vừa hửng, tôi sẽ ra thăm mộ tổ tiên bên ngoại ở nghĩa trang đầu làng. 
Bóng tối buông xuống từ hồi nào, ngoài trời phủ một màn đen như mực, chỉ có ánh đèn hắt từ trong nhà ra khoảng sân. Nhà cậu còn dùng chiếc ti vi màu nhỏ, đó là niềm vui duy nhất của hai người lớn trong nhà này. Hào là cậu trai làng, ngày ngày ngoài việc chạy lên tỉnh thì còn lại đi lông bông nhà bạn bè trong xóm. Từ chiếc giường ngủ nhìn ra cửa sổ là khu vườn nhỏ nhà cậu. Mở cửa cho thoáng mát và tận hưởng toàn vẹn hương quê nhà, một mùi ngai ngái của cây lá tre mục, của đống rơm rạ… chẳng lẫn vào đâu và chốn thị thành không thể nào có. Đêm không có trăng, ông trăng đi đâu mất rồi để một người như tôi có thể ngấm vào mình những cảm xúc một mình trên miền quê. Tôi chợt nhớ có lần anh về làng Truồi, đi đò trên sông, anh thấy thật thú vị và có một mong muốn sau này về già, nên về quê, nơi có những dòng sông như thế để sinh sống, để hòa mình với thiên nhiên. Tiếng côn trùng ri rỉ đâu đó thật xa, tiếng lá cây xào xạc, thật yên tĩnh biết bao! Ấm nước chè xanh mợ hái từ cây chè vườn nhà, pha tí gừng; uống hớp nước nong nóng lại thấy ấm bụng; tuy uống chè nhưng giấc ngủ vẫn đến với tôi thật nhẹ nhàng.


Đêm nay, tôi tiếp tục mơ những chuyến đi. Ôi! Ngọt ngào sao hai tiếng Quê Hương!
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống giòng sông lấp loáng.”
(Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh)
Trưa thứ sáu, 8-5-15