Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

MỘT NGÀY TRẢI NGHIỆM TẠI NÔNG TRẠI TREE



 Học kì 1 năm học 2015-2016 vừa kết thúc, trường Tiểu học Trần Thị Ngọc Hân, ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh theo như dự kiến đã tổ chức cho học sinh từ khối 3 đến khối 5 cùng trải nghiệm, hóa thân làm nông dân.


 Nơi đến là nông trại Tree, nằm ở đầu địa phận tỉnh Bình Dương.
Sáng sớm, từ 6 giờ 30, tại sân trường, học sinh và phụ huynh đã đến đông đủ. Đoàn xe có 14 chiếc, là những chiếc xe lớn trên 50 chỗ ngồi. Mỗi xe gồm một hoặc hai lớp ghép lại, được đảm nhiệm bởi anh chị hướng dẫn viên và cô giáo chủ nhiệm, có thêm một vài phụ huynh đi theo.

Đúng 7 giờ, đoàn xe bắt đầu khởi hành.
Trên xe số 9 gồm 37 học sinh lớp Bốn 3 và 10 em lớp Năm 7 . Anh Tâm hướng dẫn viên vui vẻ giới thiệu chương trình các em sẽ tham gia trong ngày trải nghiệm. Anh nhắc nhở nhất là các em phải chấp hành theo đúng quy định của đoàn và nông trại Tree. 
Xe đến nơi.
Theo thứ tự học sinh của từng chiếc xe xuống và được bàn giao cho hai anh chị nông dân của nông trại, đó là sự hóa thân của hai anh chị nhân viên trong bộ đồ bà ba nâu và khăn rằn. Xe số 9 được “ Anh chàng đẹp trai” và chị Duyên đảm trách. Các em tíu tít bên hai người này, cùng nhau xếp hàng hai đi vào bên trong. Hôm nay, không những học sinh trường tiểu học Trần Thị Ngọc Hân mà có cả trường trung học cơ sở Trần Quốc Tuấn, … nên khu vực trại rất đông đúc, tuy nhiên nhờ có sự tổ chức chặt chẽ, linh hoạt nên việc quản lý học sinh khá tốt. Nghe nói khuôn viên này có diện tích 2000 mét vuông, được tổ chức tham quan có tính hướng nghiệp.


Các em đã đi vào đúng vị trí và ngồi xuống trên một tấm bạt lớn. 

Đầu tiên, các em sẽ theo dõi hai anh chị hướng dẫn cách gói bánh chưng. Mùa nào thức ấy: dịp này, Tết về, nên nông trại cho các em học cách gói bánh chưng, bánh cổ truyền của người Việt. Nếp và đậu xanh đã được ngâm, đãi sạch, lá chuối cũng được chuẩn bị, dây lạt sẵn sàng rồi. Bao cặp mắt chăm chú theo dõi, để tí nữa thôi, chính tự tay các em sẽ gói bánh để sau đó bánh được nấu chín, chiều đem về nhà khoe với ông bà, ba mẹ.


Việc gói bánh vừa xong, các em tiếp tục đi tham quan các công đoạn làm ra các con heo đất. Đi theo con đường giữa vườn bắp xanh um, bắp giờ đã ra trái. Những bụi chuối trổ buồng ven con lạch. Những ô ruộng lúa đã trổ đòng, có anh bù nhìn canh không cho chim phá. Những bụi tre, những cây xanh lên khá cao cũng đủ bóng mát che cho trẻ. Các em nói mua một con heo đất để bỏ tiền tiết kiệm ở chợ chỉ với giá 5 nghìn đồng, nhưng khi tận mắt xem qua một vài trong 24 công đoạn làm con heo bé dễ thương như thế này mới quý công sức lao động của các cô chú. Hai anh, chị thay phiên hướng dẫn các em, vừa làm vừa giải thích, sau đó cho các em từng nhóm lên đổ nước hồ đất sét vào khuôn. Xong việc đổ khuôn, nhờ mấy người ra phơi, còn các em tiếp tục đi cấy lúa. Hẹn chiều, sẽ trở lại nơi này để mỗi em được nhận một chú heo xinh xinh còn thô, về nhà tự vẽ, tô màu theo ý thích, để tết tha hồ bỏ tiền lì xì.





Công việc tiếp là lội ruộng đi cấy lúa. Cả đoàn theo nhau đi thay áo quần nông dân, học sinh nam đi theo “Anh chàng đẹp trai”, còn nữ theo chị Duyên, cùng nhau xắn ống quần thể dục lên cao và khoác vào chiếc áo bà ba màu nâu, cùng nhau hô vang: “ Không sợ bùn, không sợ dơ”. Cả đoàn đi theo hàng qua ô ruộng nho nhỏ. Anh chị bày cách lội xuống ruộng để khỏi bị “ ngã bắt ếch”, cách cầm nắm mạ non, cách cấy vài cây mạ ấn sâu xuống bùn. Một, hai, ba bắt đầu thi đội nam và nữ giữa tiếng vỗ tay cổ vũ của bạn bè. Vậy mà có bạn lại bị ngã, vì bùn trơn trợt lắm. Khi đã bước chân xuống bùn rồi, các em cũng mạnh dạn hẳn lên. Bùn văng tung tóe trên mặt, tay chân, cả áo quần các em. Có em nam nghịch ngợm đòi bước qua cầu khỉ bắt qua con lạch nước nhỏ. 


Bắt cá là việc trải nghiệm vui thú nhất! Nam nữ lội xuống nước, giành nhau bắt những chú cá lóc khá lớn. Em học trò nam nhanh nhẹn bắt được rất nhiều con. Lội bùn bắt cá không làm các em học trò thành phố ngần ngại chút nào mà còn phấn khích là đằng khác. 
Dù sao cũng đã thấm mệt rồi. Nắng đã lên đỉnh đầu. Mồ hôi nhễ nhại vì lao động. Anh chị chia ra dẫn hai đoàn đi tắm thay áo quần sạch, chuẩn bị ăn cơm trưa và nghỉ ngơi. Sau bữa cơm thân mật, các em trở về vị trí đầu, ngồi nghỉ dưới những tán cây râm mát.

 Buổi chiều, tiếp tục các trò chơi tập thể dưới sự hướng dẫn vui nhộn và hay chọc cười của hoạt náo viên. Tất cả học sinh tập trung về ở sân lớn. Các trò chơi tiếp tục diễn ra thật sôi nổi…




Nắng chiều bớt chói chang hơn. Khuôn mặt em nào đỏ ửng nhưng vẫn tươi cười. Anh chị tiếp tục dẫn đoàn học sinh về chỗ hồi sáng để xem cách gỡ khuôn con heo đất. Thật ra, vì không có thời gian nên học sinh chỉ tự tay làm được hai công đoạn: đổ khuôn và gỡ khuôn ra. Những chú heo con ngộ nghĩnh được các em nhẹ nhàng bưng ra đặt trên tấm lót để phơi nắng, còn các em được nhận heo đất đã nung chín rồi. Khi cầm trên tay chú heo con màu đỏ mới nung, em mới thấy niềm vui sướng, hãnh diện. 


Anh chị nhanh nhẹn đem bánh chưng đã luộc chín về chia cho mỗi em một cái. Giờ phút chia tay đã đến, cả đoàn học sinh chụp hình lưu niệm cùng chị Duyên phụ trách.

 Một ngày trải nghiệm làm nông dân của cháu ngoại tôi cũng như các em học sinh trường Tiểu học Trần Thị Ngọc Hân đã kết thúc. Các em về trường, trở về gia đình mà trong lòng lưu luyến lắm. Đây là một kỉ niệm đẹp trong lòng các em, là những cô bé, cậu bé học trò tiểu học. Các em sẽ thấy yêu quý hơn công sức lao động của bà con nông dân khi làm ra hạt gạo, càng thấy yêu hơn những sản phẩm làm từ đất trên chính mảnh đất miền Nam quê hương của các em. 
(* Người kể là bà ngoại của cháu, đi theo chuyến dã ngoại nhà trường.)