Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Quê ngoại



Quê nội tôi là xứ Truồi, Huế nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, được sự đùm bọc của quê ngoại.


Làng Truồi, quê nội
Tôi chỉ nhớ mang máng con đường về thăm quê nội trong những ngày Tết năm nào. Con đường nhỏ dẫn vào làng gần đường xe lửa.Âm thanh tiếng còi tàu ngày xưa mà tôi nghe như vẫn còn vang vọng mãi cho tới bây giờ.Làng tôi thơ mộng nằm ven con sông nhỏ, nước trong xanh ngăn ngắt, ngôi nhà nho nhỏ của nội nằm khuất trong khu vườn rợp bóng cây.Tôi không có bao nhiêu ngày ở quê nội, nên trong trí nhớ của tôi về nơi đây hầu như rất mờ nhạt.

Sông Truồi

Nhà tôi nằm trên đường Lê Văn Duyệt, ngay trước cửa cổ thành Đinh Công Tráng. Đi vào một quãng là nhà bà ngoại. Quãng đời thơ ấu của tôi bắt đầu từ nơi đây. Vào những ngày mưa bão năm xưa, mẹ và các cậu, dì của tôi kéo nhau ra đường lôi những thân cây bị đổ về làm củi đốt. Còn đám nhỏ chúng tôi thì ở trong nhà chơi đồ hàng rất ư là vô tư, hầu như không biết thế nào là cái khổ sở của người dân chạy lụt.Ở đây tình làng nghĩa xóm rất khắn khít, sống chan hòa yêu thương nhau. Chúng tôi thường rủ nhau ra phía cuối xóm. Nhìn phía xa tít tắp chân trời là những cánh đồng, những làng mạc. Tôi đoán chừng đâu đó là Nại Cữu, quê của mẹ tôi. Lũ nhỏ chúng tôi còn tinh nghịch leo lên cả mấy mộ đá đen sì, hù dọa ma rồi rượt đuổi nhau chạy ù về xóm. Vào dịpTết, chúng tôi thường  rủ nhau về làng quê Nại Cữu. Đi bộ quãng đường  thật dài nhưng  vừa đi vừa đùa giỡn nên chúng tôi quên hết bao mệt mỏi. Làng ngoại tôi nghèo lắm, đa số sống bằng nghề làm nông, còn những ai khá giả đã tìm đường ra tỉnh hoặc đi sinh sống nơi khác. Ra đến bến sông ven lũy tre làng, chúng tôi tha hồ nghịch nước. Đang đói bụng nên ăn  bữa cơm trưa đạm bạc thấy rất ngon lành dù chỉ là cơm trắng với muối ớt, dưa cà. Chơi đùa thỏa thích, buổi chiều lại kéo nhau về nhà. Vừa đi vừa chạy sợ bị Cách mạng nằm vùng bắt lại.(Nghĩ lại thấy tức cười quá!Ai thèm bắt lũ nhóc chúng tôi nhỉ!).
QUẢNG TRỊ ƠI !NHỮNG NGÀY VUI
Sau năm 1968, biến cố Xuân Mậu thân, gia đình tôi lên ở ngay chợ Quảng Trị. Dì và mẹ tôi thuê một ngôi nhà (sát tiệm chụp ảnh Li Do) để buôn bán. Tôi tiếp tục học trường nữ tiểu học.Sau đó tôi thi đậu vào trường Nguyễn Hoàng. Tôi có thêm những bạn bè mới.
Sau buổi học, chúng tôi thường rủ nhau đi tìm cây lá…về sưu tầm, đem lên cho thầy, cô chấm điểm môn Vạn Vật.Muốn có cây dương xỉ, tôi và vài ba đứa bạn tìm đến những bờ ao ven làng để kiếm. Muốn có rêu, tôi chỉ việc đến nhà bạn, leo lên vách nhà gỡ xuống vài mảng . Muốn có rong biển, chúng tôi phải đi xa hơn. Chúng tôi đạp xe về tận biển Cửa Việt. Về đến đó, tội lội ngay xuống vũng nước vớt rong, bỏ vào vài bao ni lon . Khi đem về, chúng tôi giữ khư khư coi như là báu vật…Tụi bạn còn rủ tôi đạp xe về quê chúng ở làng Quy Thiện chơi. Đám con gái tuổi 12, 13 mà nghịch không kém gì đám bạn con trai.Chúng tôi tha hồ leo cây hái ổi, nào trái ăn trái để dành mang về nhà.
Tham gia hoạt động xã hội- đây là hoạt động tôi rất thích vì bản tính tôi vô cùng hiếu động. Tôi là đoàn viên  trong Đoàn thể Học sinh Phật tử. Vào mỗi buổi chiều chủ nhật, tôi đến chùa Tỉnh Hội để sinh hoạt vui chơi. Không những thế, tôi còn cùng với các anh chị tham gia công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Có một lần đi cứu trợ tại Mỹ Chánh. Từ sáng sớm ,chúng tôi tập trung tại chùa, nhanh chóng leo lên xe để đi, bất chấp mọi nguy hiểm. Vài chiếc xe lớn chở đoàn người chúng tôi vào vùng nước lũ vẫn còn chưa rút hết.Xe chạy băng qua những con đường ngập nước, nước tràn cả lên đường cái. Đến nơi, chúng tôi tập kết bên này sông. Một vài chiếc đò lần lượt chở từng đoàn người và lương thực, thực phẩm qua sông để kịp thời cứu trợ cho dân trong làng. Giờ nghĩ lại thấy cũng liều! Lỡ may đò chìm nghỉm thì làm gì còn có hôm nay. Có một điều rất vui và cảm động là người dân nghèo quý chúng tôi lắm. Họ vui mừng không kể xiết. Trưa hôm đó, chúng tôi ăn qua loa cho đỡ đói lòng. Vẻ mặt người nào cũng hớn hở, vẫn cười đùa, ca hát vô tư  mặc gì trời mưa rét. Chia tay ra về, ai nấy  cũng còn lưu luyến. Khi đi xuống đình làng, tôi vẫn còn thong thả ôm Ông Thiện để cầu được ban phước lành( Ở đây có hai ông thần đứng chầu hai bên, một bên là Ông thiện, còn một bên là Ông Ác).Cũng vẫn là những chiếc đò mỏng manh lần lượt chở chúng tôi trả về bên này bờ sông.
Đi cứu trợ lần này, giữa đường tôi vẫn không quên xin xuống xe , nhanh chóng chạy đi hái vài nhánh thông đem về chấm điểm.
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG
          Buổi sáng thứ sáu ngày 30 tháng 3 năm 1972.   
Chúng tôi được nghỉ học 2 tiết cuối. Cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ. Cười nói thật ồn ào, thật náo nhiệt . Nhóm chúng tôi, vẫn là những người bạn thân thuộc. Chùa Sắc Tứ nhé !Ừ.Ừ…Đúng rồi.Đi thôi.Cả bầy con gái chúng tôi tung tăng xách cặp, rời khỏi sân trường, cùng đi về phía bến xe đối diện trường Nguyễn Hoàng.
Chuyện gì thế nhỉ? Hôm nay bến xe không đông đúc như thường ngày. Thật vắng lặng. Một không gian im ắng lạ thường. Tin tức lan nhanh, lan nhanh.Bọn học trò chúng tôi ai về nhà nấy thôi. Chiến sự đang xảy ra rồi đó. Bên kia bờ sông Thạch Hản, từng đoàn người tản cư đang gồng gánh nhau về Quảng Trị ngày một đông dần.
Chúng tôi chia tay nhau ra về không một lời hẹn gặp lại, đành hủy bỏ chuyến đi chơi chùa Sắc Tứ đầy tiếc rẻ.Ai ngờ đó là buổi học cuối cùng của chúng tôi tại mái trường Nguyễn Hoàng dấu yêu này.
XA QUÊ
Một buổi sáng cuối tháng 5 năm 1972.
          Chiếc máy bay đã mang theo cả gia đình tôi vào miền Nam. Bỏ lại sau lưng là quê hương Quảng Trị, quê ngoại của tôi. Kể từ đó chưa một lần tôi trở về.
          Con đường từ thành phố Sài Gòn về Mỹ Tho thật lạ lẫm trong đôi mắt trẻ thơ của tôi. Buổi chiều hôm đó, tôi về đây. Trong ánh nắng chiều còn khá gay gắt, tôi tìm ra chợ Hàng Bông. Vùng đất này thật trù phú và những con người ở đây có vẻ phóng khoáng. Tôi ngớ ngẩn đứng ngắm những quầy hàng trái cây chất đầy ở chợ mà cảm thất thèm muốn cuộc sống yên lành như họ. Tôi tiếc nuối. Tôi nhớ thương những ngày sống ở  miền Trung. Trong trí nhớ còn non nớt của tôi , những hình ảnh, những con đường phố dần hiện ra. Tôi cố sức mà vẽ sơ đồ Quảng Trị , vẽ trong ngân ngấn nước mắt. Tôi sợ mình sẽ quên đi- quên đi theo thời gian…Bạn bè của tôi tan tác khắp nơi. Một số bạn ở Đà Nẵng thỉnh thoảng gởi thư và ảnh cho tôi, vẫn địa chỉ 56 Nguyễn Trãi, Mỹ Tho.Có lẽ bạn bè thương cho tôi lạc loài nơi xứ lạ, quê người.Tôi nhớ lắm! Nhớ lắm!
          Ngày ngày tôi lại đi học, không phải trên con đường Quang Trung hoặc con đường làng mát rượi bóng tre xanh mà lại trên con đường hoàn toàn xa lạ.Đường Hùng Vương với hai hàng me xanh um, chạy dài, dẫn bước chân tôi đến ngôi trường mới. Tôi thấy vô cùng bỡ ngỡ trước khung trời mới, bạn bè mới, thầy cô mới.Vì giọng nói miền Trung khó nghe nên tôi sinh ra nhút nhát. Tôi ít nói hẳn và có vẻ trầm tư hơn. Tuy nhiên vì sự cố gắng, chăm chỉ học tập của tôi đã mang lại cho tôi kết quả khả quan. Thầy cô và bạn bè  dành cho tôi tình cảm ưu ái, thân thương. Gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, nhưng tôi vượt khó để học giỏi, không hỗ danh là người con miền Trung hiếu học. Mỹ Tho từ đó trở thành quê hương thứ hai của tôi. Nơi đây tôi cũng có đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò. Chúng bạn thường rủ tôi về miền quê đầy ắp cây trái, một vùng sông nước ven theo sông Tiền.
MỘT QUÊ HƯƠNG MỚI- NHƯ QUẢNG TRỊ QUÊ MÌNH
Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đất nước được giải phóng!
Gia đình tôi tìm về vùng đất mới như số người dân miền trung khác. Xứ Động Đền- Hàm Tân từ đó là quê hương mới của tôi.
Cuộc đời có nhiều thay đổi kể từ ngày ấy. Biết bao khổ cực, đắng cay. Từ chỗ không biết cầm cuốc nay lại phải tập cầm cuốc,. Bàn tay trở nên chai sạn, tự mày mò để tìm ra cái ăn từ sức sống của vùng đất cát đầy nắng gió này. Chị em tôi rất vụng về trong lao động nhưng may thay vẫn kiếm được củ khoai, củ sắn, trái bắp để ăn qua ngày. Mẹ tôi nghèo lắm nhưng vẫn cho tôi  tiếp tục đi học. Bao nhiêu gánh nặng lại oằn lên đôi vai gầy yếu của mẹ. Ngày ngày tôi vẫn đến trường- ngôi trường cấp 3 Hàm Tân.Chúng tôi đi bộ từ nhà đến trường xa lắm, do đó đành phải ở trọ, một tuần về nhà một lần. Tôi phải đem theo theo gạo, khoai, ít  thức ăn để dè xẻn cho đủ ăn trong tuần. Cứ chiều chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống là tôi nhớ nhà da diết. Đôi mắt tôi cứ đăm đắm trông về phía xóm nhà tôi ở. Không xa lắm nhưng tôi không thể về được , nếu đi về hằng ngày sẽ rất tổn sức, lại còn ảnh hưởng đến việc học hành.
GẶP GỠ BẠN BÈ SAU BAO NHIÊU NĂM XA CÁCH
          …Qua ngày gặp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng, mùa xuân năm 2008( tổ chức tại Suối Dứa, La Gi) tôi đã liên lạc được số bạn bè cũ, cách đây mấy chục năm trời kể từ năm 1972.
Nào Lý Thế Văn, Lê Thị Quảng, Lê Thị Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Thu Sương…Tôi gặp gỡ số bạn bè khác cùng khối lớp tại thành phố Hồ Chí Minh như Liên( lớp trưởng lớp tôi hồi trường nữ tiểu học), Thảo, Ánh, Ti, Hải, Phú,  … bạn Trường Chinh và đặc biệt là bạn Lăng( bề ngoài có vẻ khác các bạn nam khác vì để bộ râu có vẻ ra dáng Tiến sĩ quá !)
          Tiếc rằng tôi không biết các bạn Công Huyền Tôn Nữ Anh Đào, Tôn Nữ Khánh Hiền, Tôn Nữ Khánh Hiệp, Lê thị Mỹ Hạnh, Dương Thị Hóa, bạn Lai(em anh Sinh, hay giúp bạn bè chúng tôi viết bài gởi báo Thằng Bờm), bạn Dung(tiệm đồng hồ Uy Tín), Mại Phương(ở ty ngân khố)…giờ ở nơi nào? Tôi xa quê từ năm lớp 7, hồi đó còn nhỏ quá! Nên kỷ niệm của tôi về trường lớp, bạn bè quá ư là ít ỏi.
          Tôi cảm ơn các bạn đã liên lạc và gặp lại tôi, cho tôi sống lại kỷ niệm thời thơ ấu, thời áo trắng Nguyễn Hoàng, Quảng Trị mến thương.