Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Đi về miền kỉ niệm


     Một chuyến đi về quê hương thật quá nhiều kỉ niệm.     Phải nói rằng, có bốn điều tuyệt vời trong một chuyến đi dài ngày: về thăm quê ngoại, quê nội, dự hội trường và gặp mặt, cùng đi chơi với bạn bè. Trong thâm tâm tôi tự hứa vào đầu mùa hè năm 2014 hoặc năm sau, tôi sẽ trở về một lần nữa.Tôi đã đặt mua vé tàu lửa cho chuyến hành trình về quê trước cả tháng, ngay từ khi năm học còn chưa kết thúc. Biết tôi gởi tiền ra Huế để nhờ mua cả vé tàu về, ai cũng bảo rằng tôi quá lo xa. Tôi đếm từng ngày cho đến ngày lên đường. Có những đêm tôi thao thức không ngủ được vì cứ nôn nao nghĩ đến ngày về quê sau bao năm xa cách, cả đến 40 năm dài đằng đẵng. Tôi chuẩn bị đầy đủ hành trang nhiều ngày đi, tất cả cho một cái va li to kềnh, kể cả vài cái áo khoác dày để dành cho bà con mặc mùa đông. Chắc khi trời đông giá rét hoặc mưa phùn lất phất, những ai mặc chiếc áo ấm áp  tôi tặng ắt sẽ nhớ đến tấm lòng của tôi. Ngôi nhà tôi đi vắng không hẳn vắng vẻ, lạnh lẽo vì tôi đã nhờ được người hàng xóm trông nom; đêm đêm có hai chị em song sinh qua nhà, các kênh hình MyTV sẽ lôi cuốn chúng.  Mai đây, một mình tôi sẽ thong dong trên đường thiên lí, bỏ lại sau lưng những gì lo toan, khiến tôi không có một mùa hè nào được thảnh thơi. Tôi thích đi tàu lửa vì đối với tôi rất thú vị, tiếng còi tàu năm xưa như từng nhắc nhở những kỷ niệm về quê nội.Buổi trưa ngày 20-6Mọi hành lí chuẩn bị đâu đó sẵn sàng, tôi và dì ra đường đón xe bus. Như đã hẹn, chị chồng tôi đã có mặt và ngồi chờ trên chiếc xe sắp sửa khởi hành. Xe bus tuyến đường La Gi- Phan Thiết chạy theo con đường ven biển, từng làn gió mát mẻ dễ chịu thổi vào ô cửa. Cảnh biển nơi đây tuyệt đẹp: một bên là bờ biển, sóng vỗ vào ghềnh đá thơ mộng, một bên là những xóm chài vẫn còn giữ nét hoang sơ. Mũi Điện Kê Gà ở xã Tân Thành nhìn từ xa thật hùng vĩ. Kia rồi là ngọn Hải Đăng giữa biển xanh mênh mông, nơi đêm về có ánh đèn chói lòa định hướng cho tàu bè qua lại và cho cả những ngư dân đang còn trên những chiếc thúng câu ngoài khơi xa.      Tôi là người dân địa phương nhưng chưa một lần đặt chân lên đến ngọn hải đăng này, trong khi đó có những người khách du lịch từ phương xa tìm về đây, thích thú ngồi trên thúng câu hoặc ghe máy để ra tận chân tháp, có khi họ mạo hiểm leo lên đỉnh ngọn hải đăng chong chênh giữa sóng nước. Những khu resort  nằm liền kề  nhau chạy dài từ xã Tân Thành cho đến xã Tiến Thành theo con đường ven bờ biển, nơi đó những khu nhà khang trang mới được xây dựng, nằm lấp ló trong rừng dương râm mát.               Chiều thứ tư ngày 20 tháng 6 năm 2012             Cả 3 người: tôi, dì và chị chồng tôi, mỗi người đều mang theo 2 xách tay, vali; khi ở chợ Phan Thiết ra, còn đèo thêm 5 thùng đồ và túi xách gồm nhiều trái cây thanh long, chôm chôm, bánh cốm sữa, bánh rế. Đây là món quà của miền đất Nam Trung bộ đem ra biếu bà con mình ở quê và để cúng chùa. Từ nhà chị tôi ở chợ Phan Thiết ra đến ga Mương Mán khoảng chừng hơn mười cây số. Chúng tôi gọi xe taxi ra ga Bình Thuận lúc 16 giờ. Gần 19 giờ 30 phút, tàu đến, tiếng còi kéo một hồi dài  báo hiệu từ xa; mọi người vội vã lên đúng toa của mình. Tôi là người lên sau cùng. Tàu lại tiếp tục chuyển bánh trên chặng đường dài ra Bắc; dì và chị đã vào chỗ ngồi, còn tôi phải sắp xếp từng thùng hàng xong, rồi mới yên tâm ngồi vào ghế. Trời tối hẳn nên tôi không nhìn rõ mọi vật  xung quanh, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy những hàng điện đường chạy ngược lại với đoàn tàu. Càng về khuya, tiết trời càng lạnh, giấc ngủ chập chờn đến với tôi theo bánh tàu chạy sầm sập trên đường ray…              Chiều thứ năm ngày 21 tháng 6                 Qua 20 tiếng đồng hồ mong đợi trên con tàu SE6, thế rồi tàu cũng dừng bánh trên ga Đông Hà. Niềm vui như vỡ òa, chút nữa thôi tôi sẽ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cố nén đi giây phút xúc động, vì tôi đã về đây rồi. Có những ai đã đi đi về về biết bao nhiêu chuyến, nhưng chưa hẳn đã có những cảm xúc giống như tôi. Vì vội vàng hay vì quá nôn nao mà cả ba chúng tôi đã kéo đồ đạc chuẩn bị sẵn ở cửa xuống tàu ngay từ ga Diên Sanh. May thay, cái va li kéo của tôi cũng như chiếc xe đẩy tiện lợi, nó còn kéo thêm được hai thùng quà nặng trịch. Một vai tôi vác chiếc ba lô, trên tay còn đèo thêm chiếc túi, một tay tôi kéo chiếc va li ra khỏi mấy đường ray để vào hẳn bên trong. Tôi chia tay chị chồng ngay tại sân ga.Tôi gọi xe taxi cùng dì về làng Nại Cữu, quê ngoại của tôi. Xe bon bon chạy trên quốc lộ ngược về Quảng Trị, khắp nơi chỗ nào tôi cũng thấy những công trình xây dựng đang còn dang dở. Tôi không thấy con đường vào chùa Sắc Tứ đâu cả. Bác tài xế giải thích các cơ quan đã xây lên trước mặt nên từ xa không thể  nhìn thấy quang cảnh ngôi chùa. Thay vì chạy theo con đường mới An Môn về Sãi cho nhanh thì tài xế cho xe chạy vào chợ tỉnh. Xe chạy qua cầu Ga, rồi quẹo vào đường Trần Hưng Đạo. Trường Bồ Đề vẫn còn vết tích nham nhở, đổ nát do chiến tranh. Từ trường Bồ Đề về chợ sao nhanh thế! Ngày hôm nào tôi đi bộ lên nhà cô Sâm dạy Anh văn ở tuốt trên này thấy xa lắm mà! Cửa chợ đây rồi, nhưng vị trí thay đổi, không còn như trước, bên phải đường Quang Trung. Bác tài, đó là ngã tư Quang Trung, Trần Hưng Đạo à? Bác gật đầu. Nhà sách Tùng Sơn ở góc đường đối diện nhà ông Khiết nay là quầy thuốc tây. Làm sao tìm lại khu chợ bao quanh bởi con đường Trưng Trắc, ở quanh đó những ngôi nhà bạn bè, mãi mãi lưu giữ biết bao kỉ niệm thuở đi học trong ký ức của chúng tôi? Đường Trần Hưng Đạo xưa kia  dài và rộng, sao giờ này hình như ngắn và thu hẹp lại. Bạn bè tôi đã từng về Quảng Trị nói với tôi rằng thị xã mình  giờ nhỏ bé lắm, chỉ bằng lòng bàn tay, chạy xe một vòng là hết. Thật đúng như thế, thuở bé với đôi mắt trẻ thơ thì mình thấy cái gì cũng to lớn, còn giờ mình lớn lên rồi thì thấy cái gì cũng như thu nhỏ lại. Đoạn đường từ chợ về xóm cửa Hậu thấy xa mòn mỏi, muốn đi về thăm mệ ngoại, tôi phải gọi xích lô để đi... Xe chạy quá chợ, tôi nhác thấy thành cổ, cái tháp chuông cao cao. Cái vòng xoay nhỏ này dẫn về đâu thế?  Đó là con đường mở rộng của xóm Heo ngày trước, nó chạy thẳng về các làng Bích La, Nại Cữu…Tôi nhớ lại ngày Tết năm nào tôi và các anh chị họ, cả bầy lội bộ về làng ngoại. Tôi góp nhặt lại trong trí nhớ tưởng tượng ra vị trí cầu Sãi, rẽ phải về An Tiêm, con đường đất chạy dài phủ bóng hai hàng tre xanh mát rượi. Chúng tôi về nhà dì Tưởng, bà con của mẹ tôi. Nhà dì ở gần bến sông.  Khi vừa đến nhà, chỉ kịp chào hỏi xong là chúng tôi chạy nhanh ra bến vung vẫy nước. Có khi bị nước bắn tung tóe ướt cả mặt mũi, áo quần nhưng chúng tôi không giận lại còn cười đùa thích thú. Trưa, chỉ ăn bữa cơm đạm bạc với dì mà tôi thấy lòng ấm cúng hơn trong ngày đầu năm mới. Khi nắng chiều đổ dài trên các bụi cây, trên dòng sông trong veo, chúng tôi giật mình vì đã đến lúc phải ra về. Trên con đường làng hồi sáng biết bao háo hức, giờ cảm thấy sờ sợ; cả bọn bị hù dọa nên chạy đuổi theo nhau về nhà trước khi mặt trời tắt bóng. Dì tôi nói dì Tưởng giờ  mắt nhìn không rõ, đang sống nương cậy vào đứa con ở  đâu đó trên Tây Nguyên. Vậy là một người nữa tha hương vì mưu sinh cuộc sống. Biết đến bao giờ dì trở lại chốn này? Người già bao giờ cũng muốn quay về nguồn cội, như lá rụng về cội vậy. Trên mảnh đất ngày xưa là ngôi nhà của cậu Hòa, em trai dì đang sinh sống. Tôi nhận ra cổng vào làng, ghi rõ tên ngôi làng Nại Cữu. Xe chạy qua ngôi nhà thờ họ Võ ở đầu làng. Hai bên là những ô ruộng xanh rì, sóng lúa nhấp nhô. Một vài con bò đứng ngáng đường trên con đường đất đỏ mấp mô. Dì tôi chỉ về phía trái, đó là mộ ông bà tổ tiên bên ngoại của tôi, mà chiều nay  dì cháu tôi sẽ đi viếng. Cậu tôi chạy xe máy ra đón, dẫn đường cho xe vào đến tận ngõ. Tôi nhận ra hàng rào chè tàu chạy quanh ngôi nhà, bên trên đầy những sợi tơ vàng mà thuở bé thơ, tôi rất thích bày trò chơi đồ hàng. Ngôi nhà ngày nào nhìn ra mặt sông, nay đã đổi hướng; vẫn còn đó một khu vườn nhỏ, có những cây mít, ổi sai trái, những bụi chuối đang trổ buồng, có cả cây chè già, lá dày xanh thẫm…Điều trước tiên tôi hỏi cậu về bến sông xưa; cậu tôi nói rằng ngày mai cậu sẽ dẫn tôi ra xem. Trong không gian vắng lặng của miền thôn quê, tôi cảm nhận mọi thứ đều khác, thậm chí khác cả vùng biển nơi tôi ở, như anh tôi nói: anh ngửi được mùi vị quê hương, đó là mùi khói bếp, mùi khói của rơm rạ, mùi ngai ngái của của những đống rơm ủ bên nhà…        Sáng ngày thứ năm 22 tháng 6    Trên quốc lộ 1A, đoạn đường chạy từ cầu Ga ra đến trước chùa Sắc Tứ, xe cộ đông đúc, tiếng còi xe réo liên hồi không nghỉ. Tôi không nhận ra  con đường đất đỏ dẫn vào chùa, có hai bên hai hàng dứa dại như thuở trước. Tôi quên cả lối đi nên cứ chạy xe theo cậu. Không phải đi theo con đường vào cổng chùa mà chúng tôi phải chạy men theo con đường mòn bên cạnh để vào nghĩa trang. Những ngôi mộ buồn bã, hoang vắng nằm gần nhau, núp dưới hàng cây keo tràm và dương liễu, tiếng gió vi vu nghe như điệu nhạc buồn muôn thuở. Tôi thấy lại hình ảnh của những cây bông ngũ sắc, mà tôi thường gọi là bông tiêu; hoa nó có nhiều màu và khi chín hạt nó giống như những hạt tiêu nho nhỏ. Tiếng chuông chùa lại ngân nga trong không gian mênh mang đầy tiếng gió hú…Tôi chợt nghĩ mệ ngoại mình ngày trước làm công quả cho nhà  chùa, nay phần mộ của mệ được nằm gần chốn Thiền môn, đó cũng là hồng duyên của mệ. Các ngôi mộ của các cậu tôi, mợ tôi, các em tôi cũng được nằm tề tựu chung quanh mệ. Nếu không có sự trông nom của cậu Hòa, người bà con còn lại ở quê nhà, không dễ gì tôi tìm ra được những ngôi mộ của người thân. Một nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh của mệ ngoại trong những năm tháng ở Hàm Tân, sau năm 1975, ngày qua ngày mệ già lom khom trong ngôi nhà tranh bé nhỏ. Cái khốn khó sau chiến tranh như thử thách sự kiên nhẫn của những con người sống giữa buổi giao thời. Với sức trẻ như chúng tôi có thể  chịu đựng được sự kham khổ, còn đối với người già như thế thì thật là tội đến nao lòng: vì mệ tôi, mẹ tôi còn có nỗi nhớ khôn nguôi về những đứa con đang còn học tập, cải tạo ở phương trời đất Bắc. Khói hương và lời cầu nguyện của con cháu về đây viếng thăm như một lời an ủi, cầu mong cho người khuất mặt được an nghỉ.Chúng tôi chạy xe ngược ra để đi vào cổng chùa. Con đường tráng nhựa thay cho đường đất sỏi đỏ vòng vèo ngày trước. Tôi cùng dì, cậu  vào chùa thăm thầy và xin cúng qua đường, một chút lễ vật dâng lên Đức Phật từ bi sau bao nhiêu năm mới trở về. Đây là chốn thanh tịnh, không đông đúc, ồn ào nên khi bước chân vào vãng cảnh chùa, tôi cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản. Một góc của chánh điện, đập vào mắt tôi là một cái trống màu đỏ sẫm thật lớn và đẹp do một gia đình nào đó cúng dường. Ngôi chùa nay đã được trùng tu, không còn thấy vết tích của chiến tranh, kiến trúc mới như còn lưu lại vẻ đẹp khá hài hòa giữa nhân tạo và thiên nhiên. Chùa mới có vẻ khác ngôi chùa ngày trước, nhưng dù sao tên chùa vẫn không thay đổi. Tôi rất tiếc khi không còn nhìn thấy hồ sen tự nhiên trước tượng đài Phật Quán Thế Âm mà thuở đi học, mỗi khi qua chùa, tôi thường đứng ngắm những đóa sen phơn phớt hồng, đẹp thanh cao luôn muốn vươn cao khỏi mặt hồ.   Chiều thứ sáu ngày 22 tháng 6   Tôi đã mượn được chiếc xe máy để chở dì tôi, rủ thêm cậu Hoa chạy lên xóm Cửa Hậu bây giờ thay đổi như thế nào? Có lần, dì cho tôi xem một bức hình dì chụp khi trở lại Quảng Trị sau trận Cầu Dài, dì đứng bên cạnh ngôi nhà đã đổ nát vì bom đạn. Tôi chạy theo con đường cũ ra Sãi. Chợ Sãi buổi sáng vắng người, chỉ lèo tèo vài người mua kẻ bán. Chạy qua cầu Rì Rì, qua con đập cao ngăn lũ lụt…Dì tôi kể hồi xưa nước lụt thường cuốn trôi nhiều chiếc đò và người ở đây ra biển. Chúng tôi đi lên chợ vào ăn bánh ướt ở một quán, người chủ là dân Quảng Nam. Bánh ở đây không ngon bằng bánh ướt thịt heo luộc hồi sáng tôi ăn ở nhà cậu Hòa. Từ sáng sớm, khi tôi chưa thức dậy, cậu đã đi bộ ra đầu làng, gọi là tập thể dục kết hợp đi chợ luôn thể. Bánh ướt từng miếng trắng phau, ăn kèm thịt heo ba chỉ mới luộc còn nóng hổi, gắp thêm ít rau giá, chấm với nước mắm ớt đặc trưng. Ăn đến đâu là thấy ngon, ngọt ngào đến đó. Tôi tấm tắc khen ngon, khen thịt heo thơm, không như mùi vị thịt heo trong Nam  Tôi chạy qua bùng binh, quẹo trái về đường Phan Đình Phùng (tên cũ là đường Lê văn Duyệt, dẫn về xóm của tôi). Tôi ngỡ ngàng và xúc động trước cảnh cũ quá nhiều thay đổi: cổng thành nham nhỡ những vết tích đạn pháo, để lộ từng hàng gạch đỏ thâm đen; vẫn còn cái cửa sắt dày, cũ kĩ, han gỉ nhưng không còn rào lưới thép chằng chịt như sau ngày Tết năm 1967. Dì cháu tôi ngắm cảnh vật ở đây như muốn tìm lại được những gì còn sót lại của ngày xa xưa. Ngay đến vẻ đẹp của những đám hoa lục bình tim tím kia và những đóa hoa sen hồng cũng hoàn toàn mới lạ, chúng làm sao hiểu nỗi niềm tâm sự của chúng tôi. Tôi nhìn ra phía trước cổng thành, chiếc cầu mới, hình dáng cong cong khá uyển chuyển. Cái gì cũng mới, cũng đẹp. Con đường vào xóm nhỏ, xóm cửa Hậu, dẫn vào khu chiêu hồi đâu rồi nhỉ? Nhà cửa họ xây chắn ngang, không còn con đường dẫn vào xóm nhỏ. Tôi cố tình nán lại để quay nốt hình ảnh này, chụp vài tấm hình về đường Trí Bưu, về xóm Heo, trong lúc dì tôi giục về để có thể vào thành. Hôm nay cửa thành cổ đã đóng, không cho người ta vào tham quan. Tôi không có dịp vào tham quan CỎ NON THÀNH CỔ  để tận mắt  thấy bao lớp cỏ non xanh kia như lời một nhạc sĩ khóc thương bao chàng trai trẻ đã ngã xuống trên chiến trường khốc liệt. Dì cháu tôi đành chia tay cậu để trở về làng, còn cậu tôi chạy ngược lên cầu Ga. Lần này, dì bảo tôi chạy xuống đường An Tiêm thay vì đi đường cũ về Sãi. Đây đúng là con đường xưa chúng tôi đã đi về làng, chỉ khác là con đập chắn ngang dòng sông, có một con mương rộng, dài dẫn nước về các làng. Tôi hỏi dì tên con sông uốn quanh làng Nại Cữu là gì ? -Vĩnh Định. Trong chiến tranh, khi dân chúng già trẻ dắt nhau men theo con sông này chạy ra miền ngoài, bị bom thả chết nhiều lắm, nằm la liệt dọc cả đường. Tôi rùng mình, như có một hơi lạnh toát lên dọc xương sống của mình. Trời chiều, ráng vàng đổ dài trên dòng sông, hoàng hôn dần buông. Những bụi tre vươn ra bờ sông như cố níu kéo, con đường đất đỏ về làng có đôi chỗ gồ ghề khó chạy…Một buổi tối thứ hai ở làng ngoại, sáng ngày mai tôi sẽ lên cầu ga.Sáng thứ bảy ngày 23 tháng 6Tôi lên nhà cháu bên chồng ở cầu Ga gặp chị Thanh Thu. Gần chín giờ, chị Quảng Trung và Đoàn Hoa cũng vừa xuống xe. Chúng tôi đi lên viếng mộ ba chồng ở  trên La Vang. Trời thương sao mấy hôm nay không đổ nắng gay gắt, không làm cho chúng tôi, những người ở Nam ra đây rất sợ cái nắng và gió Lào. Những ngôi mộ nằm trên đồi cao, nhìn xuống hồ nước được bao quanh một rừng cây xanh, phong cảnh đẹp như một ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất khô cằn này. Con kênh dẫn nước từ hồ Tích Tường về trong vắt, nghe nói đây là nguồn nước sạch sinh hoạt cho cả thị xã. Hôm nay là mồng năm, Tết Đoan Ngọ, tôi được mời ăn trưa tại nhà cháu, mặc dù tôi cũng rất nóng lòng gặp bạn bè; lúc này các bạn tôi sau chuyến đi chơi Bà Nà, Đà Nẵng, đã ra đến Quảng Trị. Tôi đến khách sạn hơi trễ. Chúng tôi rủ anh Lê Chí Hùng, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng từ Boston về, cùng đi qua chùa Sư Nữ(nay là Long An. Trước kia là các nhà  sư nữ nay toàn là các thầy và chú tiểu). Xe chở chúng tôi lên cầu Ga, đi về con đường mới thay vì phải đi đò như trước đây. Còn tìm đâu hình ảnh các sư cô, hàng tháng, vào ngày rằm, mồng một qua chợ Tỉnh bán đồ chay? Các bạn kể  trong chiến tranh, ngôi chùa Sư nữ đã bị đổ nát, tan hoang, một ngôi chùa mới được xây lại trên đất cũ và tên chùa cũng thay đổi từ đó. Bến đò bên bờ sông này, nơi ngày nào tụi học trò thường đi qua, giờ tìm đâu thấy? Tôi nhớ đến mỗi lần qua chùa Sư Nữ, ở bến sông cạn trước chùa Tỉnh Hội, chúng tôi thường xắn quần lội xuống nước một quãng rồi mới leo lên.  Ông lái đò nhẹ nhàng chống sào đẩy chiếc đò ra xa ... Vô số rong xanh trôi dạt cả về một góc ở bến sông, đó là hình ảnh thật lâu lắm tôi mới thấy lại trên dòng sông Thạch Hãn.Vẫn còn thời gian để đi tham quan thánh đường La Vang. Đúng là con đường hồi sáng chị em tôi lên mộ. Bên phải là khu sinh thái Tích Tường mà tối này chúng tôi sẽ dự tiền hội ngộ Nguyễn Hoàng. Khi xe rẽ vào con đường, một nhà thờ cổ cao lớn, uy nghi, nổi bật từ xa, như hình ảnh tôi từng thấy trên các trang mạng. Tôi từng nghe có rất nhiều con chiên ngoan đạo từ các miền về hành hương ở thánh đường La Vang xứ mình.   Tối thứ năm ngày 23 tháng 6   Thật đông đúc người về dự trong buổi tối “tiền hội ngộ Nguyễn Hoàng ” tại Tích Tường! Thu Sương đã liên hệ với nhóm Sài Gòn nên đã có vé vào cổng. Tìm được hai, ba bàn ngồi gần nhau cho cả nhóm chúng tôi. Phải nói là một điều tôi rất mừng và cảm động là gặp được anh bạn hàng xóm Cửa Hậu: Huỳnh Văn Rô. Khi Liên nói tên, tôi nhìn qua bàn gần đó, với gương mặt ấy, thân quen lắm! Tôi nhận ra ngay. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, han hỏi vài điều. Tôi nói rằng anh Phúc có về và giới thiệu để hai anh gặp gỡ. Hồi nhỏ, ở xóm Hậu, mấy nhà trong xóm sống gần gũi, rất thân với nhau.    Buổi tối tiền hội ngộ thật có ý nghĩa, vì để đến sáng ngày mai hội trường, ắt không đủ lấy thời gian hàn huyên tâm sự.Chúng tôi về sớm hơn so với mọi người. Ra đến cổng, thật bật ngờ, khi thấy hai người đi xe máy đến trễ: hóa ra là anh Nguyễn Văn Trị, trông anh bao giờ cũng bận rộn.Về đến gần cầu Ga, nhóm chúng tôi đi tìm thú vui ăn tối vỉa hè. Hồi trưa  ăn gà, giờ cũng ăn cháo gà, kệ ăn cho no bụng rồi về ngủ. Mùi cháo gà thơm phưng phức, vị ớt cay cay ngon lành; ngồi ăn bên vệ đường, ngắm  người, xe cộ qua lại, có gió mát điện đường thay cho trăng thanh,  tôi thấy thích thú hơn là giờ này về khách sạn nằm ngủ.   Sáng chủ nhật, ngày 24 tháng 6   Chúng tôi dậy từ sớm, chuẩn bị để đến trường trung học Quảng Trị. Nhóm Đà Nẵng ở cùng khách sạn, cũng ra quán gần đây ăn sáng. Tôi nhận ra chị Bích Hường, con bác Kinh ở cùng xóm, gần nhà cậu tôi; có anh Bảo Lâm, cái tên nghe quen trên mạng; qua chuyện trò, tôi biết anh ấy là bạn của anh tôi. Xe chạy trên con đường Trần Hưng Đạo, chúng tôi nhao lên vì sắp về lại ngôi trường yêu dấu. Phượng Tiên muốn xem lại vị trí nhà mình, tiệm sách Tùng Sơn, nay đã thành của người khác. Anh Đào càng nóng lòng hơn, xin tài xế cho xe chạy chậm theo bờ hồ, vẫn tên con đường Lê Thái Tổ,  bạn ấy muốn tìm cho ra khu vực nhà mình ở từ thuở ấu thơ.  Người về ngày càng đông hơn, ai cũng muốn đứng trò chuyện, tìm gặp bạn ở ngay cổng trường. Mỗi bạn nhận, đeo cái phù hiệu màu xanh mang tên trường như mang một niềm tự hào mình là cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Những học sinh đã được học dưới mái trường này nay tóc đã bạc, đã thành ông, thành bà nhưng giờ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả thấy mình dường như trẻ lại. Bất ngờ tôi gặp Thu Hồng, người bạn hàng xóm, bạn học hồi ở trường nữ tiểu học. Cũng với dáng người ốm ốm cao cao, khuôn mặt ấy không lẫn vào đâu được. Hai đứa mừng rỡ ôm choàng lấy nhau, chuyện trò và nhắc đến dì tôi; Hồng nhắn dì tôi đến nhà cùng ra Đông Hà thăm người dì của Hồng. Trong sân trường, dưới những tán cây xanh, chúng tôi như tìm lại ngày xưa của chính mình; thật đông người tề tựu ngồi với nhau chuyện trò chờ đến buổi lễ. Với chúng tôi, như là bầy chim về tổ xem chừng trẻ nhất, cũng chừng năm mươi người ở các nơi hẹn ngày gặp mặt. Các bạn từ Sài Gòn về đây như Lăng, Sương, Nguyên, Thảo, Anh Đào, hai cặp vợ chồng Sáng, Trường Chinh, có Liên, từ Bình Phước, Ty, Lài về từ Bà Rịa, ở Bình Thuận chỉ có tôi; Phan Rang, Ninh Thuận có Phục, từ Đà Nẵng còn có Huệ, Kim Anh, xứ Huế mộng mơ có hai cô nàng Việt Anh, Phượng Tiên nhập đoàn. Ngay tại quê nhà Quảng Trị, Đông Hà các bạn rất đông, tôi thấy những cái tên và những khuôn mặt các bạn hình như quen lắm. Tôi cố lục lọi trong trí nhớ xem vị trí ngồi của mình và các bạn. Tôi thích nhất là bạn Cận, Bạch Hoa, gương mặt bao giờ cũng tươi cười, luôn đem đến cho bạn bè nhiều niềm vui rạng rỡ. Mai Thị Đầm, Lê, Mai Anh, bạn lớp trưởng hồi tiểu học là Dương Thị Hóa…thật nhiều bạn bè có mặt trong ngày hội ngộ. Tôi nhớ mường tượng bạn Lê Thị Hiền với nước da trắng trẻo, dáng người nhỏ bé, ngồi cùng bàn đầu trong lớp với tôi, Anh Đào. Các bạn nam thì tôi không biết rõ do hồi đó  nam nữ học riêng; bạn của các bạn tôi như Mai Thanh Cấp, Phước, Tuất, Bình, Ái,…ai cũng có công việc làm ổn định, người làm nhà nước, kẻ buôn bán, có người làm cả quản lý chợ… Tiếc rằng chuyến đi này về quê không có mặt Lý Thế Văn, Lê Thị Quảng, Ngọc Ánh, Phương Trinh, Hải, Hường, Hảo, Lai, Phú…giá như có đầy đủ bạn bè thì vui biết bao! Những bài ký sự của buổi lễ đã được anh chị ghi nhận, bày tỏ cảm xúc dạt dào bằng các bài viết, quay phim, chụp hình lưu niệm. Riêng tôi, tôi đã chạy quanh. Thật sự tôi không thể ngồi yên một chỗ vì thời gian cứ vô tình trôi đi, tôi chụp hình chung với các bạn rồi lại tiếp tục chạy như con thoi. Dại gì mà ngồi một chỗ, tôi đi tìm người quen, đi để mà chứng kiến cuộc gặp gỡ của biết bao bè bạn các khối lớp. Tôi vô tình chụp được lúc hai chị quá xúc động gục vào vai nhau khóc tấm tức. Tôi nhận ra anh Văn Thiên Tùng, anh Nguyễn Khắc Phước, anh Bùi Văn Thu, Hoàng Văn Chẩm, các  nhân vật thường xuất hiện trong các trang blog nay bước ra ngoài đời bằng xương bằng thịt hẳn hoi, giờ thì chúng tôi đã biết nhau rồi đó. Tôi còn gặp và chụp tấm hình chị Võ Thị Quỳnh trong tà áo dài trắng học sinh, chị đội chiếc nón bài thơ trông thật duyên dáng. Tôi lại đi tìm và gặp chị Mai, bà con của chồng tôi, chị bị tàn tật và được ban liên lạc mời đến nhận quà. Tôi nhắc lại cho chị nhớ câu chuyện chồng tôi kể chuyến về thăm quê cách đây đã 16 năm, lúc đó chồng tôi nhận ra chị nhưng giả vờ là người khách hỏi mua hàng. Hàng quán của chị chỉ là một gian nhỏ bên đường làng quê, tạm đủ nuôi chị và đứa cháu.  Các chị chồng tôi cũng đi tìm gặp và giúp đỡ chị. Thật thương tâm cho hoàn cảnh của chị, chị không dám ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt người đối diện, vì một mắt của chị bị khiếm khuyết từ lâu. Các phần lễ diễn ra khá dài để cho những học sinh nghèo và người khuyết tật như thế phải chờ lâu. Tôi và anh Phúc, chị Túy Huệ  gặp lại cô gái hàng xóm dễ thương là chị Hà Thị Bích Hường. Tôi đi một vòng quanh sân trường, vào phòng lưu niệm để xem hình ảnh, các di vật kỉ niệm, bản đồ đường phố Quảng Trị, tôi vẽ và viết bổ sung thêm một số địa điểm, nhà các bạn mà tôi biết. Tôi còn vội vàng viết những dòng lưu niệm. Không hiểu sao lúc đó lòng tôi dạt dào xúc cảm, tôi viết ra không cần suy nghĩ lâu, chữ viết đúng là tốc ký nên chẳng đẹp, chẳng  ý tứ gì cả. Tôi muốn góp thêm một bông hoa thắm vào trang kỉ niệm Nguyễn Hoàng. Tập kỷ yếu anh võ Đình Đoan, nhờ anh Hảo thay mặt nhóm 6471 ký tặng tôi, suýt nữa tôi bỏ quên ở phòng lưu niệm. Tôi ra ngoài cửa phòng ngồi với Anh Đào. Chuyến này Đào đi tuy có mệt nhưng vui lắm, Đào muốn ngồi nghỉ một tí cho khỏe. Ai đi vào cửa phòng lưu niệm cũng nhìn hai đứa tôi, tôi thích quá, nói với Anh Đào chắc họ tưởng mình là ban tổ chức, Đào cười hiền lành.Buổi cơm trưa được mời, nhưng vẫn có những phần thiếu sót do thiếu chỗ ngồi. Tôi chịu khó đem hai cái ghế vào nhưng các bạn tôi đi vào đâu hết rồi, tôi đành đứng ngoài. Thấy thầy cô đi vào, đang còn lúng túng chưa có chỗ, tôi nhường ghế cho thầy Thăng và thầy Bảo ngồi đỡ mỏi chân, trong lúc chờ ban tổ chức sắp xếp. Bạn Lăng, Chinh ra gọi tôi vào. Ôi chao, trong hội trường người đông nghẹt, tôi ăn đứng cũng thấy vui vui. Buổi trưa xong, tôi ra chào anh Phúc để về cùng bạn bè. Hai anh chị sáng mai sẽ lên xe vào Bình Thuận trước, chuẩn bị cho chị Túy Huệ qua Mỹ. Chị Quảng Trung cũng đi tìm chị Thanh Thu để hôm sau vào Huế, hai chị em gọi điện cho nhau nhưng do người đông, ồn quá không nghe được. Hội ngộ Nguyễn Hoàng Quảng Trị lần thứ 3 thật vui và có ý nghĩa! Tôi cũng như mọi người sẽ giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ này. Không biết lần sau tại quê nhà còn có được những ai về đây gặp gỡ?    Chiều chủ nhật 24 tháng 6   Cuộc vui vẫn chưa tàn. Mặc dù biết sáng hôm sau sẽ có nhiều người vội vàng về với gia đình, về với công việc nhưng chúng tôi lại rủ nhau đi đến quán café Tiếng Dương Cầm tại một góc phố Đông Hà để hát cho nhau nghe. Buổi chiều được ăn no, tối đến lại vui ca hát. Các bạn ở Đông Hà, Quảng Trị thật chịu chơi, thật sành điệu.Một buổi tối tại khách sạn Violet. Phòng ba đứa tôi ngửi toàn mùi ẩm mốc và trời về khuya nghe rõ tiếng gió rít qua khe cửa từng đợt…    Sáng thứ hai ngày 25 tháng 6   Thu Sương rủ tôi, anh Đào cùng về làng quê Vĩnh Lại thăm mộ ông bà; trong lúc các bạn khác đi về làng Bích La của Xuân Nguyên, về làng bạn Ty. Tôi ra bờ sông Hiếu ở trước mặt khách sạn ngắm bình minh, mặt trời đang lên, ánh sáng lan tỏa trên mặt sông thật đẹp. Chúng tôi đi bộ một quãng qua khỏi cầu để cảm nhận được không khí trong lành buổi ban mai. Xe đón ba chúng tôi về làng. Làng nội Thu Sương yên bình như bao làng quê khác, có cổng làng, có những ruộng lúa xanh rì gợn sóng, lũy tre xanh trên bờ đê, ngôi chùa khang trang, những ngôi mộ cổ xưa... Cửa Việt gần làngVĩnh Lại, nơi ngày xưa bạn bè tôi rủ nhau đi xe đạp về đây vớt rong biển để chấm điểm môn vạn vật.  Chúng tôi không đi biển vào sáng nay mà để dành vào buổi chiều đi có mặt đông đủ bạn bè. Ba đứa đến bờ sông Thạch Hãn, chụp hình trên bến thả hoa đăng. Tôi nghe bài đọc của phát thanh viên về chiến công lẫy lừng trên đất Quảng Trị của những người con đất Bắc khiến tôi một lần nữa thấy rưng rức trong lòng. Tôi dẹp bỏ ý nghĩ vào trong tham quan thành cổ cỏ non xanh, xem tháp chuông chiêu hồn...Như đã hẹn, chúng tôi gặp lại các bạn ở chùa Tỉnh Hội. Ngôi chùa nhỏ bé ngày nào tôi và Sương cứ mỗi chiều chủ nhật về đây sinh hoạt học sinh phật tử. Biết bao kỉ niệm ùa về trong tôi…    Trưa thứ hai, 25 tháng 6    Chúng tôi được vợ chồng bạn Ái, chủ nhà hàng Tích Tường mời đến ăn bữa cơm trưa. Các bạn lên sân khấu còn lại của buổi hôm tối qua để chụp hình lưu niệm. Đây là khu sinh thái, nơi người ta tìm về gần gũi với thiên nhiên, nơi có nhiều cây xanh bao quanh mặt hồ rộng, lặng sóng;  không khí trong lành, không nghe tiếng ồn ào xe cộ. Gió thổi lồng lộng, mát rượi, xua tan cái nóng hầm hập của từng cơn gió nam bắt đầu thổi về. Bữa cơm trưa đầy đủ các món ăn Quảng Trị như cá rô chiên, mít luộc, dưa môn kho, canh cá măng chua…mấy món nước chấm cũng được trưng bày đẹp mắt. Thật cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của vợ chồng bạn Ái. Tôi là bạn của bạn Ái nên ngồi nghe bạn bè họ chuyện trò, chỉ thỉnh thoảng góp vài câu cho có lệ.      Chiều thứ hai ngày 25 tháng 6    Chúng tôi ra biển Cửa Việt, đi theo con đường từ Đông Hà thấy nhanh hơn là đi về từ Quảng Trị. Bãi biển nào cũng có nét chung giống nhau, tuy nhiên bãi ở đây có phần trải dài hơn so với bờ biển Cam Bình, La Gi, nơi tôi ở. Bạn bè nữ chúng tôi tha hồ nô đùa như thuở bé dù tuổi đời đã là U50. Chúng tôi rủ nhau xuống bãi biển chụp hình, các bạn đùa với sóng nước, luôn tạo dáng trước ống kính. Đào đã làm cho mọi người thật bất ngờ. Anh Đào cười đùa vui vẻ làm cho chúng tôi vui lây, vì ai cũng lo lắng cho sức khỏe của Đào trong chuyến đi xa dài ngày. Mấy món ăn hải sản của được bày ra, chúng tôi ăn uống, chuyện trò, ca hát vô tư…Một buổi tối lại trôi qua trong căn phòng đầy tiếng gió rít ở đầu hồi…     Sáng thứ ba, ngày 26 tháng 6    Chúng tôi giã từ Đông Hà để vào Huế. Món bún bò Huế được ăn ở đây thật đậm đà, ai cũng cảm thấy đói bụng vì từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng cả. O bán đậu hũ trên vỉa hè cũng được đạo diễn tạo tư thế ngồi để chụp hình, bạn Liên nhanh chân xin một tấm hình được chụp bên cạnh gánh đậu. Ai cũng nôn nao khi đến tiệm bánh kẹo Thiên Hương mua thật nhiều mè xửng, kẹo cau, trà, hạt sen về làm quà cho người thân.Rời Huế, xe chạy về Nam, các bạn sẽ thả tôi ngay cầu Truồi, để tôi về thăm quê nội, xe tiếp tục đưa bạn bè vào Đà Nẵng, thêm nữa một đêm vui chơi, sáng hôm sau lên máy bay trở về Sài Gòn, giã từ miền kỷ niệm. Còn tôi, là đứa cháu lạc loài về thăm quê nội…