Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

TIẾNG CÒI TÀU NĂM XƯA






TIẾNG CÒI TÀU NĂM XƯA
Tiếng còi tàu năm xưa trên đường về quê nội đã in sâu vào tiềm thức của cô bé, đó chính là tôi cách đây đã hơn bốn mươi năm trời, một quãng thời gian quá dài, gần cả một nửa đời người. Giờ đây, hình ảnh đó, âm thanh đó như hiện ra, như những thước phim dĩ vãng đang dần quay trở lại. 
Những ngày giáp Tết đâu đầu năm 1971, tôi được mẹ dẫn về làng Truồi thăm nội. Trong không khí rộn ràng của ngày xuân, bất chợt, tiếng còi tàu vang lên từ rất xa, đâu đó trên chiếc cầu sắt kia, từng hồi còi tàu vọng lại như thôi thúc…Rồi âm thanh càng lúc càng gần gụi, nghe rõ mồn một. Tôi ngước nhìn lên, cả một đoàn tàu dài đang lướt nhanh ở bên kia, tiếng sầm sập của những chiếc bánh tàu lăn trên con đường ray. Khi những toa tàu đã khuất xa rồi mà tôi vẫn nghe từng hồi còi còn vọng mãi. Lần đầu tôi nhìn thấy tàu hỏa nên tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo mãi. Chuyến tàu mới đẹp làm sao, đã mang vào trong trái tim non dại của tôi một hình ảnh về miền quê nội yêu dấu. Nơi đây có chuyến tàu qua, có mái đình, có khu chợ nghèo, có chiếc cầu đen trùi trũi kia, còn có chiếc lô cốt cao được xây lâu đời từ thời Pháp thuộc. 
Tôi đã đi trên con đường làng quê yên bình. Là dịp vào những ngày Tết, nghỉ ngơi nên trên bãi đất rộng bà con trong làng tổ chức chơi bài chòi bằng người, những lá cờ nhiều màu sắc tung bay trong nắng ấm sáng mai. Chúng tôi về thăm ông bà nội, gia đình chú, những người bà con thân thuộc của tôi. Sáng sớm hôm sau, tôi được dẫn đi thăm mộ của Tổ Tiên nằm bên kia quốc lộ. Đây là con đường chạy dài từ Nam ra Trung. Làng nội của tôi cách Huế khoảng chừng gần ba mươi cây số. Nghĩa trang nằm gần dưới chân núi. Tôi nhìn lên ngọn núi mà cứ tưởng chừng như không xa xôi. “Núi Truồi ai đắp mà cao”... Ngày xa xưa ấy, tôi chưa có khái niệm về khoảng không gian xa từ ở bên này nhìn sang cao tít bên kia là núi Truồi. Những ước mơ của tôi chiêm ngưỡng ngọn núi, về một chuyến tàu đi chơi xa, về con đò trên dòng sông xanh ngăn ngắt, trong veo như thôi thúc tôi, nó cứ chảy mãi trong huyết quản của tôi vậy. Những khu vườn, những nương sắn xanh um, những mảng rừng núi xa tít tắp ở chân trời, nơi đâu đó là đầu nguồn dòng sông Truồi quê nội tôi. Tôi chỉ là đứa cháu ở xa, ít về thăm nội. Khi đã lớn khôn, có dịp tìm đường về thăm quê thì ông bà nội không còn nữa, nhưng sự hàn gắn tình cảm thân thương, ruột thịt của những người bà con, thân thuộc vẫn không ngừng trong tâm hồn tôi. 

Đầu năm 2012, tôi có dịp ra Bắc, chuyến tàu qua Huế vào buổi hôm khuya khoắt một giờ sáng; trên sân ga vắng ngắt như tờ. Khi về, tàu chạy ngang làng Truồi, tôi cố nhoài ra để xem cảnh vật của vùng quê mà đã 40 năm chưa lần trở lại, nhưng tôi không thể thấy gì nhiều hơn là những bụi cây ven đường dưới màn sương và mưa lất phất buổi sáng. Tôi mang trong mình một nỗi day dứt, hứa trong lòng sẽ có dịp sẽ về quê vào một ngày gần nhất.
            Mùa hè năm 2012, sau 40 năm xa quê hương, tôi tìm về quê. Tôi lại vượt qua quốc lộ, qua con đường đất đỏ, dẫn bước chân tôi ra gần hồ Truồi, nơi đó có mộ phần của Tổ Tiên, ông bà của chúng tôi, dòng họ của tôi. Tôi đã ở trên chuyến tàu về quê hương với những cảm xúc có lúc như gần gũi, có lúc như xa vời, ôi những nỗi nhớ quê quá chừng khó nói hết. Tôi chỉ biết rằng đôi mắt mình đã cay xè tự hồi nào. Tôi ra bến sông tìm lại bóng dáng con đò năm nao, tìm lại vườn cây xanh mát đã từng ẩn sâu trong kí ức…Tôi nhìn về hướng cầu sắt, bên kia là bến Lộc Điền mà nghe kể ngày xưa mệ nội tôi đã từng qua sông tảo tần nuôi con. Hôm nay, trên dòng sông này ít có sự thay đổi, vẫn còn mộc mạc, chân chất, vẫn còn là miền sông nước mang màu xanh ngát trong. Quê nội, làng Truồi dang tay đón tôi, những người thân yêu của tôi đây sẵn sàng chờ đón ngày về của tôi. Quê nội ơi, tôi đã về đây rồi.           





Tối thứ tư 18-6-14 (Đinh Thị Hiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.