Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

NHỮNG TRẢNG RỪNG







    NHỮNG TRẢNG RỪNG
Tôi đã gần như quên đi hình ảnh những trảng rừng Bắc Ruộng, nơi đó ngày nào tôi cùng đoàn người lên khai hoang. 
Vào những ngày giữa mùa khô năm 1978, trời vẫn chưa chuyển cơn mưa nào.
       Vượt qua con đường đất đỏ lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà, có khi phải xuống phụ nhau đẩy xe qua nhiều chỗ bị sụp lầy, rồi cuối cùng, chiếc xe cà tàng cũng đã chạy lên đến nơi, thả mọi người xuống ngoài bìa rừng. Tôi nghe họ gọi tên cả một trảng rừng trước mặt tôi là rừng Bắc Ruộng. Tôi vừa rời ghế nhà trường, đi theo đoàn người ở địa phương để làm nghĩa vụ lao động. Tôi chưa hình dung mình sẽ làm những gì khi vào rừng. Rời xe, đoàn người đi vào sâu bên trong tìm chỗ để đặt làm lán trại. Trời vẫn còn nắng, từng tia nắng len lỏi qua bao tán lá rậm rạp. Chúng tôi, cả đoàn người đi bộ qua những đám cây đã bị chặt còn nham nhở. Ai cũng tay xách nách mang những thứ áo quần, vật dụng để ở lại trong nhiều ngày. Bước chân chúng tôi vẫn dè chừng những gốc cây nhọn chỉa lên trời và rắn rít trên cả lối đi. Men theo con suối vừa cạn khô, đám người leo lên con dốc cao hơn. Đây là khoảng đất trống khá bằng phẳng sẽ là nơi chúng tôi ở lại trong nhiều ngày. Các chú, các bác và thanh niên đi tìm cây nhỏ để chặt, họ tỉa hết cành lá; các cô, các chị chờ sẵn đó kéo về để làm cho kịp trước khi màn đêm buông xuống. Họ lựa ra nhiều thân cây tương đối đều để làm cột thít vào nhau làm vạt nằm. Mấy anh thanh niên nhanh nhẹn phụ việc, họ dùng lạt mây đã chẻ sẵn để cột. Mây này cũng do mấy người kéo từ trong rừng ra, dùng chiếc rựa bén chẻ dọc theo thân cây mây dài, thứ dây thiên nhiên này đem cột thì chắc lắm. Người chẻ lạt mây, người tỉa cho cây nhẵn hơn, họ nhanh tay đua với thời gian, các chú đang còn chờ lấy nối vào chiếc vạt đang còn bỏ dở. Tối này là buổi tối đầu tiên xa nhà, sẽ phải nằm giữa rừng đây. Mái lợp bằng lá kè, lá buông cũng đã được lợp lên rồi, có thể che nắng và cơn mưa bất chợt đổ ập đến.
      Tôi cùng các chị lấy thùng đi xuống khe lấy nước, ở cái hố người ta đào sẵn trước đó. Nước trong hố không trong, không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ để múc lên đem về để dành dùng dần. Có nước vậy là may rồi, để nấu ăn, nấu uống trước đã, chuyện tắm giặt sẽ tính sau. Củi rừng thì không thiếu, các chị đi quanh đó lượm về từng bó để chụm. Tôi đi theo phụ kéo thêm về những cây to tối nay đốt đuổi muỗi, thú rừng. Hai bếp lửa được nhóm lên rồi. Ánh lửa hồng vui mắt, làm ấm áp lòng người giữa chốn rừng xanh. Có lửa là có sự sống! Nước uống nấu vào một cái xoong lớn, người ta bỏ loại lá rừng gì uống cũng dễ chịu, chắc để làm quen với thổ nhưỡng của rừng già đây. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, họ bày cho tôi nhai hạt nén và uống nước nóng để tránh không bị sốt rét. Bếp lửa còn lại mấy chị nấu nồi cơm thật to cho cả đoàn ăn. Thức ăn mọi người đem theo đa số là muối đậu, ruốc sả sẽ để ăn trong nhiều ngày tới. Ở bên kia bờ suối, đoàn người của xã khác họ cũng đang hì hục nấu cơm chiều. Từng làn khói lam bay lên, vướng vít trên mấy ngọn cây.Tiếng cười đùa, chuyện trò nghe vang vọng. Âm vang của rừng như gần như xa, có khi nghe gần gụi lắm, nào tiếng chim, tiếng lá xào xạc khi gió mạnh làm lay động, nay thêm âm thanh ồn ã của con người.
Màn đêm đã buông xuống từ lâu, đâu đó có vài đống lửa cao thỉnh thoảng lại cháy bùng lên. Tất cả chuẩn bị cho một ngày mai bắt tay vào việc phát quang rừng. Nằm thao thức không ngủ vì tôi đang còn nghĩ về tương lai đang còn chờ ở phía trước. Những tiếng chim kêu đêm, tiếng côn trùng ri rỉ đâu đó…thật buồn làm sao!
Một ngày mới bắt đầu, nắng đã chiếu sáng ngập cả khu rừng…
       Rừng già đang dần dần bị đốn hạ bởi bàn tay con người. Người ta dàn thành hàng ngang càng ngày càng tiến sâu vào. Cây nhỏ thì dùng rựa phát, họ chặt bớt những dây leo chằng chịt, sau đó mới đốn cho cây ngã xuống. Đàn bà, con gái sức yếu chỉ việc chặt cây bé, đi theo đàn ông, thanh niên để kéo mấy cây nhỏ ra cho gọn chỗ. Những cây to có thân bằng cả một, hai người ôm thì đã có mấy người thợ cưa vào hạ. Từng chiếc xe ben chạy vào chạy ra, chở đi đâu những thân gỗ to, gỗ quý. Mấy tay thợ đã thạo với nghề rừng, họ cưa sao cho cây ngã đúng hướng; khi thấy cây sắp đổ họ la to lên cho người gần đó biết đường tránh. Cây nghiêng dần và đổ xuống mặt đất. Ầm, ầm… tiếng đổ của cây cũng làm cho mặt đất rung lên. Có hôm, người ta xôn xao vì cây ngã đè người, hôm khác lại có tin cây lớn đổ sang bên kia bờ suối đè lên lán trại của dân. Tinh thần của mọi người hoang mang, ...Sau khi từng cây rừng, cây to, cây nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc gì., màu xanh của rừng dần biến mất, chỉ còn lại đó là những thân cây nằm ngỗn ngang. Một đốm lửa thôi là lá khô bén cháy, cháy lan, cháy mạnh, rồi cháy âm ỉ từ ngày này sang ngày khác cho đến khi cả một trảng rừng già trước kia chỉ còn là những khu đất hoang tàn với từng vệt cháy sém, cháy đen loang lổ. 
       Việc ăn ở trong rừng rất kham khổ, có nhớ nhà thì việc ra đường tìm xe về nhà cũng vô cùng khó khăn. Trước tình hình “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ở đâu thì yên đó. Gạo ở Đức Linh làm ra không được đem đi bán nơi khác. Cá mực ở vùng biển Hàm Tân cũng không được đem ra khỏi địa phương. Người dân ta thán vì thiếu thốn sinh ra chuyện đi buôn, gọi là “Buôn lậu” , buôn cái của chính tay dân mình làm ra. Từ trong lán trại, chúng tôi nghe tin đâu trên đó đoạn đường gần Bắc Ruộng, chuyện bắt bớ người đi buôn là chuyện thường xuyên xảy ra.
Thời gian cũng trôi qua, chậm chạp, nặng nề…
Khi từng đoàn người này ra về, đoàn người khác lại lên làm nghĩa vụ lao động, ngày qua ngày công việc cứ tiếp nối đều đặn như thế, thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng cây đổ ầm ầm…Người muốn sống bây giờ thì cây phải đốn ngã, hàng loạt rừng bị khai tử, để dành nơi ở cho con người, từng đợt di dân lên vùng đất Bắc Ruộng đã được khai hoang mở lối.
Cho đến đầu năm sau, năm 1979, tôi cùng anh về thăm Sùng Nhơn. Đi từ Phú Long, Phan Thiết về Bắc Ruộng phải chờ chực mua vé, trải qua bao lo lắng. Xe chỉ chở chúng tôi đến ngang bến xe Bắc Ruộng. Đó là bến đổ cuối cùng, không có chuyến xe nào lên Sùng Nhơn cả. Tiếp tục còn trước mắt, là chặng đường dài thử thách đôi bàn chân.
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.” là thế đó. 
Trước mắt chúng tôi: 
“Bến xe là bãi đất trống, vắng ngắt như tờ, quanh đâu đó chỉ một vài ngôi nhà tôn mái lá kè lụp sụp. Chúng tôi mang xắc lên vai, chẳng có gì ngoài vài món quà đơn sơ đem về thăm gia đình; chuẩn bị tinh thần lội bộ, nghe chừng gần 30 cây số tính từ đây về đến Sùng Nhơn. Vừa đi tôi vừa quan sát hai bên đường. Xung quanh vẫn còn lắm trảng rừng, nhà cửa thưa thớt, đường lộ thật vắng vẻ, ít xe cộ và người qua lại…. Trời chiều đã xế bóng, mồ hôi nhễ nhại, bước chân chúng tôi vẫn bền bỉ trên con đường dài băng qua xã Nghị Đức, Mé-Pu…Vừa đi vừa trò chuyện nên cũng quên đi sự mệt mỏi, lâu lắm mới dừng lại, ngồi xuống ven đường xoa bóp cho đôi bàn chân bớt tê cứng. Đi mãi cho đến khi trời vừa sập tối chúng tôi mới về đến nhà.”
Đã qua bao năm tháng kể từ năm 1978…
Bắc Ruộng bây giờ đã trở thành khu dân cư, đa số là người dân Quảng Trị…Đất lành, chim đậu - Đó như miền đất Hứa dành cho những người dân tha phương, tìm miền quê hương mới. 
Rừng đã chết để cho con người được sống trong giai đoạn đó, giữa những năm tháng chiến tranh qua đi nhưng còn lại vô cùng khó khăn. Đất rừng co lại để khu dân cư ngày càng rộng, người đến sinh sống ngày càng đông. Chất mùn than của biết bao loài cây rừng ngã xuống lại tiếp tục nuôi dưỡng cho các cây do chính bàn tay con người trồng thêm tươi tốt, cho đời bao quả ngọt trái sai, cho thêm những vụ bắp trái ngọt ngào. Làng mạc, quê mới của vùng đất Bắc Ruộng chắc chắn sẽ thay đổi khi khởi đầu là con đường mới thênh thang tráng nhựa từ quốc lộ 1A chạy vào Tánh Linh, sẽ tiếp tục vào đến Bắc Ruộng. Hai bên sẽ là những khu đất mới trồng cây cao su, rừng bạch đàn tràn ngập một màu xanh, rừng nối tiếp rừng đang dần thay thế cho những trảng rừng ngày xưa. Có phải chăng rừng đang hồi sinh!
Tối thứ năm, ngày 27-8-14
 
       





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.