Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Viết về những người xa quê


                                 
                                                         Dòng sông Thạch Hãn


Đây là lời nhắn gởi của một người anh:“…Nhớ viết về trường tiểu học , phố xá và phường đệ Tứ nữa đi, còn có bãi cát đầy hoa cải vàng bên bờ sông Thạch Hãn nữa. VTT”
Tôi cứ nghĩ về điều này và có lần trên đường từ Phan Thiết về, ghé nhà hỏi anh Nguyễn Lam, phải chăng anh VTT là người ở xóm Đệ Tứ mình mà hồi nhỏ tôi không biết?- Không phải, VTT ở bên kia bãi Nhan Biều. Em có nhớ xóm Đệ Tứ, con đường Lê văn Duyệt không? Nhà anh bên cạnh khuôn hội đó. -Nhớ chứ, hồi đó em là oanh vũ, hay theo mệ đi chùa, có đi chùa Tỉnh Hội nữa. -Ngoài đường vào xóm, bên trái là nhà ông Xạ Lịch, có cái giếng khơi, vào nhà anh Cư, cậu em, tiếp đó là nhà bác Kinh, mẹ Hường…rồi đến khu chiêu hồi, nhà chú Vân chạy xe… Em nói thêm, còn có nhà đứa bé bị bệnh, đầu to, mắt mở thao láo, suốt đời chỉ  nằm trên giường thôi; đầu đường bên này là nhà em, rồi đến nhà chú Chốn chạy xe, nhà chú Hưu, nhà anh Quang ông Thệ, nhà chú Ba…vào nữa là bãi tha ma. Em còn nhớ hai đứa em chị Hường còn có tên gọi ở nhà là Chó con, Chó nậy nữa đó. Vợ chú Hưu chết rồi, tội nghiệp, vợ chú bị bệnh mất trí, hình như chết trong Trận Cầu Dài, trên Đại lộ kinh hoàng thì phải; gia đình chú Hưu ra tận Phú Quốc, chú lấy vợ lại, giờ chú cũng chết rồi; đàn con chú sau đó đã vượt biên qua Ca Na Đa hết.
Về những gì ngày xưa trên quê hương? Hoài niệm để mà tưởng nhớ, để mà quay quắt! Điều đó làm tôi cứ nhớ da diết về khu xóm nhỏ, nơi ngày xưa, thuở ấu thơ, gia đình  tôi đã ở một thời gian khá lâu.
Đúng thế. Ký ức về quê hương với những hình ảnh khá mờ nhạt, tôi phải nhặt nhạnh để mà nhớ. Xa quê khi tôi là một đứa bé chỉ mới 12 tuổi, lứa tuổi chưa đủ lớn để có những kỉ niệm sâu sắc. Với lứa tuổi này, trong khi trong đám bạn có đứa đã bắt đầu biết mơ mộng thì tôi còn quá vô tư, không hề có một chút xao xuyến tình cảm. Với tôi, những năm tháng ở xóm Đệ Tứ đã đi sâu vào hồi ức khó phai mờ. Tình cảm gia đình ngoại đã ủ ấm cho mấy anh chị em tôi. Thương sao Quảng Trị khi trời đổ xuống biết bao cơn bão, mấy trận lụt cứ kéo dài ! “Ông tha mà bà chẳng tha. Trời làm cơn lụt hăm ba tháng mười”. Trong tiết trời se lạnh của mùa đông hoặc mấy hôm trời đổ mưa, trời mưa cứ kéo dài, từng cơn bão đổ về mà có món cải kho cay cay mà ăn đủ thấy ấm lòng. Trong khi mấy cậu, dì tôi chịu khó ra đường kéo những nhánh cây bị gãy, đem về làm củi đốt, thì lũ nhỏ chúng tôi ngồi quây quần bên nhau chơi đồ hàng. Tôi cũng từng nghe có người kéo được cả thân cây quế theo cơn lũ trôi từ nguồn về. Quế là giống cây quý của rừng, vị cay cay, ngọt ngọt, tôi đã từng nhấm nháp và nhớ mãi hương vị của nó. Những ký ức còn ghi đậm trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi về quê ngoại là những buổi đi chùa với mệ ngoại ở khuôn hội đệ Tứ trên đường Lê Văn Duyệt, đây là con đường đối diện với cổng hậu cổ thành Đinh Công Tráng. Là oanh vũ, cô bé với áo đầm phật tử, nhí nhảnh ngây thơ, cùng các anh chị với tấm lòng mộ đạo. Sau này, khi tôi giã từ xóm nhỏ lên ở chợ tỉnh, vào học trường Trung học Nguyễn Hoàng, tôi lại tiếp tục tham gia đoàn học sinh phật tử do thầy Phan Văn Cẩn phụ trách. Những chuyến đi cứu trợ đồng bào mình trong cơn hoạn nạn thiên tai do lụt lội gây ra đã gieo vào tâm hồn tôi lòng nhân ái, tôi không biết gì đến sự hiểm nguy có thể xảy ra trên đường đi…
 
                                   Đường vào làng Nại Cữu
Viết về những người xa quê.
 Đầu tiên, tôi xin kể về mợ Chở. Mợ Chở, người vợ cả của cậu tôi, nghe nói quê mợ ở Phò Trạch, Mỹ Chánh, chỉ thế thôi, tôi không biết gì nhiều hơn về người thân của mợ. Hầu như thân phận của những người phụ nữ khi về làm dâu nhà mệ ngoại tôi đều như thế, cuộc chiến đã đẩy đưa, làm những người dâu của mệ ngoại tôi, từ đó xa quê mãi, không hẹn ngày trở về….
Mợ Chở tôi là người dâu cả trong nhà. Mợ lo toan mọi chuyện trong nhà mệ ngoại. Sau này, mệ ngoại tôi qua chùa Sắc Tứ để làm công quả, công việc nhà hầu như giao phó cho mợ. Tết Mậu Thân, khi vượt rào chạy lánh nạn, mợ Ga, người vợ thứ của cậu tôi đã bị nhiễm vi trùng uốn ván, vết thương ngặt nghèo đã cướp mất người mẹ của sáu đứa con nhỏ dại; không cần theo lời trăn trối của mợ Ga, mà mợ Chở cũng tự nguyện coi đàn con mất mẹ này cũng giống như con mình, không để cho chúng chia đàn xẻ nghé. Vậy là hai đàn nhập một, mợ tôi có đàn con đông đúc đến cả mười đứa. Mợ tôi đã bỏ lại đằng sau một quê hương mà lắng sâu trong tâm hồn là những nỗi đau thầm không hề thổ lộ cho ai hay biết. Thuở đó, người phụ nữ một khi đã đi lấy chồng, xuất giá tòng phu, theo quan niệm đó, mợ  theo về nhà mệ ngoại tôi, cuộc đời đã đẩy đưa mợ tôi ngày càng xa quê, xa mãi người thân. Cậu tôi sau ngày qua Mỹ, bị  nhuốm bệnh, cậu trở về Xuân Sơn, nơi có mợ tôi, cả đàn con lo lắng cho cậu trong những ngày cuối đời. Tôi không biết có khi nào mợ tôi chạnh lòng khi nghĩ về số phận của mình? Đã mấy lần lên thăm mợ, nghe nói mợ đã bỏ ăn, người ốm o gầy gò, vậy mà mợ cũng vượt qua. Qua được cơn bạo bệnh, mợ vẫn tiếp tục ăn uống kham khổ như thói quen thường ngày. Mợ hình như vui hơn khi thấy bà con lên thăm, nhất là hôm đám cưới đứa cháu gái. Mợ thương đứa cháu mồ côi, con của người con trai út của mợ đã chết trong một tai nạn giao thông vào ngày mồng hai Tết năm 2004. Không biết bao nhiêu nỗi đau mợ đã nén lại trong lòng. Mợ đã nói đùa với tôi rằng bao giờ mợ chết thì hãy lên đưa mợ về với cậu. Đã hơn một lần tôi lên Xuân Sơn, con đường này, tôi lên thăm gia đình cậu mợ lúc cậu ở Mỹ về và cả khi cậu ra đi mãi mãi.
Tôi có mấy người cậu đều hát nhạc tiền chiến rất hay, rất truyền cảm. Phải nghiệm ra một điều là những người sinh thời kháng chiến chống Pháp, có đi Việt Minh hay không, đa số họ đã trải qua những ngày ở chiến khu, tuổi thanh niên, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình,…đã quá thấm sâu vào tâm hồn, họ đã cảm nhận cái chất sâu lắng của bài bài hát nên họ hát rất hay. Các cậu tôi hát hay lắm! Nhất là những ca khúc tiền chiến. 
                               


Chùa Sắc Tứ ngày về 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.