Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Đập Đá Dựng xưa và nay



Hè năm 1978.
Tôi giã từ mơ ước bước vào giảng đường đại học. Khi bạn bè tôi mỗi người một ngã: người vào đại học, người gia nhập đoàn thanh niên xung phong, kẻ ở nhà làm nông, …trong đó có tôi.
Đập Đá Dựng là nơi mà từng đoàn người tập trung về để làm nghĩa vụ lao động đối với địa phương. Đây là một cảnh quan mà tôi chưa khám phá ra hết vẻ đẹp của nó. Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một cô gái tròn 19 tuổi, cái tuổi đang độ lớn, sức vóc để có thể khiêng từng cái ki đất cùng bạn bè, làm nốt công việc của những người đi trước còn dang dở: nạo vét hồ thủy lợi. Khu vực này ngày trước gần làng Phước An, khúc cuối của dòng sông Dinh chảy tràn qua đập Đá Dựng, rồi ra cầu sắt, dòng sông tiếp tục uốn mình một đỗi rồi chảy về cầu Tân Lý, cuối cùng cũng chịu hòa mình vào biển cả mênh mông. Dưới trời nắng chang chang như đổ lửa, mọi người làm việc, ai cũng muốn cho xong phần khoán công để chiều về với gia đình. 






Trưa vắng lặng. Không gian như cô đọng lại vì hanh nắng, bầu trời mây tản đi đâu hết. Từng nhóm người ngồi tụ tập dưới bóng cây tránh nắng và ăn cơm. Chỉ là gô cơm độn khoai nhưng ai cũng thấy no lòng, vì những năm này là năm chiến tranh biên giới phía tây nam. …Một vài đứa chúng tôi đi men theo đập đá. Nước khô cạn để lộ ra mặt đập đen sì, khô ráo, có thể men đi từ bên này qua bờ bên kia. Tuy nhiên tôi chỉ đi duy nhất có một lần, không dám thử thách lần thứ hai vì sợ đám rong rêu như níu kéo dưới bàn chân mình. Những ghềnh đá, đá chồng đá, có những hình thù độc đáo, chúng nằm trơ ra giữa dòng nước chảy. Mùa này là mùa khô, nước cạn, trong veo, có thể nhìn thấy tận đáy, nhưng không biết nơi nào đó trên lòng sông này có độ sâu nhất. Dưới những tán cây râm mát che chở cho đám người  già có, trẻ có..một giấc ngủ mệt mỏi, chỉ còn lại tiếng rì rầm chuyện trò xen lẫn tiếng chim chích. Một rừng hoa anh đào đã nở rộ qua ngày xuân. Hoa ở đây có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp hoang sơ nổi bật giữa muôn ngàn cây lá khác.  
Vùng đất La Gi cũng như những vùng ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu, hình ảnh những cây hoa đào ven đường vươn cành, đậu từng chùm hoa phơn phớt hồng giờ đây hầu như không còn nhiều. Từ ngã tư Tân Thiện chạy vào, thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy những bụi hoa đào dại mọc ven đường. Nghe đâu đó, họ sẽ cho khôi phục vườn hoa anh đào hai bên bờ đập Đá Dựng như ngày trước để tạo lại vẻ đẹp thiên nhiên gần sát ngay thị xã ngày nay. Hi vọng ý tưởng đó sẽ thành hiện thực, tương lai Đập Đá Dựng sẽ rợp bóng hoa  đào đẹp nếu có sự chăm chút của con người.
Tôi xin trích đoạn nói về lịch sử khai phá Đập Đá Dựng của anh Phan Chính:
“Sau hai năm thành lập tỉnh Bình Tuy (1957), chính quyền thời bấy giờ chọn Đá Dựng làm đập ngăn nước sông Dinh. Thời đó lá buông, cây rừng rậm rịt ở hai bên bờ sông, còn có cả cọp beo, khỉ đàn lảng vảng. Về vị trí  xây đập có lẻ ở đây sẵn nhiều đá tảng chen chân nhau đứng dựng như có bàn tay tạo hóa xếp đặt trấn giữ con sông. Địa danh Đá Dựng có từ hình tượng sống động đó.
Ròng rã cả năm trời với hàng trăm người được huy động xúc cát vào bao, chẻ đá, xây đập. Khởi đầu con đập chỉ dài 80 mét có hai cửa thoát nước để giữ độ sâu lòng hồ 6 - 7 m. Cùng lúc xây đập có dựng nhà thủy tạ trên một chân trụ, mỗi cạnh vuông 2,5 m mô phỏng theo kiểu chùa một cột ở Hà Nội. Nhưng chỉ hai năm sau bị lũ cuốn nhận chìm dưới đáy hồ. Với cảnh quan sinh  thái, cây cối bên bờ đã tạo cho Đập Đá Dựng vừa hoang sơ vừa thơ mộng. Cũng từ cơn lũ trước đó, bờ sông tả ngạn bị nước khoét sâu hàng chục mét mở đường chảy rộng ra và đập phải kéo dài thêm cho đến bây giờ. Gành đá thiên nhiên ở đất liền trở thành một cù lao độc đáo, hang hóc đan xen cùng dây leo và cỏ dại. Vị trí đẹp này có đắp một tượng sư tử và bắc qua chiếc cầu làm dáng cho người ngoạn cảnh bên bữa ăn píc-níc giữa một không gian đầy "âm vang thác đổ" và chim chóc líu lo. Nương theo vài chục bậc thang bên cửa đập có tượng"long ngư" đang vượt vũ môn đẫm mình trong bọt nước trắng xóa tung tóe.
Công trình Đập Đá Dựng với ý tưởng dẫn nước về hai cánh đồng, trừ Tân Lý (Tân Bình) còn phía Tân Thiện lại gặp địa hình cao nên tác dụng thủy lợi không mang được hiệu quả gì. Nhưng, bù vào đó đã biến nơi này thành một cảnh quan hài hòa. Trước đây, bờ hữu ngạn có vườn cây hoa đào đến gần tết rộ hồng cánh phấn đẹp như hoa đào xứ Nhật. Nhiều cuộc hội trại của giới trẻ, học sinh thường chọn nơi đây để sinh hoạt, vui chơi.
Xưa thì hoang dã, đìu hiu nhưng bây giờ đập Đá Dựng nằm cách trung tâm thị xã La Gi chưa đầy cây số, bên đường giao thông mà còn giữ được cái hồn của đá núi, của suối ngàn. Mùa mưa xuống, thác nước dội lên những tảng đá ngổn ngang như để chắt ra dòng nước ngọt ngào hòa vào hạ lưu sông Dinh trước khi hóa thân về với biển cả. Đập Đá Dựng biến đổi cái dáng vẻ theo mùa. Vào mùa khô, nước sông chảy cạn thì bãi đá lại sinh nở thêm nhiều để  nằm phơi mình trên đáy sông lấp lánh cát vàng. Đêm trăng sáng, những cặp tình nhân ngồi bên bờ đập mà quên chuyện riêng nhau, mải miết rung động trước ảo ảnh lung linh dáng hình tiên nữ của huyền thoại lúc hiện ra bên kè đá, lúc lấp loáng ở mặt hồ và trôi theo thác đổ. Càng về khuya lời ru thêm réo rắt, nghe chừng như chỉ có từ một cõi rất xa...
Sau này đập được nâng cấp, sửa chữa chủ yếu làm hồ chứa nước sinh hoạt cho vùng dân cư trung tâm của thị xã, nên xóa dần đi vẻ hoang phế đã phải thăng trầm với thời gian.”
     Đúng là đập đá đã thăng trầm với thời gian. Không biết bao giờ nó mới phục hồi được vẻ đẹp như xưa kia. Nếu tính từ đầu năm 1978 đến nay đã là 35 năm trôi qua, ngay như tôi, kể từ những ngày tháng cam go lao động, tôi đã không một lần ghé qua đây. Sau này có vài năm tôi đi dạy ở Phước An, tôi về thăm nhà Võ Thị Phong Thu, Võ Thị Phong Thủy, hai chị em gái đặc biệt có đôi mắt to tròn đen nhánh. Nhà các em ở gần cuối khúc sông này. Tôi nghe em kể năm nào dòng nước lũ tràn vào đến tận nhà. Từ bãi bồi ven sông, người ta hay đến xúc cát, từng chiếc xe bò, xe công nông ngày ngày chạy đến chạy đi, cuối cùng bờ sông trơ ra những vũng sâu lồi lõm. Chạy dọc theo hai bên bờ, đất đai màu mỡ phù sa, nông dân trồng mấy vụ bắp trái mùa, hoặc trồng rau cải, bầu bí, dưa leo… Mấy nhà dân sống gần đập đá, họ trồng nhiều khoai mì trong vườn và trên rẫy. Nhà cửa ở đây cũng thưa thớt, nhà nọ qua nhà kia phải qua cả lô đất rộng, cây cối um tùm. Các em nhỏ đi học đường đến trường xa lắm.
…Có dịp về Tân Long hoặc đi vùng Tân Tiến, Tân Hải, khi đi qua chiếc cầu sắt cũ kĩ, tôi phải chạy chậm qua từng miếng ván gỗ vì sợ ngã xuống cầu. Dừng xe ở đầu cầu, tôi nhìn về phía xa kia là đập đá vẫn có thể thấy được dòng thác nước tuôn từ trên cao xuống chân đập. Tết năm nay, chiếc cầu sắt đã được thay thế bằng cây cầu bê tông vững chắc. Khi chạy qua chiếc cầu rộng thênh thang, tôi mới cảm nhận được sự vui mừng của bà con mình khi cầu hoàn thành như thế nào. Một buổi sáng, tôi cùng nhóm học bổng về thăm em Võ Thị Kim Như, nhà gần dưới chân cầu. Dốc cầu cao quá, tôi không thể chạy xe xuống được, đành phải gởi xe lại, đi bộ một quãng xa để xuống nhà em. Nhìn lên, thấy chiếc cầu mới cao hơn cả dãy nhà dân ở hai bên đường. Đường cầu vẫn chưa hoàn thiện, chỉ trong một thời gian nữa thôi, hai bên sẽ có hai con lươn để xe cộ chạy lên xuống dễ dàng.
          Chiếc cầu mới mang cả ước mơ của người dân La Gi, nhất là dân Tân An, Tân Bình.  Chắc chắn nó  sẽ mang cái tên Đập Đá Dựng, như tên của con đập. Cầu đã xây xong, nối liền hai bờ, không còn cảnh cầu sắt đen đũi đã bị cuốn theo dòng nước lũ vào một ngày gần cuối năm 1999, không còn cảnh người người đi qua cầu phải chạy chậm để tránh nhau. Có người nói cho vui: phải đặt tên cầu là cầu bà Thọ(Phùng Thị  Thọ, chủ tịch thị xã, từ ngày lên chức có công vận động tỉnh để được cấp kinh phí xây cầu nhanh chóng). Cầu mới đã có, con đường mở rộng cho ngành du lịch, cho từng đoàn người nô nức về lễ hội Dinh Thầy Thím vào dịp rằm tháng chín. Đây cũng là lúc Đập Đá Dựng cần được chỉnh tu bộ mặt, trồng thêm những vườn hoa anh đào, để mùa xuân đến hoa đào lại khoe sắc.
                                                                           Tối 31-3-2013
                                                                            Đinh Thị Hiệp
         *Chiều hôm qua, 2-6-2013. tôi chạy lên cầu mới. Tấm bảng mang tên cầu: "Cầu Đá Dựng" như đập vào mắt tôi. Tôi không khỏi vui mừng khi chạy qua trên cây cầu cao, rộng thênh thang. Dân tôi đã đổi đời từ khi có cầu mới, nhịp cầu thông thương giữa hai bờ. Gần cầu, có khu đất mới chuẩn bị cho khu dân cư Hoàng Diệu(kho lương thực cũ). Mai đây, nơi này sẽ sầm uất, gần chợ, bệnh viện, trường học. La Gi ngày càng đổi mới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.