Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Làng Truồi(Sưu tầm)

Làng Truồi: bắc giáp với sân bay phú bài, Nam thì giáp với Đà nẵng. Phú lộc-TT.Huế, mảnh đất có lượng mưa nhất nước bởi đỉnh đèo Hải Vân, bán kính đồng bằng 1-3km Đông thì giáp biển và tây thì giáp với núi và Lào. 
 *Sông Truồi của xứ truồi, là con sông to thứ 2 của tĩnh TT.Huế, sau sông Hương. Chảy từ nguồn ra biển và cung cấp nước thành Hồ Truồi. 

 *Hồ Truồi: Hồ được xây và giữ nước ngọt và cung cấp nước ngọt cho các Huyện phía Nam TT.Huế. 
 *Chè truồi, là loại chè nổi tiếng bởi được trồng trên đất phù sa của núi rừng Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu Anh đi làm rễ ở lâu không về. 
 *Thiền viện Trúc Lâm, ngay giữa hồ Truồi có 1 hòn đảo và được xây dựng thành Thiền viện Trúc Lâm. Ai muốn vào Thiền viện phải qua con đường thủy. 



 *Núi Truồi, Đỉnh Bạch Mã: cao thứ 2 Việt Nam sau Pa-xi-păng: Phải nói các bạn lên đến đỉnh Bạch Mã thì là nơi nghỉ lý tưởng và tuyệt vời, hoa lan bốn mùa. 
*Lịch sử: Phú Lộc đã có những nhà lão thành cách mạng Lê Đức Anh, Đoàn trọng Chuyến, Đoàn Mạnh Giao, Trần Xuân Giá. (Về Truồi, tôi thấy đường sá khang trang, người dân bảo do công sức của ông Lê Đức Anh) 
 DÂUTRUỒI 
Dâu Truồi là loại trái cây đặc sản của một vùng đất phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ xưa dâu Truồi đã đi vào câu hát dân gian : 
 "Dâu Truồi vừa ngọt vừa thanh 
Em nghiêng giỏ hái tặng anh quả này
 ước gì gặp mẹ gặp thầy...
 Hay : 
 "Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
 Anh đi làm rể ở lâu không về." 
 Từ Huế đi theo Quốc lộ1A về phía nam 25km là đến Truồi, một địa danh trù phú nhất của huyện Phú Lộc, với gần 4 vạn dân sống tập trung dọc hai bờ sông Truồi. Nhờ phù sa bồi đắp sau mỗi mùa lụt hằng năm nên vùng đất này quanh năm cây trái sum suê. Trong nhiều loại trái cây có hương vị ngọt ngào, thơm ngon ở đây thì dâu Truồi được xem là loại trái cây đặc trưng của xứ Truồi mà khách trong nam ra, ngoài bắc vaò đều biết tiếng. Hằng năm cứ đến tháng 5 âm lịch là mùa dâu chín rộ. Trong một chùm dâu sai quả thì quả nào có điểm son là quả ngọt nhất. Vị ngọt của dâu điểm son khó so sánh được với bất cứ vị ngọt của một loại trái cây naò khác. Người ta nói, ăn quả dâu tiên xứ Truồi thì "ngậm mà nghe", nghe hết cái tinh chất của thiên nhiên chắt lọc từ một mạch đất mà tạo nên cái vị ngọt độc đáo kia. Ăn nhiều quả dâu tiên người ta thấy mát ra, và có lẽ vì thế nên thiên nhiên cho loài trái cây này chín đúng vào giữa mùa hè. Những chủ vườn dâu thường bận rộn chăm sóc lúc dâu chín, đề phòng chim chóc phá hại. Khi thu hoạch dâu cây nào, người ta hái hết cây ấy, vì nếu hái lẻ tẻ vài chùm rồi bỏ đó thì cơ hồ như đêm đến loài dơi sẽ tìm tới ăn sạch. Mùa dâu chín, con buôn kéo nhau đến ngã giá từng cây để mua sĩ rồi đem chợ bán. Đây là mặt hàng trái cây bán chạy, có lãi nên rất đắt khách. Xưa nay ở Truồi đến mùa dâu chín, quả dâu được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa ; học trò dùng đi thăm thầy nhân kỳ nghỉ hè ; là lễ vật cúng gia tiên nhân tết Đoan Ngọ. Và đặc biệt trong lễ ăn hỏi giữa nhà trai và nhà gái, gặp mùa dâu chín, quả dâu là lễ vật được" nhân cách hóa" theo một ý nghĩa độc đáo để hai bên su gia có thể gởi gắm nỗi lòng của nhau. Nếu nhà trai ở Truồi đi hỏi vợ vùng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín mọng để biếu nhà gái với ý nghĩa mong muốn có được cô dâu ngọt ngào, hiền thảo. Nếu nhà trai ở nơi khác hỏi vợ ở Truồi thì nhà gái chọn những quả dâu điểm son để mời nhà trai với ý nghĩa mong muốn "của ngon" này phải được người thưởng thức xứng đáng. Vì thế ở đây mới có câu hát : 
 "năm xưa thầy mẹ bảo em 
 chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi 
để nhà anh tới chịu lời" 
Quả dâu tiên đã đi vào đời sống tinh thần của người dân xứ Truồi như thế và đang có giá trị của loài cây đặc sản. Do đó, trong phong trào cải tạo vườn tạp để trồng những cây có giá trị kinh tế cao hiện nay, nhiều hộ gia đình mạnh dạn tìm cách nhân giống cây dâu tiên để trồng nhiều hơn trong vườn nhà mình. Hy vọng cây dâu tiên sẽ được trồng rộng khắp ở đây và quả dâu tiên xứ Truồi sẽ là mặt hàng trái cây đáp ứng càng nhiều nhu cầu ưa chuộng của khách thập phương, nhất là trong dịp hè ở các điểm tham quan du lịch trong tỉnh Thừa Thiên Huế. 
 CHÈ TRUỒI 
Nói đến thổ sản của xứ Truồi là người ta nghĩ tới hai loại cây trái đặc sản nổi tiếng xưa nay : dâu Truồi và chè Truồi. Khắp mọi miền quê đâu cũng có hai loại cây trái trên, nhưng người sành thưởng thức hương vị miệt vườn ở đất Thừa Thiên Huế bao giờ cũng kén : đã là dâu phải là dâu Truồi ; đã là chè xanh phải là chè xanh xứ Truồi mới chịu. Trái dâu tiên ở đây cho vào miệng ngọt lịm như thế nào thì ai cũng biết cả rồi. Còn hương vị bát nước chè xanh đem ra mời nhau đậm đà khó quên ra làm sao thì những ai còn xa lạ với xứ này có thể chưa biết hết. Hồi xưa, tất cả các làng quê dưới chân núi Ấn Lãnh, dọc theo hai bờ sông Hưng Bình đều gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi. Từ cái làng Truồi "gốc" ấy mà không biết từ bao giờ đã "Truồi hóa" núi Ấn sông Hưng thành núi Truồi sông Truồi và cả một vùng đất rộng người đông này thành địa danh xứ Truồi hiện nay. Giờ đây những ông già bà cả trong vùng vẫn quen gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi, làng của nhiều loại cây trái, trong đó cây chè xanh được xem là cây đặc sản của một vùng đất vì hương vị độc đáo riêng biệt của nó. Và không ai lạ gì trong các buổi chợ ở đây, người mua chè thường giành mua trên tay nếu mặt hàng này từ làng Truồi đem bán. Cũng khỏi cần hỏi tới hỏi lui, chỉ nhìn qua là biết chè làng Truồi để mua rồi. Khi nâng bát nước chè xanh lên môi nhấp một ngụm, người sành điệu có thể phân biệt được đâu là chè xanh làng Truồi với các làng khác trong vùng. giống nhau. Cùng là chè làng Truồi cả, thế mà phải là chè Phủ mới có hương vị độc đáo. Phủ là một khoảnh đất bằng phẳng rộng chừng 6 ha chuyên canh cây chè, tiếp giáp với đồi núi cuối làng. Người đi mua chè lứa của các chủ vườn thường chọn mua cho được chè Phủ. Đã là chè Phủ thì không chê vào đâu được. Cây chè cứ mơn mởn, sây lá đều nhau từ gốc đến ngọn chỉa lên trời. Dưới nắng sớm mai, lá chè xanh vàng đến mát mắt, làm cho những cô gái hái chè cảm thấy "sướng tay", hứng lên hò đưa tình đối đáp với nhau không biết chán là gì. Muốn chọn lá chè để nấu uống, người làng Truồi bao giờ cũng chọn lá chè ở chính giữa vườn, nơi cây chè không bị che khuất ở trên. lá chè phải nhỏ bản, có màu vàng non, tươi mà giòn, thì nứoc chè mới cho màu sắc vàng xanh, uống vào hơi chát mà ngọt mãi nơi cổ họng. Chọn được lá chè vừa ý rồi mà không có nước nấu vừa ý thì cũng bằng không. Nước nấu chè xanh mà dùng nước giếng có chút nhiễm phèn thì coi như bỏ. Bây giờ người ta dùng nước máy đun sôi để pha chè. Còn ngày xưa người ta cho rằng đã là chè Truồi thì phải nấu với nước sông Truồi mới "đúng điệu" của nó.. Và để có nước sông Truồi như thế, người ta phải dùng trái bầu khô, bơi ra chính giữa dòng lấy nước về. Nước nấu bằng nồi đất nung. Chè rữa sạch, vò sơ, cho vào ấm sành. Nước sôi đổ vào lắc đều, chắt bỏ nước đầu, chỉ dùng nước thứ hai. Trong ấm chè không nên thêm gừng, vì mùi gừng sẽ khử mất mùi thơm tự nhiên của chè xanh. Nước chè pha ra cái bát sành để thật nguội uống mới đã cơn khát. Hương của bát nước chè xanh làng Truồi tỏa ra thơm thơm, uống vào thấy chát chát ngọt ngọt, khiến những ai quen dùng cứ nhớ, thành "nghiện, ăn xong mà không có bát nước chè xanh là không chịu được. Chè xanh làng Truồi lâu nay vẫn được xem là loại nước uống phổ biến đối với mọi thành phần xã hội. Từ ngoài đồng đương mùa gặt hái của nông dân đến các bếp ăn tập thể, các cuộc hội nghị đông người, các nhà hàng ăn uống, cả khách sạn hạng sang ngừơi ta cũng phục vụ nước chè xanh. Gần đây, do tiếp cận với nhiều kênh thông tin, thấy công dụng của chè xanh có khả năng chống nhiễm xạ và phòng tránh một số dạn ung thư ở người, nên chè xanh rất được nhiều người ưa dùng. Người làng Truồi đi thăm bà con mình ở các nơi khác thường mang theo chục bó chè làm quà. Người các nơi khác đến chơi ở làng Truồi cũng thường được chủ nhà biếu"cây nhà lá vườn" ở đây đem về. Đúng như câu tục ngữ"đất có lề quê có thói" là vậy. Cây chè, hoa chè,bát nước chè xanh đã đi vào thi ca, làm nên bản sắc văn hóa riêng của làng Truồi thì không ai ở Thừa Thiên Huế lại không biết. 
 MÍT TRUỒI
 Nếu như dâu là một trong những món ăn được ưa thích của các bạn tuổi “teen”, thì mít lại không phân biệt lứa tuổi, từ các bạn gái thích ăn vặt đến những cụ già răng đã lung lay cũng đều thích, đặc biệt là mít Truồi. Nếu nhìn bề ngoài thì khó mà phân biệt được đâu là mít Truồi, đâu là mít Nam đông, mít Bình Điền….Chỉ khi nào cắt quả mít ra, ta thấy màu vàng rộm, múi vừa phải, hương thơm nồng nàng, thì đó gần như là mít Truồi. Và để chắc chắn hơn, ta nên ăn thử một múi. Nếu như đầu lưỡi của bạn thấy vị ngọt mát, thanh thanh, múi mít mềm mại, và hòa trộn trong đó là “nước mật” ngọt lịm thì đích thực đó là mít Truồi rồi các bạn ạ! Cũng như những nơi khác, Truồi có hai loại mít: mít ướt và mít ráo. Mít ráo thì có mít mật, mít dừa, mít đường... Do đó có rất nhiều hương vị để bạn thưởng thức. Các cụ già răng thường hơi yếu nên rất thích ăn mít ướt vì nó mềm hơn. Khi ăn mít ướt người ta còn làm thêm chén muối ớt để tăng thêm sự đậm đà. Ai đã từng một lần được nếm thử vị ngon ngọt của dâu, mít xứ Truồi thì chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị thơm ngon làm say đắm lòng người của hai loại trái cây này. Nếu có dip ghé thăm Huế vào độ tháng bảy, xin mời bạn ghé thăm làng Truồi quê tôi để khám phá và thưởng thức một hương vị đặc trưng của làng Truồi, rất lạ và không thể lẫn vào đâu được. 
(Tác giả: NGUYỄN TRƯỜNG - Nam Phổ Cần) 
Cây vả ... mạ thương 
 Thì ra, mạ thương cây vả là có lý do. Chừng đâu sáu, bảy năm trước, khi ôn còn sống, chính ôn đã xin nhánh vả từ chùa về trồng. Nhánh vả nhỏ bằng cây gậy ôn chống, qua thời gian đã to bằng cột nhà, trái bu chi chít quanh gốc. Ôn hay nói, “trồng vả trả người”, hay “trồng cây vả ngã một người”, nghĩa là trồng vả thường gặp điều xui xẻo; nhưng ôn cũng nói “vả là trái vô tâm, mà vô tâm thì thanh thản”. Nói rứa, nhưng cái câu thứ hai chẳng khi mô vận vô đời ôn: đời ôn có khi mô thanh thản? Câu đầu tiên, như lời dân gian nói, lại “ngã” vô chính bản thân ôn. Khi lứa vả đầu tiên ra đời, ôn lâm trọng bịnh đến không gượng dậy được. Mạ hái lứa vả đầu mùa làm goi cho ôn, nhưng ôn chỉ cười, nói: “Ôn trồng là để cho con cháu, chứ có phải trồng cho ôn mô!”. Mạ khóc: “Con nguyện ăn chay trường để cầu cho ba mau khỏi bịnh”. Và mạ ăn chay thiệt. Nhưng ba tháng sau, ôn mất. Mạ đâu vì lời nguyện không thành mà bỏ ăn chay. Mạ nói, ôn vẫn sống trong lòng mạ, trong gốc vả ôn trồng. Chừ ôn thanh thản rồi, mạ ăn chay để giữ lòng thanh khiết. Lòng mạ thì thanh khiết thiệt, nhưng cuộc đời mạ cứ vất vả luôn. Sau này, khi lớn lên một chút đi xa học hành, tôi vẫn cứ khôn nguôi nghĩ về mạ và gốc vả đã làm “ngã một người”. Mỗi khi tôi về thăm, mạ vẫn luôn chế biến vả cho tôi ăn: vả kho, vả gỏi, vả chua, vả sống… Ăn riết, tôi đâm ghiền vả, ghiền những món chay mạ làm. Bởi về với mạ là về với sự chay tịnh thuần khiết, dù mạ có ý định mua đồ mặn cho con trai, tôi vẫn tuyệt nhiên từ chối. Thay vì vả sống chấm ruốc, tôi đòi vả sống chấm chao; thay vì vả kho thịt heo, tôi đòi vả kho khuôn đậu; thay vì vả trộn tôm hồng, tôi đòi gỏi vả nấm trắng… Tôi đùa: “Con ăn vả với mạ, để chia cái vất vả với mạ, nghe?”. Mạ cười: “Bao nhiêu vất vả mạ nhận, miễn con sướng là mạ vui rồi!”. Dĩ nhiên mạ không chỉ ăn chay với vả. Vườn của mạ còn có rau tươi, trái ngọt, thêm một lu tương đậu nành và mấy hũ chao mạ tự làm. Bữa ăn dân dã chay tịnh của mạ làm ngọt lòng đứa con trai ở chốn thị thành thừa mứa cá thịt. Lâu lâu thèm vả quá, mà thật ra là thèm mạ, tôi lại tất tả làm một chuyến về, có khi kéo theo một vài đứa bạn, để thăm mạ, và để khoe với bạn món vả mạ làm. Bạn cười: “Lòng sung cũng như lòng vả, sao mạ bạn không chọn sung cho sướng mà chọn vả chi cho khổ?”. Ừ, đúng rồi, răng mạ chọn vả chi cho khổ? Nhưng… sung chỉ để cúng trên mâm ngũ quả thôi, đâu thể chế biến những món vả tôi thương? Mà giả như có chọn sung, thì đời mạ có bớt khổ không khi mà suốt đời mạ toàn lo cho con cái, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi con nên người? “Cái số của mạ hắn rứa”, mạ từng nói với tôi. Nhưng tôi biết, đó không phải “cái số” mà tại “cái lòng” của mạ. Lòng mạ bao la như biển. Nhiều khi tôi nghĩ, răng mạ không “vô tâm” như lòng vả cho khỏe, rồi tôi lại chợt hiểu ra: vì mạ “vô tâm” khi nghĩ về bản thân, nhưng lại “hữu tâm” khi nghĩ về con cái, nên trong cái vô nó chứa đựng cả cái khôn cùng… Mạ là rứa, món vả của mạ cũng rứa: hơi chan chát vị đời song dung chứa biết bao vị ngọt ngon. Mạ là rứa, một gốc vả chi chít bao nhiêu quả khổ - khổ một đời vì con. Cái vất vả đó truyền từ đời ôn tới đời mạ, và mạ cố ngăn cho nó khỏi rủ xuống đời con. Con vui là mạ quên đi vất vả. Con là cái làm cho mạ khổ, nhưng cái khổ đó chính là thứ mạ nâng niu. Vả ơi… Cái loại cây chi mà thiệt lạ, không hoa mà toàn quả khổ. Quả khổ mà ăn thiệt ngon!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.