Tím hoa bằng lăng
Bây giờ đã là
giữa mùa hè, những con đường không còn rộ màu tím hoa bằng lăng. Chỉ mới mấy năm
gần đây, vùng đất La Gi ngày càng tăng dần loài hoa này. Hai bên con đường Thống
Nhất, những cây bằng lăng con mới trồng nay đã vươn cao, thi nhau báo hiệu vào
hè bằng màu tím của hoa, những chùm hoa rung rinh trong gió.
Cũng như bằng
lăng, màu phượng đỏ cũng đã dịu dần mà thay thế bằng màu xanh tươi mát của những
vòm lá được tưới bằng những trận mưa giữa mùa hè. Thật ngạc nhiên khi đứng ngắm
cây phượng trong sân trường trung học Lý Thường Kiệt, màu đỏ vẫn như đang muốn
thách thức với thời gian. Biết là mùa hè sắp qua đi, mùa tựu trường sắp đến rồi,
mà cây phượng như muốn còn đứng đó để mà còn lưu luyến màu đỏ hoa học trò.
Hai loài hoa
này có một sức quyến rủ đối với tôi thật lạ lùng. Có lẽ chúng luôn nhắc nhở đến
kỉ niệm ngày xưa mà chúng tôi đã từng trải qua. Con đường chạy lên con dốc cao,
xuyên tỉnh lộ Hàm Tân-Bà Rịa-Vũng Tàu vào một ngày đầu hè năm 2001, hai vợ chồng
tôi chở nhau lên thăm người cậu ở Mỹ về. Cậu tôi biết mình mang căn bệnh ung thư
nên về Việt Nam, để sống những ngày cuối đời trên mảnh đất quê hương. Dọc đường,
tôi cứ ngắm mãi sắc màu phối hợp hài hòa của hoa phượng, hoa bằng lăng và màu
xanh của những vòm lá. Một màu đỏ có sức sống mãnh liệt, còn màu tim tím như nỗi
buồn phảng phất, trầm lắng. Tôi cứ bảo anh rằng quê mình không trồng hoa bằng lăng
nhiều như ở đây. Đất đai vùng này tốt quá, cứ nhìn màu đỏ của đất và màu xanh mượt
mà của cây lá là thấy rõ, không như vùng đất cát bạc màu của Hàm Tân. Một bên là
biển, một bên là rừng thật trù phú. Một mảng rừng sinh thái chạy dọc theo con đường
đi, nó được bao quanh bằng hàng rào lưới thép. Với vẻ hoang vu như thế gây nên
một cảm giác bất an, khi chạy qua đây, chúng tôi tự nhủ phải trở về trước khi
trời chiều tối, khi còn người qua lại trên quãng đường này. Đất Bà Rịa-Vũng Tàu
là đất lành như thế nên người dân tứ xứ đổ về, sống tập trung đông đúc. Ba Tô với
con đường chính, rộng thênh thang, hai bên trồng hai hàng cây xanh, nào nhà
cửa, phố sá sầm uất. Từ ngã rẽ, chạy vào một đỗi, chúng tôi bắt gặp những khu rừng
cao su ven đường đang độ lớn và đã được cạo mủ. Màu đất đỏ tràn ngập cả đường
đi, màu đỏ như chu sa cứ quyện vào những hàng cây xanh thẫm chạy dài sâu hun hút.
Nông trường cao su Hòa Bình, một địa danh quen thuộc của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu,
nơi người dân mới đến khai hoang, lập nghiệp. Ngày xưa, thời kì Pháp thuộc, người
dân mộ phu từ xứ miền Bắc, miền Trung vào Nam trồng cây cao su, để lại biết bao
bài thơ ca thán về quãng đời cơ cực, nhưng hôm nay, có ai bảo nghề này còn cực
khổ! Những công nhân nông trường nay đã có
cơ ngơi khang trang, nhà cửa, làng xóm
quần tụ bên nhau. Tôi có một lần đến nông trường Cù Bị. Trước vẻ đẹp của khung cảnh nông trường, tôi rất đỗi ngạc nhiên.
Khi xe chạy qua những cánh rừng cao su, tôi cứ tưởng mình đang trên đường đèo lên Đà Lạt. Cũng lànhững rừng cây
trên mảnh đất đồi thoai thoải, trên con đường dẫn vào nông trường vào buổi sáng
tiết trời se lạnh không có ánh nắng lọt qua.
Buổi hôm ấy, tôi về thăm cậu. Xe chúng tôi chạy xuống một con dốc cao, dài
và ngoằn ngoèo. Đến Xuân Sơn, nơi gia đình
cậu tôi đang sinh sống. Cậu tôi có vẻ già hẳn.
Những năm tháng sau này, cậu tôi cầm cự với cơn bệnh đang gặm nhấm vào cơ
thể, những cơn đau đớn mà cậu tôi phải cố gắng
chịu đựng.
Cũng trên con đường này, vào buổi sáng mùa hè năm sau, chúng tôi một lần
nữa lên đây để đưa tiễn cậu . Cậu tôi đã ra đi mãi mãi, không ở trên đất khách
quê người mà cậu trở về với cội nguồn. Xuân Sơn là quê mới, là quê hương của
gia đình cậu tôi, sau ngày xa Quảng Trị.