Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Ký sự chuyến đi Mũi Khe Gà



Giờ ngồi đây, tôi nhớ lại chuyến đi đầu tiên ra Mũi Khe Gà… Đã một tuần mà dư âm, những hình ảnh như mới trải qua đâu hôm qua. Thật tuyệt vời, chuyến đi đã gây ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè của con gái. Điều đó khiến tôi rất vui.
Tôi chưa hề đi Mũi Điện này một lần nào, dù tôi là người dân về sống ở đây đã lâu. Trước kia, khi chưa có tuyến đường xe bus chạy ven biển từ Phan Thiết vào La Gi và ngược lại, có những nhóm người thường tổ chức ra vùng đất hoang sơ này bằng phương tiện xe máy, đèo chở nhau ra đó rồi đi thúng ra đến ngọn hải đăng. Tôi nghe con gái nói bạn bè sẽ về nhà trải nghiệm những nơi ở địa phương mình, tôi đã nghĩ ngay đến Mũi Khe Gà. Mùa hè tiếp tục với những chuyến đi trước khi về với gia đình, điều đó thật tuyệt vời.
Cả một nhóm sinh viên trẻ cuối năm ba mà như bầy con nít. Chúng về làm bừng sáng cả gian nhà, mang đến niềm vui rạng rỡ cho cả hàng xóm, láng giềng.
Thứ sáu, ngày 12 tháng 7 năm 2013
Ra đường, cách nhà tôi chỉ vài chục mét, bắt xe bus đến bến xe La Gi. Tiếp tục, trên chuyến xe ra Phan Thiết, dặn dò cô nhân viên cho xuống trạm ở Mũi Điện, Tân Thành. Dọc đường, những ruộng muối, những vườn cây thanh long xanh rì như thu hút ánh mắt nhìn, thật vô cùng lạ lẫm. Nếu như đi ngang qua đây vào ban đêm thì sẽ ngắm được vẻ đẹp của từng vườn thanh long giăng điện sáng trưng, nhất là vào mùa trái chín rộ. Thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam nổi tiếng để xuất khẩu. Những bụi cây trồng trên trụ xi măng được thay thế cho thân cây gỗ, biết bao nhiêu là trái hồng cứ bám quấn quýt vào những chiếc lá xanh um tựa như lá xương rồng. Chỉ hai chuyến xe bus là ra đến nơi. Vừa bước chân xuống xe, đám trẻ giành lấy mấy chiếc xích đu đơn sơ làm bằng vỏ xe, đu đưa trên cành cây bàng. Chúng tôi lần lượt từng chuyến xe thồ, chở đến cả ba người để ra đến bãi tập kết. Ánh nắng chói chang của trưa hè không làm nao lòng, chùn bước chân lữ hành. Tôi cảm thấy choáng ngợp trước cảnh đẹp thiên nhiên của trời, mây, nước. Đặc biệt ở đây có những tảng đá, thiên hình vạn trạng rất đẹp mắt. Chiếc ca nô chở chúng tôi thẳng hướng ra đảo. Bồng bềnh trên mặt sóng, không có cảm giác nôn nao chút nào, sóng biển êm quá; hôm nay thời tiết thật đẹp. Mũi điện Khe Gà trên một hòn đảo nhỏ, ngọn hải đăng hiên ngang, hùng vĩ soi mình giữa biển cả bao la, nó đã từng ở đây tận cuối thế kỉ 19.
-Ca nô từ đây ra đến hải đăng, chạy bao lâu hả anh?
-Chừng 5 đến 7 phút thôi.
Chú tài công thấy bọn trẻ háo hức, chuyện trò huyên náo, ngưỡng mộ trước cảnh biển của quê mình, chú cũng cảm thấy vui lây. Một cô bé xin ra trước mũi thuyền máy tạo dáng chụp ảnh Titanic. Ca nô cặp bến, lần lượt từng người bước lên mõm đá. Đúng lúc, một đoàn khách du lịch cũng vừa xuống chiếc thuyền máy khác chuẩn bị rời bến. Nơi đây, không những nước biển trong xanh, còn có những tảng đá, đá chồng lên đá tạo thành những hình thù kì lạ. Chụp hình đứng dưới đá tảng, chông chênh quá, cũng có phần hơi mạo hiểm. Thả đôi chân dưới dòng nước trong vắt, mát lạnh giữa ghềnh đá, mắt ngước nhìn lên cao, ai cũng có một cảm giác thật tuyệt diệu. Trên kia là bầu trời xanh, mây trắng từng đám bồng bềnh, trôi thật chậm, thật chậm giữa khoảng không gian xanh cao vời vợi. Xa xa là một vài bè cá người ta nuôi ven đảo. Thỉnh thoảng có làn gió mát lồng lộng thổi đến, mang theo hơi nước mặn như phả vào mặt người. Một vài cánh chim én chao liệng, chúng tung cánh về đâu đó giữa biển khơi. Tít tắp dường như ở cuối chân trời kia là một vài chiếc thuyền máy của ngư dân đang vượt sóng chạy đi tìm luồng cá.
Chúng tôi đi ra phía xa hơn…Giá như ở đây được nhìn cảnh đẹp bình minh hoặc hoàng hôn trên biển thì không có gì thú vị hơn thế. Trên nhiều mõm đá to, rộng, khá bằng phẳng, du khách chiêm ngưỡng biết bao cảnh đẹp và chụp hình, ghi lại kỉ niệm về chuyến đi. Trước cổng vào tháp có tấm bảng ghi dòng chữ : “ Hải Đăng Kê Gà”. Chú nhân viên đứng đó mãi quan sát nhóm du khách, chú vui vẻ trò chuyện khi chúng tôi đã lên đến nơi. Chưa vội leo lên tháp, cả nhóm ngồi quây quần chung quanh chiếc bàn đá đặt dưới bóng mát cây sứ cổ thụ. Rễ của chúng bám dài trên rìa đất. Sứ là loại cây hợp với vùng đất ven biển, tại các chùa chiềng, các khu du lịch thấy trồng sứ nhiều. Hương thơm nhè nhẹ của loại hoa sứ trắng phơn phớt vàng cứ lan tỏa trong không gian. Mặc dù có sự nhắc nhở, nghiêm cấm nhưng trên mỗi gốc, thân cây sứ già nua trên vẫn bị khắc tên của ai đó lưu lại kỉ niệm mình đã từng có mặt ở đây.
Chúng tôi đi sâu vào đảo, tiếp tục bước lên từng bậc cấp bằng đá, hai bên là hai hàng cây sứ dẫn lên gần đến đỉnh. Kia rồi chân tháp hải đăng cao to, sừng sững hiện ra trước mặt mọi người. Tôi nhìn thấy số 1899 ở bảng đá trên cánh cửa vào tháp: đây là năm hoàn thành việc xây dựng, đã trải qua hơn một thế kỉ, tháp đèn vẫn còn đứng đó chưa có gì lay chuyển nổi. Màu đá hoa cương bền vững theo thời gian, một màu xám cũ kĩ tạo cho tháp cổ như là một vị lão niên bao giờ cũng trầm tĩnh trước sự thách thức, tàn phá của bão biển. Bên cạnh chân tháp là ngôi nhà nhỏ và các thiết bị tạo ra năng lượng điện pin mặt trời. Chính nguồn điện này đây sẽ không bao giờ cạn kiệt, để ngọn đèn mãi mãi soi rọi khi màn đêm đến. Chúng tôi đi vòng quanh chân tháp, đây là khoảng đất khá rộng, đứng đó thấy được mặt biển, những đoàn thuyền ra khơi, những cánh chim én chao liệng tự do trên bầu trời và nhất là nhìn rõ eo biển đằng xa nơi có rất nhiều ghe thuyền vào gần bờ để neo đậu. Tôi đã từng nghe có dự án xây dựng cảng biển ở đây nhưng vì lý do nào đó về thiên nhiên, địa hình nên vẫn chưa tiến hành được. Một ngọn núi nhỏ nhô lên sát với hòn đảo, bao quanh nó từng đợt sóng tung bọt trắng xóa, liên tiếp tấp vào bờ đá. Tôi một mình đi vào tháp. Âm thanh cười nói ồn ã ở bên ngoài như nhỏ dần khi tôi bước hẳn vào sau cánh cửa dẫn lên từng bậc thang. Vẻ uy nghi của tháp cổ và sự tĩnh lặng khiến tôi hơi e sợ. Tôi ngước nhìn lên, một chiếc cầu thang bằng thép, hình xoáy trôn ốc, khi đặt chân lên có cảm giác nhún lên mềm mại, như nâng bước chân mình. Tôi phải cầm chắc tay vịn, cũng khá choáng với độ cao, tôi bước dần lên. Thỉnh thoảng có một vài cánh cửa gỗ sơn xanh, có khung kính để nhìn ra ngoài, thấy cả một khoảng trời và màu xanh thăm thẳm của biển. Tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu bậc thang như thế. Tôi đã lên đến đỉnh tháp rồi, chỉ qua một cánh cửa thôi là chiêm ngưỡng được toàn cảnh biển đảo. Ngoài kia, gió thổi lồng lồng, nghe được cả tiếng hú của gió…Tôi cứ ngỡ rằng chỉ có một mình tôi ở trên đỉnh ngọn hải đăng này, nhưng còn có một đôi nam nữ người Nga đã ở đó tự lúc nào. Cười xả giao thân thiện với cô gái xinh đẹp đến từ nước Nga, chỉ vài câu xả giao vụng về, …Russian, … very beatiful…v.v…cười và chỉ cười. Vài cánh chim én bay liệng vòng quanh, chúng bay ra biển hết rồi; buổi hoàng hôn sẽ từng đàn bay về đảo, đậu trên các vòm cây. Từ trên đỉnh cao, hình ảnh bên dưới như thu nhỏ dần. Đưa tầm mắt nhìn về phía eo biển, từng đợt sóng tung trắng xóa vào bờ cát chạy dài. Một vài chiếc thuyền máy nhỏ bé đang rẽ sóng trên mặt biển bao la. Trên cao, đèn biển được bao bọc trong khung kính lớn, hằng đêm, giữa trời tối mịt mùng, ánh đèn của ngọn hải đăng này sẽ soi rọi, báo hiệu cho bao tàu bè qua lại, thuyền đánh cá trên ngư trường Phan Thiết, La Gi…Khi mùa bão về, hải đăng Khe Gà vẫn can trường đứng giữa biển, càng mạnh mẽ hơn để tỏa đi những luồng ánh sáng diệu kì.
Ký sự chuyến đi Mũi Khe Gà đã khép lại nhưng dư âm, kỉ niệm đẹp đẽ vẫn còn đó.  Chuyến đi này sẽ mãi là một kỉ niệm quá tuyệt đẹp không những đối với tôi mà còn cho cả đám trẻ ở thành phố về mùa hè 2013.