Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

35 NĂM-MỘT CHẶNG ĐƯỜNG-MỘT QUÃNG ĐỜI CỦA TÔI



Phần.1: RA TRƯỜNG
Tháng 6-1978, tôi đi học tại trường sư phạm Thuận Hải. Lớp học thật đặc biệt gồm những học sinh vừa rời ghế nhà trường cấp 3, có người ở nhà một năm, hai, ba năm, hoặc một số anh chị có văn bằng tốt nghiệp ở chế độ cũ, chưa có điều kiện đi học ở một trường lớp dạy nghề nào đó. 
Lớp G của tôi là một lớp được đào tạo cuối khóa 2 nhưng bắt đầu khóa 3. chúng tôi phải ở tạm bên một ngôi trường của xã Hàm Nhơn khoảng một tháng trời, sau đó mới chính thức về ở nội trú trong trường. Khi giáo sinh khóa 2 ra trường, nhà trường tiếp tục tiếp nhận giáo sinh khóa 3 và nghiễm nhiên lớp chúng tôi trở thành lớp đàn anh, đàn chị và đổi tên là lớp A.
Một buổi sáng, thật tình cờ, tôi bắt gặp vài người mới đến. Trong đó, có một chàng trai dáng dấp cao ráo, có vẻ lãng tử, khuôn mặt cương nghị. Sau này, tôi được biết họ là người ở Sùng Nhơn, là người đồng hương. Gần nửa năm sau, chúng tôi mới làm quen nhau. Anh chàng hay phê phán, góp ý tôi trong mọi việc làm, hành động hay bộc phát của tôi, anh ấy muốn tôi giữ lấy giọng nói của quê hương trong giao tiếp.Tôi đã cảm nhận tính thẳng thắn, trách nhiệm của anh ấy ngay trong thời gian đầu quen nhau. 
Những tháng ngày học tập, ăn ở nội trú trong trường thật là khổ nhưng ai cũng thấy phấn chấn trong việc học hành. Chúng tôi là người từ khắp nơi về đây, có cả những cô cậu người Chăm thật đẹp, nhất là cặp mắt sâu với đôi lông mày rậm; có nhiều người từ ngoài Bắc xa xôi vào, có người từ Bắc Bình, Tuy Phong, kẻ từ Đức Linh, Hàm Tân…Có những ngày đầu tháng 11, 12 trời lạnh như cắt, chúng tôi phải ra ngồi sưởi ấm dưới ánh nắng mặt trời lên, chờ giờ vào học buổi sáng. Những buổi cơm đạm bạc, chút đỉnh cơm trắng và vài chiếc bánh xe lịch sử, tức là bánh bột mì tây thời bấy giờ…ôi, một thời kỳ gian khó. 
Ngoài giờ học tập, chúng tôi vẫn có thời gian ở bên nhau. Chiều chiều, chúng tôi thường đi bộ lên cầu Phú Long hoặc xa quá một quãng. Đứng trên cầu, nhìn xuống thấy dòng nước trong vắt, chảy chầm chậm qua chân cầu, hiện rõ những đàn sứa trắng lượn lờ. Đây là vùng nước lợ, gần biển nên là nơi loài sứa nước mặn sinh sôi nhiều, chúng bơi theo từng đàn. Có những khi, chúng tôi ra nhà chú Ba, một người đàn ông già nua anh quen thân. Khu nhà vườn này thật mát mẻ, thoáng đãng, có nhiều cây ổi, sam bu chê xanh um. Hai đứa tôi hay đi với nhau, hình ảnh đó đập vào mắt thầy hiệu phó, người thầy tôi hằng kính trọng. Thầy tỏ ý không vui, không muốn tôi xao nhãng việc học hành, như trước đây thầy đã từng khuyên tôi bền chí học tập mặc dù không đậu vào đại học. Đây là một bước ngoặc trong cuộc đời, chúng tôi đã quyết định chính chắn là sẽ đến với nhau kể từ đó. Vì sợ sau này ra trường không được gần nhau, không được về chung huyện công tác, nên hai đứa đã làm giấy xin đăng ký kết hôn tại xã Hàm Thắng nơi đang còn học tập. Việc này chính quyền họ không thể giải quyết được. Tôi đã mạnh dạn lên gặp thầy Đạt, thầy trưởng ban tổ chức và nói rõ nguyện vọng của mình là muốn xin cho anh và tôi về chung địa phương Hàm Tân. Trong giai đoạn này, vì nhu cầu của ngành giáo ở Đức Linh rất thiếu giáo viên, chắc chắn một điều là nam giáo sinh Hàm Tân sẽ lên Đức Linh, thì làm sao mà một người nam ở Đức Linh lại được về Hàm Tân. Rất khó! Trước mắt là như vậy, thầy Đạt không trả lời tôi. 
Ngày tốt nghiệp đã đến, tháng 7 năm 1979. Thật bất ngờ, chúng tôi nhận quyết định mà vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Các thầy vẫn quyết định cho chúng tôi về chung, nơi nhận nhiệm sở: Phòng giáo dục Hàm Tân. Trong lúc, các bạn nam người Hàm Tân đều phải lên Đức Linh, đến mấy năm sau mới trở về quê nhà. 
       Ngày khai trường năm học 1979-1980 sắp đến. Chúng tôi về phòng giáo dục Hàm Tân để họp. Ai cũng hồi hộp mong chờ đến một ngôi trường nào đó... Một lần nữa, chúng tôi cũng mạnh dạn làm một tờ đơn và xin về gần nhà. Tôi nhớ mãi lời thầy Mậu, tổ chức Phòng có hỏi anh, nhà anh hiện ở địa phương nào và sau đó thầy chỉ nói vỏn vẹn chỉ một câu: “Anh này người Đức Linh, sẽ cho lên gần Đức Linh”. Thật không ngờ, hôm nhận quyết định về trường, cả hai chúng tôi được về ngay ngôi trường gần nhà tôi, đó là trường cấp một Tân Thiện. Quá may mắn! Điều này khiến cho những người bạn ai cũng cảm thấy thật bất ngờ, có nhiều người phải đi về dạy tận Tân Thành, vùng biển; có người lên Tân Thắng, vùng đồi núi cao, xa xôi hẻo lánh…

Chị Túy Huệ còn nói: “Để chị đổi cho, hai đứa lên đó mà xây tổ uyên ương”.
Đời ai biết được chữ ngờ…Bây giờ uyên ương đã gãy cánh giữa đường rồi.
                          Tối thứ sáu, ngày 2-5-2014- ĐTH
Phần .2   NHỚ VỀ SÂN TRƯỜNG CŨ NIÊN KHÓA 1979-1983
      Trường cấp một Tân Thiện, nơi chúng tôi đã dạy học trong 4 năm kể từ niên khóa 1979-1980. 
      Năm đầu tôi nhận lớp dạy, lúc đó chỉ vừa tròn 20 tuổi. Cô thầy trẻ quá nên các em coi như là anh, là chị. Lớp đầu tiên tôi chủ nhiệm giờ đây các em đa số đã thành đạt, có địa vị trong xã hội. Có hôm tôi gặp đứa học trò, tôi hỏi em đã bao nhiêu tuổi? Con số 45 tuổi của em khi trả lời đã làm tôi không ngờ, vì thời gian qua nhanh thế sao?
          

            

           

           
     Bờ biển Cam Bình là nơi chủ nhật hằng tuần chúng tôi cùng các em học trò đi ra đó. Những đồi cát cao trên kia là nơi đã ghi lại biết bao trò chơi vui nhộn.
   Bình minh tràn ngập ánh nắng trên mặt biển, biển rộng mênh mông, từng đợt sóng cứ muôn thuở vỗ vào bờ. Ngày ấy, bờ biển Cam Bình chưa có những bãi dương xanh mát như bây giờ, nhưng cái nắng mai cho đến ban trưa không đến nỗi gay gắt. Bờ biển thật hoang sơ, ít nhà dân và trên bờ cũng ít thuyền, thúng. Nắng sớm như tràn ngập xua tan cái giá lạnh ban đêm, làm tan những giọt sương còn đọng lại trên hàng cây, ngọn cỏ. Giữa biển trời bao la, người dân hiền lành, chất phác có những cuộc gặp gỡ thật thú vị, đầy sảng khoái và đầy tiếng cười đùa của đám trẻ. Chia làm hai phe, cả thầy cô và đám học trò nhỏ xắn tay áo, gồng sức lên để phụ kéo lưới cho mấy người dân chài mới chèo thúng vào bờ. Phụ giũ vàn lưới, những con cá, những con tôm, ghẹ tươi chong cứ nhảy loi choi. Có khi, chúng tôi hì hà hì hụi kéo phụ mấy chiếc thúng lên bãi cát cao, cho nó nghỉ ngơi, để sáng sớm hôm sau khi trời còn tối đen, đằng đông chưa le lói ánh dương, người dân chài lợi dụng mức nước biển dâng cao và lại kéo mấy chiếc thúng kia ra biển, tiếp tục công việc ngày nào như ngày ấy. Họ là những người dân làng chài vùng ven biển Cam Bình, ngư cụ thô sơ, mỗi ngày kiếm ít tôm cá về đổi bán, đem về nuôi gia đình. Có một vài lần, anh theo cha con chú Các đi thuyền ra khơi, kéo vài vàn lưới, đem về ba mớ cá và ruốc. Tôi học cách làm ruốc như người dân Trung mình hay làm, như không dễ gì thành công. 
     Sức trẻ cộng với niềm ham mê, mỗi ngày chúng tôi dạy đến cả hai buổi sáng và chiều. Vào buổi học cuối tuần, chúng tôi đã bày cho các em những trò chơi thật vui và còn tập hát giữa sân trường. Ngôi trường cũ kĩ, càng thấp hơn sau một trận lũ quét, bao nhiêu đất cát trên đồi cao Tân Mỹ (Sơn Mỹ bây giờ) tuôn xuống và làm ngập cả sân trường, lấp kín các cửa lớp. Phải bỏ biết bao công sức để cào đất cát ra, trả lại tạm khuôn viên rộng rãi cho việc học. Sau những trận mưa lũ như thế thiên nhiên đã tạo thành bờ vực đất đỏ ở lưng dốc Sơn Mỹ, sau này người ta hay tìm đến xem chụp ảnh. Họ đã cho xây đường mương bê tông để lái luồng nước mưa từ trên dốc chảy ra biển, không cho chảy về chợ Cam Bình như trước nữa. Cho đến nay, ngôi trường mà tôi đã từng dạy ngày nào vẫn còn, vẫn cũ kĩ như thế đó, ngày ngày vẫn ê a tiếng đọc bài. Gần đó, trên một cánh đồng bằng phẳng, một ngôi trường mới sắp xây dựng xong, để năm học tới cho các thế hệ học trò là con cháu của học trò tôi được học. Có vậy chứ, sau hơn 39 năm, theo nguyện vọng của người dân Cam Bình mới được thực hiện. Mong rằng dãy lầu khang trang kia sẽ là nơi cho các em thơ ngày ngày đến trường tràn ngập niềm vui. 
    Học trò của chúng tôi hồi đó là những em bé thơ ngây, rất đáng yêu. Bé Mai là một cô bé lớp hai rất thông minh, em có khuôn mặt đẹp nhưng mẹ bé ít chăm sóc, tóc em hơi bẩn nên hằng ngày tôi có chăm chút cho em. Bé Cương hay còn gọi tên ở nhà là bé Leo , tôi và anh đều có dạy, hiện giờ em định cư nước ngoài, em vẫn còn nhớ về kỉ niệm thầy cô giáo cũ. Hà Thị Kim Lựu , Trương công Dũng, Kim Dung…là bác sĩ đang làm việc tại thành phố. Trương Công Tuấn là kĩ sư, Nguyễn Hữu Thiện Nhân mà tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt của em ngày xưa. Cô bé Kim Dung mà ngày nào anh gọi là Hột Mít vì em tròn trịa, dễ thương nay em là một đồng nghiệp của tôi. Hai anh em Hoàng Gia Trì, Hoàng Gia Thiện đã ghi lại một sự việc đáng buồn cười về sự tôn trọng quá mức của hai em và gia đình về người thầy. Một lần, Gia Trì vì không thuộc bài, anh đã đánh vài roi, dấu roi còn hằn rõ trên da vì da em bủng beo lắm. Sáng hôm sau, em trước, anh sau; Gia Thiện là em, dáng người thấp, nhỏ bé nhưng khôn ngoan hơn anh, hai anh em khệ nệ bưng hai con tôm hùm phải nói là to tướng ở mâm đưa lên tặng thầy. Ngày xa xôi kia, ngây thơ là ở chỗ đó, thầy cô la mắng nhưng tràn đầy tình yêu thương, và học trò e sợ, kính trọng thầy cô như cha mẹ mình. Có những em vừa học xong lớp năm đã lấy chồng vì các em đi học trễ như Nhi, Thủy…Tôi nhớ nhất là em Thủy, dáng cao lắm, khi đi tắm biển cùng thầy cô mà Thủy cứ vít vai là tôi muốn ngã theo. Có lần tôi đã kể về câu chuyện tôi suýt nữa bị đuối nước ở lòng chảo, có người ra cứu kịp, từ đó thành một đề tài để bà con ở đây chọc ghẹo suốt một thời gian, sau đó đâu cũng vào đó, người ta quên bẳng đi. 
    Mỗi mùa hè, chúng tôi nghỉ 2 tháng và trọn một tháng dành cho việc học chính trị, chuyên môn trong hè. Hai vợ chồng tôi mà mọi người thường gọi là cặp Mỹ Hiệp như Lê Uyên –Phương vậy, vì chúng tôi hay hát đôi. Không hiểu sao hồi đó tôi có giọng ca khá hay, giờ thì tôi không sức lực và niềm vui để ca hát. 
   Bốn năm dạy học dưới ngôi trường này đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó quên. Làm sao quên được, khi đứa con đầu đời mới được ba tháng tuổi, đem qua lớp dạy. Chiếc nôi treo đó cho con nằm và tôi yên tâm dạy học trò. Hai đứa học trò sinh đôi Công Dũng và Công Tuấn thật tài giỏi, những bài toán hai em làm rất nhanh bằng những phương pháp gộp vô cùng gọn nhẹ. Em Cương còn nhắc lại ngày nao em đã từng bồng con tôi, hồi đó từ mấy tháng tuổi, rồi lớn dần một, hai tuổi mấy em vẫn còn thích bồng. 
     Một sự thay đổi giữa mùa hè 1983. 
    Ai cũng khuyên tôi có cơ hội nên xin ra Tân An để dạy học, để thay đổi môi trường sống, để có cơ hội hơn. Tôi không hề nghĩ đến việc tiến thân như hồi ở trường sư phạm anh NVL khuyên tôi phấn đấu để thành công hơn. Cái gì đến nó sẽ đến thôi. Cả hai chúng tôi đều một lần ra trường tiểu học Tân An 1 để nhận công tác từ đầu năm học 1983-1984. Từ đây tôi giã từ Cam Bình, giã từ mái trường thân yêu, xin giã biệt sân chơi của các em, nơi này cô thầy sẽ nhớ mãi.
Phần.3.  NGÔI TRƯỜNG MỚI-TIỂU HỌC TÂN AN 1
       Chúng tôi ở tạm tại một căn nhà xây đối diện với trường học: trường Phước Bình. Trường tiểu học Tân An 1 có ba phân hiệu, Tân Tạo, Phước An và Phước Bình là phân hiệu chính, nằm ở giữa. Người dân ở địa phương này cũng là người từ ngoài vào, sinh sống đã lâu đời. Tân Tạo đa số là người gốc Nghệ An, Phước Bình gồm những người dân xứ Quảng Nam, còn Phước An
cũng là người Quỳnh Lưu, Nghệ An, họ theo các cha xứ vào đây theo những chương trình di
 dân.
      Ngôi nhà mới của chúng tôi là do công sức nhiều người dân Phước Bình làm giúp. Tôi lên gặp hạt trưởng kiểm lâm Hàm Tân để xin khai thác cây gỗ về làm nhà. Lúc này, cây rừng ngày càng khan hiếm, phải đi tận sâu trong rừng, núi Nhọn để tìm được các loại cây vừa ý, nhất là cây săng đá, thớ gỗ của nó chắc chắn, có thể bền lâu, ngoài ra còn có cây sơn đào, loại gỗ nó khi tươi, mủ có thể làm sưng phù cả tay chân, mặt mũi; nhưng không sao, gỗ sơn đào khô sử dụng làm đòn tay, kèo cũng cứng cáp lắm. Những thân cây to đùng được mấy con bò ì ạch kéo về, chất đống trong vườn. Anh Bốn Trình còn kể về việc con bò đói quá, gặm lấy cái nón lá của anh để quên mà ăn lấy ăn để. Có mấy chú quen thân ngày qua ngày, làm việc dưới bóng mát cây nhãn, họ cưa xẻ thân cây ra thành từng tấm ván có bản rộng chuẩn bị cho ngày làm nhà. Những cây kèo, đòn tay cũng đâu ra đó hết rồi. Ngày làm nhà, bà con đến đông phụ mỗi người một tay. Kết quả cả một công trình đầy tình nghĩa đó: chúng tôi đã có một ngôi nhà mới để ở, ngôi nhà gỗ hẳn hoi. Ngôi nhà có mái cao theo thiết kế của anh hơi ngồ ngộ, nằm khuất trong một khu đất có cây nhãn già, chỉ là vòm lá râm mát, còn trái thì chim chóc ngày đêm bay về tha đâu hết, bên cạnh còn vài cây mít của khu vườn người ta bỏ lại, ngôi nhà rất thanh vắng nhất là khi chúng tôi đi dạy. Sau này, vào mùa hè năm 1993 chúng tôi ra gần đường quốc lộ tìm mua một lô đất để xây ngôi nhà mới. Phước Bình, Tân An từ đó thành quê hương mới của gia đình tôi. Quanh
chúng tôi là những người dân hiền lành, luôn sẵn lòng giúp đỡ. 
  Học trò ở đây rất ngưỡng mộ thầy cô giáo mới. Một lần, anh đã dẫn các em lớp 5 về biển Cam Bình sinh hoạt, giao lưu với học trò trường cũ dưới rừng dương liễu để tập tành những nghi thức Đội. Văn nghệ, lửa trại đây là các hoạt động mà các em thích nhất. Vào dịp nghỉ lễ, nhà trường cho các em cắm trại ở trên bãi cát sát bờ sông Dinh( mà người ta hay quen gọi đoạn sông Bốn Nhược). Các em nam, nữ thi bơi từ bên này qua bên kia bờ sông. Đối với các em Phước Bình, Phước An thường thắng trong cuộc bơi đua vì đã từng quen nắm đuôi bò bơi qua sông dù mùa nước cạn hay nước sông dâng tràn bờ. Ôi yêu làm sao những nụ cười rạng rỡ và tiếng hò
hét đầy tự hào khi chiến thắng…




“ Vào đầu tháng ba, tháng tư hằng năm, ven làng Phước An, nơi sông Dinh chảy ngang qua, có một quãng dòng sông nước cạn khô, lộ ra từng hàng đá cuội, to nhỏ đủ hình thù, người ta có thể lội qua được bờ bên kia. Những lúc này, mấy đứa trẻ chăn bò tha hồ rủ nhau đi bắt cá. Chúng tha hồ vin những cành cây lòa xòa sát bờ sông, để mà chơi đùa, tắm mát. Người dân gọi đây là Suối Tiên và hay chọn làm địa điểm để dã ngoại, tránh nắng, những cơn nắng vào đầu mùa hè thường rất là oi bức. Mấy đứa trẻ trong xóm cũng đã nhiều lần kéo nhau qua cầu Phước An để đi hái ổi; bao nhiêu cây ổi mọc hoang ven sông là chúng vin xuống hái, bỏ đầy túi áo, túi quần mang về nhà, mặc dù ăn không được, mặc cho bị trận la mắng của người lớn.”
 “Sau này có vài năm tôi đi dạy ở Phước An, tôi về thăm nhà Võ Thị Phong Thu, Võ Thị Phong Thủy, hai chị em gái đặc biệt có đôi mắt to tròn đen nhánh. Nhà các em ở gần cuối khúc sông này. Tôi nghe em kể năm nào dòng nước lũ tràn vào đến tận nhà. Từ bãi bồi ven sông, người ta hay đến xúc cát, từng chiếc xe bò, xe công nông ngày ngày chạy đến chạy đi, cuối cùng bờ sông trơ ra những vũng sâu lồi lõm. Chạy dọc theo hai bên bờ, đất đai màu mỡ phù sa, nông dân trồng mấy vụ bắp trái mùa, hoặc trồng rau cải, bầu bí, dưa leo… Mấy nhà dân sống gần đập đá, họ trồng nhiều khoai mì trong vườn và trên rẫy. Nhà cửa ở đây cũng thưa thớt, nhà nọ qua nhà kia phải qua cả lô đất rộng, cây cối um tùm. Các em nhỏ đi học đường đến trường rất xa.”

         Có năm, tôi dạy ở Tân Tạo, có năm, tôi dạy ở ngay Phước Bình gần nhà, cũng có khi tôi đi dạy ở phân hiệu Phước An. 
Tôi và cô bạn lội bộ xuống trường Phước An. Từ nhà về trường không xa lắm. Sáng sớm, chúng tôi đi bộ băng qua rừng tràm, qua bãi tha ma vắng vẻ để đến trường cho kịp giờ. Học trò và cả người dân, phụ huynh ở đây rất chân chất, thương cô giáo và hay mời cô về nhà, có mớ khoai, mớ sắn đầu mùa là bưng lên tặng cô. Học trò là những em trai, là những em gái phải nói là dân nhà nông thứ thiệt. Các em giỏi lắm, về nhà, thả quyển sách, quyển vở là chạy vào nương rẫy hoặc xuống bãi bồi ven sông phụ giúp ba mẹ. Số học trò Phước An, Phước Bình về sau không thành công nhiều như học trò bên Tân Tạo, nhưng các em giỏi về lãnh vực khác. Ta không làm thầy, ta không làm thợ, ta về làm chủ nông trại của ta. Chắc các em có suy nghĩ như thế đó.
          Về sau, trường Tân An 1 xây dựng mới và hoàn thành năm 1988, kể từ đó phân hiệu Tân Tạo đã không còn, Phước An tách ra là một ngôi trường mới. 

       Tôi dạy tại ngôi trường này đúng là suốt 20 năm tròn từ đầu năm học 1983-84 cho đến tháng 8 năm 2003, tôi nhận nhiệm sở mới: trường Tiểu học Tân An 2, một trường có tiếng ngay giữa huyện, thị xã La Gi.

        Những ngày đầu năm học 2003-2004 có những biến cố đến làm thay đổi cả cuộc đời tôi: Tôi về trường mới, giã từ mái trường cũ dưới rừng cây bạch đàn kia và anh, một đồng nghiệp, một người trụ cột trong gia đình đã ra đi mãi mãi. Tôi một mình phải đương đầu với những thử thách mới.

                  Chiều chủ nhật 4-5-2014

Phần 4.   TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN AN 2- BỪNG SÁNG NIỀM VUI MỚI
  Một ngôi trường tại trung tâm thị xã nhưng mọi thứ đi trước về sau, nhất là bộ mặt của trường. Đây là ngôi trường được xây dựng từ lâu đời cả trước năm 1975, biết bao thế hệ đã được ngồi dưới mái trường này. Họ có những niềm tự hào vì là giáo viên, học sinh trường Tiểu học Tân An 2. 
Tôi về trường đầu năm học 2003-2004. Mọi thứ đều còn xa lạ, tôi chưa hòa nhập, vì đang còn lưu luyến trường cũ đã từng dạy học bấy lâu nay. 
Ngôi trường vẫn cũ kĩ, còn mái ngói rêu xanh trong khi các trường chung quanh đã bắt đầu thay da đổi thịt; sân trường còn những cây bàng già cỗi, thân cây sần sùi, rễ cây thì nổi gồ ghề lên cả trên mặt đất. Những mùa bàng thay lá, hình ảnh đã khiến cho những ai đứng ngắm sự thay đổi đó từng ngày mới cảm nhận được, như đi vào sâu miền kí ức khó quên. Nhìn từng chiếc lá úa vàng rơi rụng trong sân trường khi có cơn gió mạnh thổi qua; rồi khi ngước nhìn lên bất chợt thấy biết bao chiếc lá vàng, lá đỏ đã biến đâu hết và thay vào đó là bao mầm xanh non. 
Qua dần năm tháng. Tháng tư lại về…Những buổi trưa đầu tháng tư. 
“Đâu đó có tiếng gà gáy trưa trong không gian vắng lặng khiến lòng tôi chợt thấy một nỗi buồn nao nao. Trời đang chuyển mùa nên thời tiết có vẻ khắc nghiệt hơn. Tôi chờ nghe tiếng tu hú gọi báo hiệu hè về.
Một vài cây phượng ở đầu dốc đã bắt đầu trổ hoa. Những bông hoa đỏ đang có điều gì nhắn nhủ cho đám học trò vô tư đang đi trên con đường kia không nhỉ? Bài “Hoa học trò” của Xuân Diệu đã tả vẻ đẹp của tập thể phượng đông đúc trong mùa hè về; một khi trong buổi đầu một vài bông nở lác đác không đủ sức kêu gọi hè thì đến một hôm nào đó các em sẽ phải ngạc nhiên trước sự thôi thúc mạnh mẽ của mùa phượng vĩ. 
Những buổi chiều như chiều hôm nay, đều đặn, đến giờ là tôi chạy xe xuống con dốc dài về trường. Tôi ngỡ mình đi sớm nhưng không phải thế, trên sân trường đã có lác đác vài bóng dáng học trò. Tôi ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, nhìn ra sân. Gần trước cổng chỉ có một cây phượng non tuổi chưa đủ sức lớn để tỏa bóng mát. Ở đây, không hiểu sao ngày trước người ta trồng nhiều cây bàng đến thế! Mùa lá rụng khiến cho đám học trò nhỏ ngày nào cũng phải thi nhau lượm, gom bỏ vào sọt đem đổ, để bác bảo vệ phơi khô, rồi đốt. Chỉ cần một vài cơn gió mạnh thổi đến là những chiếc lá vàng úa rơi lả tả đầy cả sân trường. Giờ đây bàng đã thay lá, những chiếc chồi non li ti ngày nào giờ đã lớn dần; lá đã bằng bàn tay, rồi dần dần to hẳn như cái quạt, kết thành những tán lá rậm dày che mát cho thầy trò khi đến giờ học thể dục. Tôi chợt mỉm cười khi nhớ đến lời bài hát năm mới ra trường tôi đã từng tập cho lớp: “Mùa đông áo đỏ. Mùa hạ áo xanh. Cây bàng khi mở hội là chim đến vây quanh…”
         Một ngôi trường xưa đã hơn năm mươi năm giờ được xây dựng mới thật khang trang đúng với tầm vóc của trung tâm của thị xã. Chiếc áo cũ kĩ được cởi bỏ thay bằng chiếc áo mới. Các cô lớn tuổi đã về hưu, nhiều giáo viên mới cũng đang thay thế; bao thế hệ học sinh tiếp tục ngồi học dưới ngôi trường này. Mấy năm gần đây, những người thầy, cô giáo cũ về thăm trường khó tìm gặp những hình ảnh thân quen, họ càng nghĩ ngợi càng thấy nao lòng. 
Thời gian trôi qua, tôi đã chứng kiến sự đổi thay của mái trường và những thế hệ học sinh đã lớn khôn..
 Những buổi trưa bán trú, trong khung cảnh vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi nhẹ lao xao trong sân trường, thỉnh thoảng còn nghe tiếng chim chích bay khẽ, thật nhẹ nhàng trong vòm lá xanh.
“Giọt nắng qua hàng cây
Gió thổi lá sân trường
Hành lang trưa vắng bóng
Này bé hãy ngủ ngoan!...”


Tôi được làm việc ở đây cho đến ngày hôm nay cũng vừa tròn 11 năm. Kết thúc năm học 2013-2014 chính là lúc tôi sẽ xa trường, giã biệt ngành giáo là ngành tôi bất đắc dĩ chọn lựa bước vào cách đây 35 năm. Từ ngày đó, qua bao năm tháng tôi đã yêu nghề, tôi đã yêu người, những con người ở bên tôi, nâng đỡ, là niềm vui của tôi. Nhất là thời gian còn lại của một năm học như càng rút ngắn, gần đến ngày sắp rời xa mái trường, giã từ tất cả, thì làm sao mình không khỏi xúc động. Tôi chưa sắp đặt kĩ cho bước đường sắp đến. Đã 35 năm, một chặng đường, một quãng đời của tôi được kết thúc thật đẹp ở dưới mái trường này. Tôi yêu trường, tôi yêu những con người bên tôi biết bao. 
Một buổi trưa tháng năm, 18-4-2014


Hào hứng đi xem bắn pháo bông và cùng chiêm ngưỡng chú Vịt vàng khổng lồ Giant Rubber-30-4-14

Hào hứng đi xem bắn pháo bông và cùng chiêm ngưỡng chú Vịt vàng khổng lồ Giant Rubber