Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Mùa bão muộn




Năm nay, mùa mưa đến chậm tức là báo trước một mùa mưa bão cuối mùa sẽ đến muộn. Đến muộn không có nghĩa là những cơn bão sẽ ít đi và mức độ nguy hiểm, sự tàn phá sẽ ít hơn!
Sông Dinh là một nhánh của sông La Ngà, dòng sông này thường ngày vẫn hiền hòa, chảy xuôi dòng về cửa biển gần cầu Tân Lý, đổ ra biển Đồi Dương, Tân Long. Vào đầu tháng ba, tháng tư hằng năm, ven làng Phước An, nơi sông Dinh chảy ngang qua, có một quãng dòng sông nước cạn khô, lộ ra từng hàng đá cuội, to nhỏ đủ hình thù,  người ta có thể lội qua được bờ bên kia. Những lúc này, mấy đứa trẻ chăn bò tha hồ rủ nhau đi bắt cá. Chúng tha hồ vin những cành cây lòa xòa sát bờ sông, để mà chơi đùa, tắm mát. Người dân gọi đây là Suối Tiên và hay chọn làm địa điểm để dã ngoại, tránh nắng, những cơn nắng vào đầu mùa hè  thường rất là oi bức. Mấy đứa trẻ trong xóm cũng đã nhiều lần kéo nhau qua cầu Phước An để đi hái ổi; bao nhiêu cây ổi mọc hoang ven sông là chúng vin xuống hái, bỏ đầy túi áo, túi quần mang về nhà, mặc dù ăn không được, mặc cho bị trận la mắng của người lớn. Xa hơn một đỗi, có một đôi chỗ sâu quá đầu người, đây cũng là mối nguy hiểm luôn luôn rình rập. Thằng Đăng, mấy đứa trẻ hay gọi nó là “Đăng heo”, có lẽ vì nó mập mạp hơn so với mấy đứa khác. Thằng Đăng, sau một chuyến đi chăn bò, không bao giờ trở về nữa, vì nó đã bị ngã xuống hố nước sâu, bạn bè không thể nào cứu kịp. Tôi không thể quên được ánh mắt thẩn thờ, nỗi đau của người mẹ mất con…
Dòng sông không phải bao giờ cũng hiền hòa như thế!
Mùa mưa lại trở về và càng về sau ngày càng hung hãn hơn, ví như bao nhiêu nước mưa đổ từ trên nguồn, cây rừng không giữ nỗi đã tuôn ào ạt về biển. Một trận mưa bất ngờ cuối mùa năm 1999 đã gây nên trận lũ quét kinh hoàng.
Mưa mấy ngày đâu trên nguồn Đức Linh, Tánh Linh. Bầu trời cứ âm u, mây đen giăng kín, không thấy đâu là ánh nắng mặt trời. Rồi mưa đột ngột đổ về, càng lúc càng to dần, mưa không ngớt, mưa ngày càng nặng hạt.
 Buổi sáng, người ta vẫn đi làm, người lớn, trẻ nhỏ đều qua bên kia cầu, đi vào sâu trong rẩy. Họ trồng trọt, có kẻ lập trại để chăn nuôi bò, heo, gà và làm nhà tạm ở  trong đó. Rất đông người đánh xe bò, đi vào ngày càng xa hơn. Họ làm nghề đẽo đá, từng khối đá to được đẽo thành viên khá vuông vắn về bán cho chủ thầu hoặc chất đống trước sân nhà chờ xe đến chở. Đây trở thành nghề chính cho người dân Tân Tạo và Phước Bình, kể từ khi đất đai cạn chất màu mỡ, không còn cho họ những vụ mùa thu hoạch tốt như trước đây. Những người phụ nữ theo vào bãi đá, họ ráng sức, dùng búa để đập những tảng đá thành đá nhỏ kích cỡ bốn sáu. Mấy đứa trẻ cũng theo vào  trại để chăn bò. Vào mùa hè, công việc học hành chúng để sang một bên, phụ việc cho ba mẹ để kiếm tiền lo cho năm học mới. Dù vất vả nhưng vẫn thấy chúng thật hồn nhiên, khi nào cũng thấy đùa nghịch, chạy rượt đuổi  loăng quăng trên đường. Theo sau mấy chiếc xe là những con bò bước  đi chậm rãi. Ngày qua ngày, cuộc sống trầm lặng cứ thế tiếp diễn. ..
      Mãi đến trưa, trận mưa vẫn chưa dứt. Người ta có vẻ lo lắng khi dòng nước trên sông tuôn về quá nhanh. Lũ rồi, bà con ơi! Chẳng mấy chốc, nước đỏ ngầu sủi bọt, réo sùng sục, kéo về làm ngã rạp các bụi cây  hai bên bờ. Một số người bên kia sông lo xa, nhanh chân trở về. Ngôi nhà nằm lẻ loi gần chân cầu thoáng chốc đã bị dòng nước nhấn chìm. Vẫn còn một người đàn bà trong ngôi nhà đó.  Cây cầu gỗ khá vững chắc nay đã nằm trong biển nước. Vậy là còn nhiều người kẹt bên kia sông không trở về bên này sông kịp rồi. Mấy chiếc ca nô của huyện đã nhanh chóng lên đường, chạy ngược với dòng nước lũ cuồn cuộn. Họ tìm cách cứu người đàn bà còn trong ngôi nhà ở sát chân cầu kia. Nước lên nhanh quá, không ai trở tay kịp. Cứu được bà ta cũng rất vất vả, mấy người cứu hộ phải tìm đủ mọi cách, quăng dây vào cho đụng nóc nhà; còn người đàn bà ngồi lấp lửng trên nóc nhà, hai tay bám vào cây gỗ, đang còn run lẩy bẩy vì lạnh. Dòng nước xoáy mạnh cứ dạt sợi dây ra rất khó nhọc. Cuối cùng, họ cũng đã quăng được sợi dây, tìm cách áp sát chiếc thuyền máy để cứu được bà. Khi ca nô trở vào bờ, mọi người dân ai cũng thở phào nhẹ nhỏm, họ reo mừng. May có đội cứu hộ đến  cứu kịp chứ không thì bà cũng bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Mọi người xúm xít xung quanh, mang chăn ủ ấm cho bà. Trời cũng về chiều, rồi tối dần, hi vọng còn quá mỏng manh. Biết bao giờ trời mới hết mưa, nước rút để bà con bên kia sông trở về nhà đây? Những người thân nhấp nha nhấp nhỏm, lòng nóng như lửa đốt, họ lo lắng vì còn người thân kẹt lại bên kia bờ sông. Chỉ qua một đêm, sáng hôm sau, mọi người thức dậy sớm chạy ra xem cầu . Nước đã tràn lên cả mấy nhà đầu xóm, chiếc cầu gỗ đã bị cuốn phăng đi mất rồi,  nó trôi dạt về đâu dưới đó. Cả cây cầu sắt và chiếc cầu xây vững chắc như cầu Tân Lý cũng bị dòng lũ hung tợn cuốn phăng đi mất. Mấy ngôi nhà gần  cầu Tân Lý cũng đã bị sập đổ cả xuống lòng sông. Nước lũ đã làm gãy cầu Tân Lý, cắt đứt bên này và bên kia bờ sông, nơi cuối dòng sông Dinh, trước khi đổ ra biển Đồi Dương.
      Trên đường về La Gi, nước tràn lênh láng qua đường lộ, ngập bạc trắng cả cánh đồng Tân Thiện. Một sự tàn phá thật khủng khiếp.  Máy bay lên thẳng bay đi tiếp tế, cứu trợ cho những người còn kẹt lại tối hôm qua. Trên máy bay, người ta  thả mì tôm, vài thứ đồ ăn liền, nước uống  xuống. Đợi bao giờ nước sông rút bớt, họ mới tìm cách trở về nhà, đó là điều mong mỏi duy nhất của những người còn bên kia bờ sông.
         Rồi dòng nước hung hãn kia cũng nguôi dần cơn thịnh nộ, bao nhiêu nước đã đổ dồn ra biển Đông. Không còn chiếc cầu gỗ bắc qua sông, họ tìm cách qua về bằng cách đu trên mấy sợi dây cáp treo nối từ bên này bờ qua bên kia bờ. Đã một tháng trôi qua, phương tiện đi lại của người dân vẫn bằng cách ấy trong lúc chờ nhà nước bắc lại chiếc cầu. Chiếc cầu thường ngày là huyết mạch cho bao người dân, giờ đây họ lại càng nóng lòng chờ đợi cầu nối lại hai bờ. Cũng một buổi chiều ảm đạm, tin tức người ta lan nhanh: thằng Tiến, con trai bà Đợi, hàng xóm nhà tôi, trong lúc vượt qua sông để về,  đã bị dòng nước cuốn đi mất. Thôn xóm xôn xao cả lên vì tin dữ này. Bà con thay nhau đi dọc theo bờ sông để tìm. Ngay cả ngày hôm sau vẫn chưa tìm ra người. Tính từ quãng sông này ra đến biển độ chừng gần mười km, họ sợ trôi mất xác ra biển là không còn cơ hội. May thay, sáng sớm hôm sau, người dân ở xóm chài Tân Long bắt gặp được thi thể thằng Tiến tấp vào cồn cát ven bờ.
       Đám tang nó thật ảm đạm. Cứ ngỡ rằng lũ quét đã qua đi, không còn gì nguy hiểm, nhưng phút chốc sơ sẩy là tai họa giáng xuống. Nếu như nó chịu khó đi về xa hơn bằng con đường vòng, không liều lĩnh như vậy thì đâu có chuyện xảy ra. Con nước hiền hòa nhưng cũng có lúc thật sự hung dữ…
          Ai cũng bảo xứ Hàm Tân là vùng đất ít bị những cơn bão cuối mùa ghé qua. Thường là miền Nam ít bị bão lũ như miền Trung, nhưng có khi cũng phải hứng chịu cảnh thiên tai như cơn bão số 5 năm 1997 ở Kiên Giang.
       Năm 2006, sau một vài tuần nhập học, vào đầu năm học mới, nghe tin bão về, dự báo sẽ trực tiếp vào Bình Thuận, đổ bộ ngay Hàm Tân, làm ai cũng phấp phỏng lo sợ. Từ buổi sáng, nhà trường đã đóng cửa, cho tất cả học sinh nghỉ học. Ngay chiều hôm đó, tôi vào chở mẹ ra nhà mình, để có gì thì cũng có thể bảo vệ, lo lắng cho mẹ già. Trời tối dần, không gian im ắng lạ thường, càng về đêm thì tiết trời có vẻ oi bức hơn. Theo dự báo thì khuya nay, cơn bão sẽ  vào đến đất liền. Hơn 12 giờ khuya,  bão thật sự đến rồi. Gió bắt đầu nổi mạnh hơn. Tôi đứng trong nhà nhìn qua khung cửa kính, thấy cây cối bắt đầu lay động mạnh hẳn lên. Mưa ập đến. Những cành cây nghiêng ngã. Mưa kèm theo những tia chớp liên tục xé ngang bầu trời. Trong nhà không ai dám ngủ, cứ đứng ở cửa, lo lắng nhìn ra ngoài đường. Thời gian đêm nay sẽ trôi qua chậm chạp, nặng nề. Không biết chừng cơn bão này sẽ tàn phá những đâu, nhà mình có thoát khỏi không? Ngoài trời, mưa gió vẫn tung hoành. Ngôi nhà này mới được xây khoảng vài tháng, có vẻ vững chắc hơn trước sức mạnh của gió. Cũng may bão đi qua vùng này không  mạnh. Chúng tôi cầu mong sao cho an lành, mong trời mau sáng. Rồi gió cũng giảm dần. Khoảng gần sáng thì trời chỉ còn mưa lất phất.
     Trời sáng, ai cũng đổ ra đường xem cơn bão đã tàn phá những nơi nào. Vậy là tâm bão đi thẳng vào Bà Rịa-Vũng tàu, còn Hàm Tân nó chỉ đi lướt qua. Tuy thế mà dọc đường ven biển cũng biết bao nhiêu ngôi nhà trốc mái, cây cối đổ ngỗn ngang.
     Bây giờ vào cuối tháng Mười, cũng là mùa bão, những cơn bão đến muộn, kèm theo mưa to, gây lũ lụt ở miền Trung. Tôi thấy những hình ảnh thương tâm của đồng bào xứ mình, mà thấy đau lòng. Tại sao dân mình cứ mãi chịu cảnh thiên tai. Bao nhiêu của cải, dè xẻn bấy lâu đã bị trôi theo dòng nước. Giữa biển nước ngập mênh mông như thế, cái sống cái chết quá kề cận. Thương biết bao khi nhìn thấy những cánh tay kêu cứu từ mái nhà trổ mái. Thương  sao những bà mẹ già đứng trên mái nhà chới với.
      Lũ dồn, lũ dập như thế, mà cơn bão mạnh Megi, bão số 6 còn đe dọa đổ bộ vào biển Đông ! Hướng bão đang đổ thẳng vào miền Trung…
                                                                       Tháng 10 năm 2010
 









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.