Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Đập Đá Dựng xưa và nay



Hè năm 1978.
Tôi giã từ mơ ước bước vào giảng đường đại học. Khi bạn bè tôi mỗi người một ngã: người vào đại học, người gia nhập đoàn thanh niên xung phong, kẻ ở nhà làm nông, …trong đó có tôi.
Đập Đá Dựng là nơi mà từng đoàn người tập trung về để làm nghĩa vụ lao động đối với địa phương. Đây là một cảnh quan mà tôi chưa khám phá ra hết vẻ đẹp của nó. Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một cô gái tròn 19 tuổi, cái tuổi đang độ lớn, sức vóc để có thể khiêng từng cái ki đất cùng bạn bè, làm nốt công việc của những người đi trước còn dang dở: nạo vét hồ thủy lợi. Khu vực này ngày trước gần làng Phước An, khúc cuối của dòng sông Dinh chảy tràn qua đập Đá Dựng, rồi ra cầu sắt, dòng sông tiếp tục uốn mình một đỗi rồi chảy về cầu Tân Lý, cuối cùng cũng chịu hòa mình vào biển cả mênh mông. Dưới trời nắng chang chang như đổ lửa, mọi người làm việc, ai cũng muốn cho xong phần khoán công để chiều về với gia đình. 






Trưa vắng lặng. Không gian như cô đọng lại vì hanh nắng, bầu trời mây tản đi đâu hết. Từng nhóm người ngồi tụ tập dưới bóng cây tránh nắng và ăn cơm. Chỉ là gô cơm độn khoai nhưng ai cũng thấy no lòng, vì những năm này là năm chiến tranh biên giới phía tây nam. …Một vài đứa chúng tôi đi men theo đập đá. Nước khô cạn để lộ ra mặt đập đen sì, khô ráo, có thể men đi từ bên này qua bờ bên kia. Tuy nhiên tôi chỉ đi duy nhất có một lần, không dám thử thách lần thứ hai vì sợ đám rong rêu như níu kéo dưới bàn chân mình. Những ghềnh đá, đá chồng đá, có những hình thù độc đáo, chúng nằm trơ ra giữa dòng nước chảy. Mùa này là mùa khô, nước cạn, trong veo, có thể nhìn thấy tận đáy, nhưng không biết nơi nào đó trên lòng sông này có độ sâu nhất. Dưới những tán cây râm mát che chở cho đám người  già có, trẻ có..một giấc ngủ mệt mỏi, chỉ còn lại tiếng rì rầm chuyện trò xen lẫn tiếng chim chích. Một rừng hoa anh đào đã nở rộ qua ngày xuân. Hoa ở đây có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp hoang sơ nổi bật giữa muôn ngàn cây lá khác.  
Vùng đất La Gi cũng như những vùng ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu, hình ảnh những cây hoa đào ven đường vươn cành, đậu từng chùm hoa phơn phớt hồng giờ đây hầu như không còn nhiều. Từ ngã tư Tân Thiện chạy vào, thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy những bụi hoa đào dại mọc ven đường. Nghe đâu đó, họ sẽ cho khôi phục vườn hoa anh đào hai bên bờ đập Đá Dựng như ngày trước để tạo lại vẻ đẹp thiên nhiên gần sát ngay thị xã ngày nay. Hi vọng ý tưởng đó sẽ thành hiện thực, tương lai Đập Đá Dựng sẽ rợp bóng hoa  đào đẹp nếu có sự chăm chút của con người.
Tôi xin trích đoạn nói về lịch sử khai phá Đập Đá Dựng của anh Phan Chính:
“Sau hai năm thành lập tỉnh Bình Tuy (1957), chính quyền thời bấy giờ chọn Đá Dựng làm đập ngăn nước sông Dinh. Thời đó lá buông, cây rừng rậm rịt ở hai bên bờ sông, còn có cả cọp beo, khỉ đàn lảng vảng. Về vị trí  xây đập có lẻ ở đây sẵn nhiều đá tảng chen chân nhau đứng dựng như có bàn tay tạo hóa xếp đặt trấn giữ con sông. Địa danh Đá Dựng có từ hình tượng sống động đó.
Ròng rã cả năm trời với hàng trăm người được huy động xúc cát vào bao, chẻ đá, xây đập. Khởi đầu con đập chỉ dài 80 mét có hai cửa thoát nước để giữ độ sâu lòng hồ 6 - 7 m. Cùng lúc xây đập có dựng nhà thủy tạ trên một chân trụ, mỗi cạnh vuông 2,5 m mô phỏng theo kiểu chùa một cột ở Hà Nội. Nhưng chỉ hai năm sau bị lũ cuốn nhận chìm dưới đáy hồ. Với cảnh quan sinh  thái, cây cối bên bờ đã tạo cho Đập Đá Dựng vừa hoang sơ vừa thơ mộng. Cũng từ cơn lũ trước đó, bờ sông tả ngạn bị nước khoét sâu hàng chục mét mở đường chảy rộng ra và đập phải kéo dài thêm cho đến bây giờ. Gành đá thiên nhiên ở đất liền trở thành một cù lao độc đáo, hang hóc đan xen cùng dây leo và cỏ dại. Vị trí đẹp này có đắp một tượng sư tử và bắc qua chiếc cầu làm dáng cho người ngoạn cảnh bên bữa ăn píc-níc giữa một không gian đầy "âm vang thác đổ" và chim chóc líu lo. Nương theo vài chục bậc thang bên cửa đập có tượng"long ngư" đang vượt vũ môn đẫm mình trong bọt nước trắng xóa tung tóe.
Công trình Đập Đá Dựng với ý tưởng dẫn nước về hai cánh đồng, trừ Tân Lý (Tân Bình) còn phía Tân Thiện lại gặp địa hình cao nên tác dụng thủy lợi không mang được hiệu quả gì. Nhưng, bù vào đó đã biến nơi này thành một cảnh quan hài hòa. Trước đây, bờ hữu ngạn có vườn cây hoa đào đến gần tết rộ hồng cánh phấn đẹp như hoa đào xứ Nhật. Nhiều cuộc hội trại của giới trẻ, học sinh thường chọn nơi đây để sinh hoạt, vui chơi.
Xưa thì hoang dã, đìu hiu nhưng bây giờ đập Đá Dựng nằm cách trung tâm thị xã La Gi chưa đầy cây số, bên đường giao thông mà còn giữ được cái hồn của đá núi, của suối ngàn. Mùa mưa xuống, thác nước dội lên những tảng đá ngổn ngang như để chắt ra dòng nước ngọt ngào hòa vào hạ lưu sông Dinh trước khi hóa thân về với biển cả. Đập Đá Dựng biến đổi cái dáng vẻ theo mùa. Vào mùa khô, nước sông chảy cạn thì bãi đá lại sinh nở thêm nhiều để  nằm phơi mình trên đáy sông lấp lánh cát vàng. Đêm trăng sáng, những cặp tình nhân ngồi bên bờ đập mà quên chuyện riêng nhau, mải miết rung động trước ảo ảnh lung linh dáng hình tiên nữ của huyền thoại lúc hiện ra bên kè đá, lúc lấp loáng ở mặt hồ và trôi theo thác đổ. Càng về khuya lời ru thêm réo rắt, nghe chừng như chỉ có từ một cõi rất xa...
Sau này đập được nâng cấp, sửa chữa chủ yếu làm hồ chứa nước sinh hoạt cho vùng dân cư trung tâm của thị xã, nên xóa dần đi vẻ hoang phế đã phải thăng trầm với thời gian.”
     Đúng là đập đá đã thăng trầm với thời gian. Không biết bao giờ nó mới phục hồi được vẻ đẹp như xưa kia. Nếu tính từ đầu năm 1978 đến nay đã là 35 năm trôi qua, ngay như tôi, kể từ những ngày tháng cam go lao động, tôi đã không một lần ghé qua đây. Sau này có vài năm tôi đi dạy ở Phước An, tôi về thăm nhà Võ Thị Phong Thu, Võ Thị Phong Thủy, hai chị em gái đặc biệt có đôi mắt to tròn đen nhánh. Nhà các em ở gần cuối khúc sông này. Tôi nghe em kể năm nào dòng nước lũ tràn vào đến tận nhà. Từ bãi bồi ven sông, người ta hay đến xúc cát, từng chiếc xe bò, xe công nông ngày ngày chạy đến chạy đi, cuối cùng bờ sông trơ ra những vũng sâu lồi lõm. Chạy dọc theo hai bên bờ, đất đai màu mỡ phù sa, nông dân trồng mấy vụ bắp trái mùa, hoặc trồng rau cải, bầu bí, dưa leo… Mấy nhà dân sống gần đập đá, họ trồng nhiều khoai mì trong vườn và trên rẫy. Nhà cửa ở đây cũng thưa thớt, nhà nọ qua nhà kia phải qua cả lô đất rộng, cây cối um tùm. Các em nhỏ đi học đường đến trường xa lắm.
…Có dịp về Tân Long hoặc đi vùng Tân Tiến, Tân Hải, khi đi qua chiếc cầu sắt cũ kĩ, tôi phải chạy chậm qua từng miếng ván gỗ vì sợ ngã xuống cầu. Dừng xe ở đầu cầu, tôi nhìn về phía xa kia là đập đá vẫn có thể thấy được dòng thác nước tuôn từ trên cao xuống chân đập. Tết năm nay, chiếc cầu sắt đã được thay thế bằng cây cầu bê tông vững chắc. Khi chạy qua chiếc cầu rộng thênh thang, tôi mới cảm nhận được sự vui mừng của bà con mình khi cầu hoàn thành như thế nào. Một buổi sáng, tôi cùng nhóm học bổng về thăm em Võ Thị Kim Như, nhà gần dưới chân cầu. Dốc cầu cao quá, tôi không thể chạy xe xuống được, đành phải gởi xe lại, đi bộ một quãng xa để xuống nhà em. Nhìn lên, thấy chiếc cầu mới cao hơn cả dãy nhà dân ở hai bên đường. Đường cầu vẫn chưa hoàn thiện, chỉ trong một thời gian nữa thôi, hai bên sẽ có hai con lươn để xe cộ chạy lên xuống dễ dàng.
          Chiếc cầu mới mang cả ước mơ của người dân La Gi, nhất là dân Tân An, Tân Bình.  Chắc chắn nó  sẽ mang cái tên Đập Đá Dựng, như tên của con đập. Cầu đã xây xong, nối liền hai bờ, không còn cảnh cầu sắt đen đũi đã bị cuốn theo dòng nước lũ vào một ngày gần cuối năm 1999, không còn cảnh người người đi qua cầu phải chạy chậm để tránh nhau. Có người nói cho vui: phải đặt tên cầu là cầu bà Thọ(Phùng Thị  Thọ, chủ tịch thị xã, từ ngày lên chức có công vận động tỉnh để được cấp kinh phí xây cầu nhanh chóng). Cầu mới đã có, con đường mở rộng cho ngành du lịch, cho từng đoàn người nô nức về lễ hội Dinh Thầy Thím vào dịp rằm tháng chín. Đây cũng là lúc Đập Đá Dựng cần được chỉnh tu bộ mặt, trồng thêm những vườn hoa anh đào, để mùa xuân đến hoa đào lại khoe sắc.
                                                                           Tối 31-3-2013
                                                                            Đinh Thị Hiệp
         *Chiều hôm qua, 2-6-2013. tôi chạy lên cầu mới. Tấm bảng mang tên cầu: "Cầu Đá Dựng" như đập vào mắt tôi. Tôi không khỏi vui mừng khi chạy qua trên cây cầu cao, rộng thênh thang. Dân tôi đã đổi đời từ khi có cầu mới, nhịp cầu thông thương giữa hai bờ. Gần cầu, có khu đất mới chuẩn bị cho khu dân cư Hoàng Diệu(kho lương thực cũ). Mai đây, nơi này sẽ sầm uất, gần chợ, bệnh viện, trường học. La Gi ngày càng đổi mới. 

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Chuyện của một ngày




Đồng hồ vẫn để ở chế độ báo thức:5 giờ 30 nhưng khi chuông điện thoại réo vang thì theo thói quen, tôi liền tắt máy và điều chỉnh hẹn lại giờ. Đúng 6 giờ tôi dậy và mở radio, nghe tin tức đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là niềm vui của tôi, sao mà  khi có con bé út ở nhà nó khó tính thế không biết, nó kêu mẹ tắt đài cho nó ngủ. Có hôm, bà chị lên thăm cũng vậy, hình như không chịu nổi âm thanh của cái loa radio thì phải. Theo tôi, nghe để nắm bắt thời sự, để kịp hòa nhập vào nhịp điệu cuộc sống chứ. Chị tắt máy cái rụp làm tôi cụt hứng. Đó là buổi chiều sau khi tan học về, khi tôi vừa về đến nhà thì chị ghé thăm, chuyện đó làm tôi cứ nghĩ mãi.Có phải tôi quá già cỗi hay tính chị quá khó, không cảm nhận được nhu cầu tinh thần thiết yếu, đơn giản của người khác.Chỉ tiếc là còn thiếu một ấm nước trà nóng hổi buổi sáng sớm là tôi trở thành một bà cụ mặc dù chỉ mới U 50. Có hôm, lúc trời choạng vạng, một người bạn nhắn tin , hỏi tôi đang làm gì. Tôi liền bảo sắp đi tưới cây. Người bạn đó bảo tôi sao giống ông già, vui thú điền viên thế…
Tôi tập mấy động tác thể dục cho khỏe người. Nếu như mà không chịu khó tập luyện thì giờ này tôi đã bị cái bệnh viêm khớp vai nó hành và phải chịu phẩu thuật rồi. Tội là do tôi ngồi làm việc vi tính hoài nên thỉnh thoảng cái cổ cũng hơi mỏi. Bác sĩ khám bệnh cho tôi chính là đứa học trò của tôi.
        Ngày tôi bồng đứa con đầu lòng đi dạy, là lúc cậu ta và đứa anh em sinh đôi  cùng là học trò của tôi. Cậu bác sĩ tuyên bố là cô phải lên Sài Gòn để mổ, kéo xương vai ra, có y tá bày cho cách tập luyện. May thay là tôi  vừa uống thuốc bổ xương khớp vừa có tính kiên trì  tập thể dục, vả lại trời thương nên hầu như cái bệnh viêm khớp nó như tan biến đâu mất. Trường tôi xây lầu, khuôn viên trường rộng rãi, muốn đi thăm các lớp phải đi lên xuống lầu ; tôi lại thấy thích đi lại hằng ngày như thế để vận động tay chân.
Tôi cũng pha một ly cà phê như ai chứ, không kịp uống đâu, tôi đem theo lên trường uống cho vui. Tôi còn không kịp ăn sáng ở nhà, cũng chỉ vì cái tội dậy trễ. Ở một thân một mình kể ra cũng có cái thoải mái, nếu khi nghe điều này chắc ba đứa con gái của tôi sẽ la làng mẹ.
Tôi chạy xe xuống dốc. Chiếc xe bán bánh mì thứ nhất đã hết, người ta đóng cửa.. Đến quán thứ hai ở ngay gần trường, sao cô bán hàng chảnh thế, không chịu ra, thì thôi vậy, tôi tạt vào thúng xôi của cô bán hàng chuyên bán cho học trò, mua một gói nhỏ vài nghìn. Vì không có thời gian nên đành chấp nhận, hẹn buổi sáng chủ nhật sẽ thong thả bên tô bún bò Huế lai Quảng Trị ở gần chợ Cam Bình vậy. Cả  trường đã tập thể dục buổi sáng xong, học trò đã vào lớp, trả lại không gian khá vắng lặng trên sân. Mấy hàng cây me tây giờ cao lớn, bắt đầu có sức tỏa bóng mát, che nắng cho học trò giờ ra chơi. . Khi tôi đi một vòng lấy hết sĩ số học trò bán trú thì cũng 7 giờ rưỡi. Nắng sớm ban mai khá chói chang, trời hầm quá, không biết khi nào trời mới đổ một cơn mưa, cho mặt đất mát mẻ hơn. Hết tiết học, học trò từng lớp lại xếp hàng tiếp tục đến học lớp tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mĩ thuật và thể dục…Đám trẻ bây giờ sung sướng, học tập đầy đủ tiện nghi, không như đám học trò ngày xưa.Trống báo hiệu giờ chơi vừa dứt, tiếng ồn ào vang lên cả một góc trường; đám con trai phụ nhau đẩy chiếc xe, là thư  viện di động, ra gần gốc cây, thế là tha hồ bạn trai, bạn gái chuyền tay nhau đọc những quyển truyện tranh, vài quyển sách khoa học tìm hiểu về thế giới tự nhiên…Giữa sân, gần cột cờ, có một cậy phượng lẻ loi, tuy ôm ốm, khẳng khiu  nhưng đã ra thật nhiều đóa phượng hồng báo hiệu hè sắp về.
Đúng giờ tan trường, đa số học trò ra về, là lúc tôi cùng mấy cô lo cho học trò ở bán trú. Khâu vệ sinh, ăn ở của các em khi nào cũng được nhắc nhở. Tôi cũng có lần được phân công xuống nhà hàng kiểm tra khâu chế biến thức ăn. Việc vệ sinh an toàn thực phẩm thì khỏi lo vì chủ nhà hàng này là một người có tính kĩ càng, thậm chí là khó tính, điều đó ai cũng thấy, nhất là mấy người làm công hay nói với tôi. Trưa của ngày cuối tuần và cũng là ngày cuối tháng ba. Mấy em nhỏ đã đọc trên thực đơn của phòng ăn, vậy mà cứ chạy theo níu áo tôi, hỏi Trưa này liên hoan hở cô. Đúng là liên hoan thật, món cánh gà chiên, xôi đậu phụng dừa, bánh bao, súp măng cua…Chà, học trò 5 lớp xếp hàng mà cứ nhong nhóng vì mùi thơm của gà rán, bánh bao chiên. Tôi thì nhìn thấy ngán vì mùi dầu mỡ, vả lại giờ ra chơi, khi mấy cô tổ trưởng lên hỏi chuyện cũng là lúc tôi vừa mới ăn sáng xong, chỉ là gói xôi đậu đen nho nhỏ.. Đúng là Con mắt to hơn cái bụng, mấy em nhao lên như vậy, nhưng mới ăn một chút là đã la ngán rồi. Tôi liệu đường bày cho các em để dành bánh bao lại, ngủ dậy, uống sữa, ăn. sau. Cầm cái nồi I nóc sáng choang, tôi đi một vòng, là đầy nồi ngay, em nào cũng xin gửi lại cái bánh bao, chưa hề sờ đến.
Tháng ba, tháng tư bao giờ thời tiết cũng oi bức. Một giấc ngủ trưa thật đẫy… Dọc hành lang vắng lặng, chỉ còn nghe tiếng gió lay nhẹ trên vòm cây. Một vài làn gió mát thổi nhẹ len vào gian phòng. Cả cô và trò ai cũng thấy dễ chịu, rồi sau ba tiết học chiều, các em học trò của tôi lại về quây quần bên gia đình.
Tôi  về nhà trời đã sẫm tối, cũng gần 7 giờ. Hàng điện đường đã lên tự hồi nào. Buổi tối, tôi thấy người thật thoải mái, như trút hết gánh nặng công việc ở trường lớp. Tôi gọi điện cho con và thấy như gần gũi chúng mặc dù khoảng cách xa xôi hơn cả vài trăm cây số.
Đêm nay, tôi sẽ ngủ ngon và hi vọng giấc ngủ không mộng mị…
                                                      Tối 29-3-2013
                                                     Đinh Thị Hiệp


Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đọc và suy ngẫm




LỜI HAY Ý ĐẸP
èĐừng yêu người làm trái tim bạn tổn thương và đừng làm tổn thương trái tim người bạn yêu.
èĐừng chia sẻ nỗi buồn của mình với người không bao giờ sẻ chia nỗi buồn của họ với bạn.
èNhững người bạn tốt thật khó tìm, càng khó hơn để rời xa và không thể nào quên được.
èRất nhiều người đi qua cuộc đời bạn nhưng chỉ có những người bạn thật sự mới để lại dấu chân của họ trong trái tim bạn.
èTình bạn thực sự không bao giờ kết thúc, nó sẽ tồn tại mãi mãi.
èCon người cảm thấy cô đơn bởi vì họ xây những “bức tường” thay vì xây những“ cây cầu”.
èNếu ta không có khả năng tìm được bình yên trong chính chúng ta thì cũng sẽ không tìm được ở nơi nào khác.
èThay đổi từ trái tim là thay đổi tất cả.
èMỗi người chỉ sống một lần nhưng nếu sống đúng đắn thì một lần là đủ.
èThế hệ này trồng cây, thế hệ sau cũng được hưởng bóng mát.


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Tản mạn về Hạnh ngộ Nguyễn Hoàng Hàm Tân-La Gi xuân Quý Tỵ



Mùa xuân là mùa khởi đầu tốt đẹp của một năm, cũng là lúc đến hẹn lại lên: các cuộc gặp gỡ thân tình của các thầy cô và bao thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế…
Kể từ lần các thầy cô và đồng môn về họp mặt, mừng thọ thầy Lê văn Quýt tại nhà hàng Hợp Phố, Hàm Tân cho đến khi thầy mất đi, cây đại thụ Nguyễn Hoàng giờ đã đi vào cõi vĩnh hằng; thời gian cứ vô tình trôi qua mà ban liên lạc thì mỗi người mỗi nơi, ai cũng bộn bề lo toan cuộc sống. Câu hỏi đặt ra đối với những người có tâm huyết, muốn nhóm lên ngọn lửa thiêng, luôn nhớ về trường cũ: làm sao phải tổ chức được một buổi hội ngộ ngay tại quê nhà Hàm Tân-La Gi vào một ngày đầu tháng giêng xuân quý Tỵ?
(Tôi chỉ là một người được chứng kiến và ghi nhận lại việc làm đáng quý của anh Trương Tuyến và ban liên lạc cựu học sinh Nguyễn Hoàng Hàm Tân-La Gi)  
Tôi được biết anh Tuyến trên một chuyến đi vào Sài Gòn họp mặt sau Tết năm 2009, tại nhà hàng khách sạn Thanh Đa. Anh là một người tận tình, luôn chăm lo cho thầy Lê Văn Quýt từ khi đón thầy lên xe, suốt cuộc hành trình từ Hàm Tân vào đến Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ dáng thầy dong dỏng cao, khỏe mạnh chạy chiếc xe đạp ra đầu ngõ. Thầy rất tinh tường mặc dù tuổi đã cao; thầy nghe không được rõ lắm, nên anh Tuyến bảo chúng tôi phải nói to lên. Sau này, một lần nữa, trên chuyến xe đưa thầy và chúng tôi lên họp mặt ở Ngãi Giao, Bà Rịa Vũng tàu, anh Tuyến có ý định khi trở về sẽ đưa thầy vào khu sinh thái nước nóng Bình Châu. Thấy sắc mặt thầy có vẻ mệt mỏi, anh tinh ý  thay đổi hành trình để thầy nhanh chóng về nhà nghỉ ngơi. Đây cũng là chuyến đi lần chót của thầy, chỉ mấy ngày sau, thầy trở bệnh và bệnh ngày càng trầm trọng. Trong những ngày cuối đời của thầy, anh Trương Tuyến và anh Mượn…là những người luôn kề cận bên thầy, cho đến khi thầy qua đời…
Nếu không có những bàn tay góp sức thì làm sao mà công việc tổ chức thành công được. Có thể anh Tuyến trằn trọc, suy nghĩ về điều này và tâm tư  với các anh ở khu vực Hàm Tân trước. Việc định ngày họp mặt, in và gởi giấy mời, khâu tổ chức, người giới thiệu chương trình…biết bao nhiêu chuyện rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Anh Tuyến có cố vấn là thầy Thái Tăng Đính, còn có anh Nguyễn Lam, anh Mượn, anh Nguyễn Thiên; ở La Gi, có anh Phạm Hải, anh Thái Mạnh Hoài và một số anh chị em trong ban liên lạc ở các khu vực gần đó như Tân Hà, Tân An, Phước Hội, Tân Phước, Sơn Mỹ có thể kêu gọi để mỗi người đóng góp một tay …Cặp học sinh Nguyễn Hoàng Phạm Hải và Phan Thị Liễu rất tích cực; nhà anh chị như là trung tâm của Hàm Tân-La Gi, là nơi nhóm họp, để bàn việc củng cố lại ban liên lạc Nguyễn Hoàng Hàm Tân-La Gi.
Nhìn thấy anh chạy đi chạy lại như con thoi, bận rộn vì công việc nên chị em tôi đều hứa với nhau nhiệt tình hợp tác với anh.  Anh chuyển về bao nhiều quyển Hương Quê Nhà, Chân Dung Và Kỷ Niệm, chúng tôi hầu như mua hết và còn giới thiệu cho bạn bè. Tôi bảo với bạn mình cứ để dành đó, đọc từ từ, sau này về già rảnh rang đem ra đọc, có thời gian suy ngẫm về cuộc đời.
Vào một sáng chủ nhật đầu tháng chạp, anh Tuyến gọi điện mời về họp ở nhà anh Phạm Hải. Chỉ còn độ vài ba tuần nữa là đến Tết, đi đâu cũng thấy không khí Tết rộn ràng nhưng vui nhất có lẽ là nhà anh chị Hải-Liễu. Anh Hải mới đi một chuyến du lịch qua Mỹ vài tháng, trông anh có vẻ thỏa nguyện lắm.  Anh chị đãi khách với món ăn ưa thích của dân Quảng Trị mình: bánh ướt thịt heo. Khách mời có thầy Thái Tăng Đính, các anh: Trương Tuyến, Nguyễn Thiên, Nguyễn Lam,…chị Nguyễn Thị Quảng Trung, Vân ,..và tôi. Tôi ở nhà mẹ mình về trễ, ghé vào sau, biết thầy và các anh vừa họp xong, trưởng ban liên lạc là anh Tuyến, các thành viên khác đều rải rác các khu vực quanh đó. Ngày tổ chức họp mặt gọi chung Hàm Tân-La Gi là ngày 29 tháng giêng, tức ngày 10 tháng 3, sau ngày họp Sài Gòn một tuần. Các anh nhắc đến anh Phụng, NH Hàm Tân, nhà ở Sơn Mỹ, anh ấy đang bị bệnh; không ai bảo ai đều đồng lòng vượt con dốc cao Sơn Mỹ thăm người bạn cố tri. Nhìn lại thấy người nào đầu tóc cũng bạc trắng hoặc pha lẫn muối tiêu, tôi nghĩ thầm Ông Trời còn cho sức khỏe, trái tim mỗi người  còn đập thì đôi chân cứ đi, đi mà gặp gỡ bạn bè. Cứ hai người đèo nhau trên một chiếc xe, chạy chầm chậm vượt dốc giữa trời nắng gió chang chang. Vẫn là những chiếc xe máy cũ kĩ, vẫn là những chiếc áo khoác bạc màu đủ để che nắng, che bụi đường nhưng các anh chị già của tôi vẫn tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình.
          Lại nữa một sáng sớm chủ nhật sau Tết; tôi nhận được điện của anh Trương Tuyến, báo tin sẽ có cuộc họp ở nhà anh Phạm Hải, chuẩn bị chính thức  cho hội ngộ lần thứ 5 tại Suối Dứa, khu sinh thái mà nơi đây đã diễn ra 2 lần họp mặt; tôi nhớ không lầm thì đầu xuân năm 2007 và năm 2009. Sáng sớm, anh Tuyến một mình chạy xe từ Tân Hà về đến Tân Long, đến nhà chị Thanh Thu để chuyển thư mời và đưa mấy tập sách Hương Quê Nhà; sau đó anh chạy ngược về nhà anh Hải tận Tân Phước. Đường đi thật xa xôi, thật khó đối với một người đã có tuổi như anh. Tôi chạy ra La Gi, ngang qua nhà anh Hải, chưa thấy ai về họp, chỉ thấy một số thợ đang tụ tập làm nhà sau. Ra gần đến ngã tư, nhác thấy dáng anh Tuyến đang chạy ngược đường, tôi bấm còi nhưng anh không để ý. Tôi vội dừng lại bên đường, điện thoại cho anh và bàn về việc chuẩn bị ẩm thực và hứa sẽ đưa tất cả thư mời đến nhà các cựu học sinh NH ở khu vực Tân An. Anh Tuyến đã gởi lại cho tôi một xấp thư mời ở nhà hàng xóm và căn dặn phải trao tận tay cho tôi. Anh thật chu đáo, bì thư ghi rõ tên từng người nhận và mời cả vợ hoặc chồng của đồng môn Nguyễn Hoàng. Thiệp mời được in rõ đẹp. Tôi chụp hình hai mặt thiệp, gởi lên facebook và mail cho anh Đoàn Phú để chuyển đi cho nhiều bạn bè. Hi vọng qua phương tiện thông tin này sẽ loan báo tin họp mặt Nguyễn Hoàng Hàm Tân-La Gi.
          Tôi chọn thời gian và lộ trình để đi đưa thư, làm liên lạc viên của NH. Số thư còn lại sau khi gởi các anh chị, bao giờ tôi cũng để sẵn trong cặp. Đó là một buổi chiều cuối tuần, sau giờ tan học, tôi chạy xuống dốc, rẽ vào con đường đất đỏ, gồ ghề cạnh giáo xứ Đồng Tiến để chạy ra đường Ngô quyền. Nhà đầu tiên tôi đến là nhà thầy Lê Văn Phượng. Khuôn viên nhà thầy thật đẹp, rộng rãi, thoáng mát, có những chậu kiểng trước sân lúc nào cũng được bàn tay người chăm chút. Có thể lúc thầy Phượng ra trường dạy Nguyễn Hoàng, tôi học lớp 6, hoặc lớp 7 ở phân hiệu nữ nên không biết thầy. Vợ thầy là cô Phan Thị Kim Cúc, giáo viên trường tôi. Hai thầy cô đều đã về hưu, ở nhà vui thú điền viên và chăm sóc con cháu. Thầy Phượng ngày trước là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại địa phương, mấy năm nay, thầy tham gia hoạt động xã hội rất tích cực, còn là hội trưởng hội khuyến học thị xã La Gi. Từ giã hai người, tôi còn đi tiếp đưa thư cho nhà anh Tuấn, anh Lê Núng và thầy Nguyễn Hiền(nguyên là thầy trưởng phòng của tôi). Về nhà, trời vừa sắp tắt nắng. Tôi thấy vui vì hôm nay mình đã hoàn thành nhiệm vụ anh Trương Tuyến giao phó.
Trưa thứ bảy ngày 9 tháng 3, tôi đang ở Đất Lành, một khu resort ven biển Tân Tiến, gần  thị xã, tôi được anh Tuyến và chị Quảng Trung báo về họp ban tổ chức, chuẩn bị cho ngày mai. Tôi bỏ dở cuộc vui “Hậu 8-3” cùng các đồng nghiệp, về dự họp cùng các anh chị: anh Hoài, anh Thiên, anh Hải, chị Lương, Thuận…  . Tôi nghe nói đoàn Sài Gòn về từ trưa, các anh chị đi chơi đây đó và đang nghỉ ở nhà khách Suối Dứa. Chúng tôi sắp xếp bàn ghế, trang trí hội trường. Anh Tuyến đã chuẩn bị từ chương trình, phù hiệu, đặt hoa, khâu ẩm thực, nước uống, nhờ gọi thợ chụp hình…Anh phân công việc cho mỗi người; chúng tôi đóng góp thêm ý kiến cho khâu tổ chức, dặn sáng mai mọi người về đây thật sớm để đón khách; anh  không quên căn dặn về trang phục cho buổi lễ thêm phần trang trọng. Hi vọng ngày mai sẽ là một ngày thật đông vui, gặp gỡ  nhiều thầy cô, bạn bè ở khắp nơi về.
Ngày 10 tháng 3
Tôi chạy xe về Suối Dứa sớm  nhưng thấy các anh Tuyến, Lam …từ Hàm Tân đã có mặt trước. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, tươi cười. Hơn tám giờ đã có NH về, các anh chị gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hội trường rộng có thể chứa số lượng người về thật đông tuy nhiên số người về hội tụ  chỉ được một phần, đó cũng đúng như dự đoán của ban tổ chức. Thầy cô ít người về tham dự do đường đi lại quá xa. Các học sinh Nguyễn Hoàng thân quen đã từng đi dự giao lưu ở các nơi như anh chị Phúc, Hoàng Hoa Đồng Nai; anh Nguyễn Văn Trị, anh Đỗ Việt Hoài, Hương Quê Nhà, anh Lê Quý Phi… tốp ca nữ có các chị Liên, Chung, Phi,… Sài Gòn; Đỗ Thị Quảng, ca sĩ Bê,…;  anh Nguyễn Văn Lộc và chị Hương, bà xã của anh ở Phan Thiết; Bạn bè tôi chỉ có ba đứa: Vân, Thương và tôi, các bạn ở Sài Gòn, Ba Tô, Bình Phước không về vì vừa rồi đã gặp gỡ đông đủ ở Sài Gòn. Anh Trị về khá sớm; trông anh thật nhanh nhẹn cũng thật vội vã như có lần tôi  thấy anh xuất hiện trễ ở buổi tối tiền hội ngộ Tích Tường; anh nói bắt xe Phan Thiết, về ngang ngã ba 46, đi xe bus vào cho  kịp. Ấn tượng đối với tôi nhất là hai chị khoảng U 60 mới đi vào, thân mật chào hỏi chúng tôi và hỏi những thể lệ đóng góp. Chị Nhi, là dâu Nguyễn Hoàng, chồng của chị là anh Tá, ở Tân Hà, Hàm Tân; anh đã mất hơn một năm nay, chị buồn lắm, các con chị nói với mẹ: “Me cứ đi chơi đây đó cho khuây khỏa.” và tạo điều kiện cho chị đi họp mặt hè vừa rồi ở Quảng Trị. Chị còn khoe với chúng tôi là vừa mới đi du lịch ở Thái Lan về và đem cả album hình cho xem. Tuy chị tỏ ra vui vẻ nhưng tôi đọc được trong ánh mắt chị một nỗi buồn khôn tả: giá như những giây phút này có anh nhỉ! Chúng tôi cho nhau số điện thoại để sau này liên lạc. Trưa, mọi người vào bàn, là lúc chị tôi, Đinh Thị Minh Tâm, ở Phan Thiết cũng vừa vào. Chị là bạn thân  cùng khối của chị Phan Thị Liễu, Thanh Thanh, Ngọc Thanh…học với nhau  từ lớp 6 đến lớp 9. Tôi còn nhớ rõ mấy tấm hình các chị chụp, e ấp bên khóm hoa, trong vườn chùa sư nữ năm nào. Chị Tâm bận rộn với công việc buôn bán, là một thương gia có hạng ở chợ Phan Thiết, công việc gia đình làm chị không có dịp đi đây đó , vậy mà khi chị Liễu, tôi gọi, thúc dục, chị cũng tìm cách, sắp xếp vào họp mặt.
Vậy đó, biết bao nhiêu chuyện vui, buồn về những con người Nguyễn hoàng.
“Dù cho tung cánh muôn phương
          Ơn thầy nghĩa bạn, tình trường chớ quên.”
Tôi xin trích dẫn thông tin của anh Đoàn Minh Phú gởi bằng email đến các thầy cô và đồng môn, đây cũng là phần kết của bài viết của tôi:
“Ngày 10/3/2013 (nhằm ngày 29/giêng/Quý Tỵ) Nguyễn Hoàng Bình Thuận đã tổ chức họp mặt xuân Quý Tỵ tại khu du lịch  Suối Dứa-La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận. Số lượng tham dự trên 100 người (104 người).
Buổi họp mặt vinh dự đón tiếp quý Thầy: Thái Tăng Đính, Cao Xuân Yên, Lê Văn Phượng.
Các đoàn Nguyễn Hoàng của các tỉnh thành: Bà Rịa Vũng Tàu. Đồng Nai và Sài Gòn.
Ngoài ra có NH Thái Thị Thanh Thủy con gái Thầy cố Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Thái Mộng Hùng, Đà Nẵng vào. NH Trương Thị Phương ở Mỹ về. NH Kim Hồng ở Phan Rang...
Đoàn Nguyễn Hoàng ra Hàm Tân từ ngày 09/3/2013. Đã đến dâng hương trước di ảnh của Thầy Lê Văn Quýt. Một nghĩa cử tri ân và cầu nguyện mà đoàn Nguyễn Hoàng Sài Gòn luôn thực hiện đối với quý thầy cô đã ra đi miên viễn khi đến một địa phương nào đó mà có quý thầy cô Nguyễn Hoàng nằm xuống!
Nguyễn Hoàng Sài gòn và Nguyễn Hoàng khắp nơi đã góp mặt lời ca tiếng hát với Nguyễn Hoàng Bình Thuận để buổi họp mặt thêm vui nhộn. Không khí thật là ấm áp.
NH Trương Thị Phương đã tặng cho NH Bình Thuận 16 quyển sách Hương Quê Nhà, nhằm hỗ trợ những đồng môn không mua được Hương Quê Nhà
Buổi họp mặt được đánh giá thành công tốt đẹp”


Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Hạnh ngộ Nguyễn Hoàng Bình Thuận xuân Quý Tỵ_10-3-2013(Tại khu sinh thái Suối Dứa, La Gi, Bình thuận)



Anh Hải - anh Nguyễn Lam 

 Anh Hải-anh Trương Tuyến

 Anh Hải-Trương Tuyến-Nguyễn Lam, x

Anh Nguyễn Minh Tạc - chị Lan, phu nhân



 Châu Thị Thương(NH 70-75)

 Anh Mượn

 chỉ có hai bạn Thương-Đinh Thị Hiệp 

Thầy Thái Tăng Đính-thầy Lê Văn Phượng

Các anh chị từ xa về, tay bắt mặt mừng

Lữ Thị Thuận(NH71-75), Vân(70-75), chị x(nghe nói mới đi du lịch Thái Lan về, có mang theo album hình cho mọi người xem) , chị bạn X. 

Các anh chị từ Sài Gòn về

Anh Hải, Nguyễn Thiên, Thái Thị Lương, Lữ Thị Thuận

Hai chị X, X trước ống kính: oai ghê chưa!



Chị Nguyễn Thị Thanh Thu, đằng xa là Lê Thị Túy
(chị Nguyễn Thị Quảng Trung, bệnh đột xuất, không đi dự họp mặt được, tiếc thật!)

Chị Lê Thị Túy trên đường đi vào

Chị Nguyễn Thị Thanh Thu

Hai chị em Thanh Thu- Đinh Thị Hiệp

Thầy Thích Lệ Nhân, Phạm Hải(bạn bè NH 65-72)

Anh Thái Mạnh Hoài(MC, sẽ thủ chương trình) -Thầy Thích Lệ Nhân-anh Hải, anh Thiên

Thầy Nhân-anh Hải


Liễn hoa của Nguyễn Hoàng Sài Gòn+Hương Quê Nhà tặng Hạnh ngộ Nguyễn Hoàng La Gi lần thứ 5

Liễn hoa của Đồng Nai tặng chúc mừng họp mặt

Hoa của Bà Rịa-Vũng Tàu tặng ngày gặp mặt





Nguyễn Văn Lộc,chị Hương( phu nhân), chị Thanh Thu

Anh Thái Mạnh Hoài bắt đầu vào chương trình







Anh Nguyễn Văn Trị, đại diện đoàn NH Sài Gòn, tặng quà và hoa



Anh Phúc, đại diện đoàn Đồng Nai tặng hoa















Chị Đoàn Hoa, chị Trương Thị Phương(USA về, người đã có món quà tặng anh em NH La Gi: 16 quyển Hương Quê Nhà)




Vân, Thương(NH70-75)



Các chị góp vui bài hát: Sài Gòn đẹp lắm!
(Dân Sài Thành ai cũng đẹp hí)
Thầy Lê Văn Phượng, thầy Cao Xuân Yên, thầy Thái Tăng Đính 
(Kỳ này các thầy cô vì sức khỏe nên không về tham dự được)
Anh Nguyễn Lam, đại diện cựu học sinh Nguyễn Hoàng kính tặng hoa các thầy

Anh Lê Cao Đảm, NH Bà Rịa-Vũng tàu tham gia văn nghệ



Anh Trương Tuyến miệt mài vì công việc



Anh Minh Tạc bên thầy Cao Xuân Yên





Anh Tuyến đại diện NH Bình Thuận tặng hoa các đoàn về tham dự: Đồng Nai, Bà Ria-VT, Ninh Thuận, Sài Gòn.
(Anh Phúc, Lê Cao Đảm, Trương Thị Kim Hồng, Nguyễn Văn Trị)






Anh Trương Tuyến, trưởng ban liên lạc NH  La Gi- Hàm Tân Bình Thuận phát biểu 

Chị Mỹ Liên tham gia văn nghệ 

Anh Nguyễn Văn Trị phát biểu, ai cũng cảm động, tán thưởng bằng nhiều tràng pháo tay



Anh Trần Hữu thân, phu quân Thái Thị Lương(ngồi giữa), anh Lộc
(Cả ba đều là bạn học sư phạm Phú Long, Thuận Hải)


Anh Nguyễn Lam, phát biểu cảm tưởng

Tặng hoa các NH trong ban liên lạc La Gi-Hàm Tân

Anh Đỗ Việt Hoài hát rất hay!

Chị Trương Thị Phương tặng sách HQN cho NH La Gi-Hàm Tân, bên cạnh anh Tuyến

Anh Việt Hoài tặng hoa Vân, cô ca sĩ (NH70-75)



Chị Lê Thị Túy, chị Thanh Thu


Hiệp xin copy mấy tấm hình sau của anh Thái Mạnh Hoài cho hình ảnh thêm phong phú!



















Giây phút mặc niệm các thầy cô, đồng môn đã đi vào cõi vĩnh hằng







  










Chị Lương(em anh Hoài, chị Trang (con thầy Lê Văn Tý), Thủy(con thầy Thái Mộng Hùng)