Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Kỉ niệm trường xưa






THỰC TẬP
        Thực tập là khoảng thời gian mà chúng tôi phải tạm rời xa mái trường sư phạm, xa rồi những buổi chiều thư thả đi bộ lên đầu cầu Phú Long. Đây là chuỗi ngày đi vào thực tế để làm quen với nghề dạy học.
        Tôi về một ngôi trường ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, một xã ở phía bắc của Phan Thiết, còn anh về một ngôi trường gần ở xã Hàm Thắng. Tôi đi chung với ba cô bạn cùng lớp, được cho ở nhờ tại nhà của một gia đình, nhà để không nên họ sẵn lòng cho chúng tôi ở trong thời gian thực tập.
     Việc ăn ở, dạy học dần dà đã đi vào nếp thường nhật. Tôi được thầy Bông, ông thầy hiệu trưởng cao to, vui tính phân công vào dạy một lớp. Học sinh lớp tôi toàn là con cái nhà nông, trai có gái có, những cô bé cậu bé thật ngây ngô không kém phần nghịch ngợm. Một bé trai tên rất dễ nhớ là Lê Văn Cằn đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc: hằng ngày sau buổi học, em hay đi bắt thằn lằn, những con thằn lằn còn ngo ngoe trong túi ni lon. Tôi hỏi em bắt để làm gì? Em thật thà kể cho tôi nghe về món thuốc trị bệnh suyển. Tôi không tưởng tượng ra được cảnh nhà em làm thịt những con thằn lằn bé tí kia như thế nào.
        Đường vào làng là con đường đất đỏ ngoằn ngoèo. Nhà này cách nhà nọ xa lắm phải qua những khu vườn nhiều cây trái hay là những ô ruộng xanh rì, có hàng dừa nghiêng bóng bên lạch nước. Sau buổi đi dạy về, tôi thường ngồi ở hàng hiên nhìn ra trên kia là động cát cao, thấp thoáng có những mái nhà nho nhỏ. Tôi cùng các chị đi lấy nước uống ở đoạn đường xa, phải lội bộ trên đường đất mấp mô và len qua các bụi cây gai góc. Giếng nước ở trên động cát, nước đã lắng qua mấy lớp cát trắng phau nên từng gàu nước múc lên trong vắt như không hề có gợn bẩn. Trưa nào cũng vậy, tôi thấy mấy anh thanh niên đi lên động đào dông, cuối buổi chiều họ mang về những con dông bông xám, mập múp míp bị cột thành từng xâu . Sau bữa cơm chiều, màn đêm cũng buông xuống thật nhanh, chung quanh là cả một bóng tối mịt mùng như vây phủ lấy ngôi làng bé nhỏ yên ắng. Tiếng ếch nhái ở đâu đó dưới ruộng bắt đầu thi đua gọi nhau ộp oạp ộp oạp thật đều đặn. Chỉ có ngọn đèn dầu lấp lóa trong ngôi nhà đủ để tạo ra một không gian ấm cúng cho cả mấy cô giáo trẻ đang chuẩn bị những trang giáo án sáng hôm sau lên lớp.
         Ở hai đầu nỗi nhớ, mỗi tuần anh tìm cách lên thăm tôi. Hàm Thắng đi lên Hàm Đức phải chờ đón xe ngựa. Đường đi khá xa phải chừng mười cây số. Hình ảnh chiếc xe thổ mộ với người chủ thật khéo léo điều khiển lấy con ngựa mạnh khỏe, tiếng gõ lọc cọc của vó ngựa cứ đều đều trên đường nhựa nay đã xa vời. Thời gian gặp gỡ nhau không bao lâu, chúng tôi phải chia tay. Trong giai đoạn này, những năm 1978, 1979 cuộc sống thật vô cùng khó khăn. Là người đồng hương, chúng tôi đã có những mối cảm thông chia sẻ khi xa nhà.
         Thời gian thực tập đã kết thúc. Tiếp tục những buổi lên lớp, lại ngồi đón những tia nắng ấm ban mai ở hành lang trước giờ vào học. Chúng tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ đến ngày thi tốt nghiệp, trở về địa phương.
        Một năm học ở trường sư phạm, kết thúc thời gian thực tập, thi cử, chúng tôi ra trường, trở thành những cô giáo, thầy giáo trẻ. Chúng tôi đã được chắp đôi cánh ước mơ, mang vào mình cả một hoài bão lớn lao để vào đời.
        Tối thứ bảy 28-6-14

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

TIẾNG CÒI TÀU NĂM XƯA






TIẾNG CÒI TÀU NĂM XƯA
Tiếng còi tàu năm xưa trên đường về quê nội đã in sâu vào tiềm thức của cô bé, đó chính là tôi cách đây đã hơn bốn mươi năm trời, một quãng thời gian quá dài, gần cả một nửa đời người. Giờ đây, hình ảnh đó, âm thanh đó như hiện ra, như những thước phim dĩ vãng đang dần quay trở lại. 
Những ngày giáp Tết đâu đầu năm 1971, tôi được mẹ dẫn về làng Truồi thăm nội. Trong không khí rộn ràng của ngày xuân, bất chợt, tiếng còi tàu vang lên từ rất xa, đâu đó trên chiếc cầu sắt kia, từng hồi còi tàu vọng lại như thôi thúc…Rồi âm thanh càng lúc càng gần gụi, nghe rõ mồn một. Tôi ngước nhìn lên, cả một đoàn tàu dài đang lướt nhanh ở bên kia, tiếng sầm sập của những chiếc bánh tàu lăn trên con đường ray. Khi những toa tàu đã khuất xa rồi mà tôi vẫn nghe từng hồi còi còn vọng mãi. Lần đầu tôi nhìn thấy tàu hỏa nên tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo mãi. Chuyến tàu mới đẹp làm sao, đã mang vào trong trái tim non dại của tôi một hình ảnh về miền quê nội yêu dấu. Nơi đây có chuyến tàu qua, có mái đình, có khu chợ nghèo, có chiếc cầu đen trùi trũi kia, còn có chiếc lô cốt cao được xây lâu đời từ thời Pháp thuộc. 
Tôi đã đi trên con đường làng quê yên bình. Là dịp vào những ngày Tết, nghỉ ngơi nên trên bãi đất rộng bà con trong làng tổ chức chơi bài chòi bằng người, những lá cờ nhiều màu sắc tung bay trong nắng ấm sáng mai. Chúng tôi về thăm ông bà nội, gia đình chú, những người bà con thân thuộc của tôi. Sáng sớm hôm sau, tôi được dẫn đi thăm mộ của Tổ Tiên nằm bên kia quốc lộ. Đây là con đường chạy dài từ Nam ra Trung. Làng nội của tôi cách Huế khoảng chừng gần ba mươi cây số. Nghĩa trang nằm gần dưới chân núi. Tôi nhìn lên ngọn núi mà cứ tưởng chừng như không xa xôi. “Núi Truồi ai đắp mà cao”... Ngày xa xưa ấy, tôi chưa có khái niệm về khoảng không gian xa từ ở bên này nhìn sang cao tít bên kia là núi Truồi. Những ước mơ của tôi chiêm ngưỡng ngọn núi, về một chuyến tàu đi chơi xa, về con đò trên dòng sông xanh ngăn ngắt, trong veo như thôi thúc tôi, nó cứ chảy mãi trong huyết quản của tôi vậy. Những khu vườn, những nương sắn xanh um, những mảng rừng núi xa tít tắp ở chân trời, nơi đâu đó là đầu nguồn dòng sông Truồi quê nội tôi. Tôi chỉ là đứa cháu ở xa, ít về thăm nội. Khi đã lớn khôn, có dịp tìm đường về thăm quê thì ông bà nội không còn nữa, nhưng sự hàn gắn tình cảm thân thương, ruột thịt của những người bà con, thân thuộc vẫn không ngừng trong tâm hồn tôi. 

Đầu năm 2012, tôi có dịp ra Bắc, chuyến tàu qua Huế vào buổi hôm khuya khoắt một giờ sáng; trên sân ga vắng ngắt như tờ. Khi về, tàu chạy ngang làng Truồi, tôi cố nhoài ra để xem cảnh vật của vùng quê mà đã 40 năm chưa lần trở lại, nhưng tôi không thể thấy gì nhiều hơn là những bụi cây ven đường dưới màn sương và mưa lất phất buổi sáng. Tôi mang trong mình một nỗi day dứt, hứa trong lòng sẽ có dịp sẽ về quê vào một ngày gần nhất.
            Mùa hè năm 2012, sau 40 năm xa quê hương, tôi tìm về quê. Tôi lại vượt qua quốc lộ, qua con đường đất đỏ, dẫn bước chân tôi ra gần hồ Truồi, nơi đó có mộ phần của Tổ Tiên, ông bà của chúng tôi, dòng họ của tôi. Tôi đã ở trên chuyến tàu về quê hương với những cảm xúc có lúc như gần gũi, có lúc như xa vời, ôi những nỗi nhớ quê quá chừng khó nói hết. Tôi chỉ biết rằng đôi mắt mình đã cay xè tự hồi nào. Tôi ra bến sông tìm lại bóng dáng con đò năm nao, tìm lại vườn cây xanh mát đã từng ẩn sâu trong kí ức…Tôi nhìn về hướng cầu sắt, bên kia là bến Lộc Điền mà nghe kể ngày xưa mệ nội tôi đã từng qua sông tảo tần nuôi con. Hôm nay, trên dòng sông này ít có sự thay đổi, vẫn còn mộc mạc, chân chất, vẫn còn là miền sông nước mang màu xanh ngát trong. Quê nội, làng Truồi dang tay đón tôi, những người thân yêu của tôi đây sẵn sàng chờ đón ngày về của tôi. Quê nội ơi, tôi đã về đây rồi.           





Tối thứ tư 18-6-14 (Đinh Thị Hiệp)