Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Bức thư còn viết dở




           Chị Quỳnh thân mến         
 Bây giờ là giai đoạn mà những con người có cùng một ý hướng, cùng đi chung trên một con tàu để tìm về quá khứ, tìm lại những tháng ngày thơ mộng trên miền đất Quảng Trị. Ai cũng muốn chạy nước rút để về đến đích kẻo tuổi già sức yếu đang gần kề. Ngày 20 tháng 6 năm nay em sẽ về Quảng Trị trước ngày họp mặt trường, em tìm về Cội nguồn mà từ đó ra đi đúng tròn 40 năm.         

Chị bảo em hãy viết thật nhiều, thật nhiều về những người bạn thân thương của mình. Việc này thì bạn Thu Sương và Thanh Hà nhớ rành rọt nhất, thậm chí Thanh Hà nhớ hết đặc điểm của từng bạn và viết một bài thơ lục bát thật dài và hay. Khi đọc những câu thơ sáu tám dí dỏm kể về hình dáng và tính cách của mỗi đứa trong đám bạn khối 6, khối 7 trường phân hiệu Nguyễn Hoàng, khiến ai cũng phải cười và thán phục. Sau khi rời xa Quảng Trị, các bạn em còn theo nhau vào học trường Nguyễn Hoàng ở Đà Nẵng. Những năm tháng thấm thía cái nghèo, cái khổ cực với cuộc sống tạm bợ trên đất Đà nẵng đã mang theo biết bao kỷ niệm vào những áng văn, những vần thơ…Em xa quê từ mùa hè đỏ lửa, gia đình em vào sống ở một tỉnh thành miền đất Nam bộ. Thỉnh thoảng, em có liên lạc thư từ với bạn bè đang học tại Đà Nẵng như Nguyễn Thị Thu Sương, Lý Thế Văn; nhận được hình các bạn gởi tặng: dù khó khăn trong cuộc sống nhưng em vẫn thấy các bạn thật hồn nhiên, có những cuộc đi chơi ở Ngũ Hành Sơn Non Nước, Đồi Dương cát trắng,… Lê Thị Mỹ Hạnh, Anh Đào còn gởi thư cho em từ xứ biển Nha Trang. 
Hồi đó, khi em từ giã cái xóm nhỏ ở ngôi nhà đường Lê văn Duyệt, phường Đệ Tứ, em lên ở nhà dì ở trong một ngõ nhỏ trên đường Quang Trung. Từ nhà em đi ra đầu đường là nhà Thu Sương, nhà Sương bên cạnh tiệm ăn Thanh Thanh. Bên cạnh miếu Ông Voi là lớp học của học trò lớp Một, lớp Hai.., hằng ngày vang lên tiếng ê a học bài. Từ đây đi đến một quãng nữa là nhà của Phượng Tiên, con gái tiệm sách Tùng Sơn, nhà ở ngay ngã tư Quang Trung và Trần Hưng Đạo, đối diện với tiệm ông Khiết. Em thường ra ở tiệm phụ mẹ và hai dì bán hàng tạp hóa. Tiệm ở trên đường Trưng Trắc, ở bên trái tiệm chụp hình Li Đô. Đây là tiệm chụp hình nổi tiếng của đất Quảng Trị hồi ấy. Em rất thích ngắm những bức hình chân dung lồng trong khung kính chưng bày trước cửa tiệm. Em vẫn còn nhớ bức hình của mợ em, một khuôn mặt khả ái của cô giáo trẻ Trần Thị Kim Thược. Bên cạnh tiệm là con đường dẫn vào chợ, nơi đây có mấy xe bán nước giải khát, mà mỗi buổi trưa đi học về khi trời đổ nắng gay gắt, em thường ra đó ngồi uống một ly nước chanh muối thì bao nhiêu cái mệt mỏi dường như tan biến. Đôi khi, em cũng thay đổi gọi một ly nước xi rô é, vị thơm của nước xi rô pha vài giọt hương chuối thơm lừng làm cho một đứa bé như em lấy làm thích lắm. Từ nhà đi ra tiệm không xa lắm, em phải băng qua các dãy hàng xén, các quán may, khu chợ lồng gồm những sạp vải, những gian hàng bán quần áo đẹp đẽ… Có lúc em đi một vòng bên ngoài khu chợ, rẽ phải bắt gặp những sạp hàng đầy hoa trái, nhiều sạp bán đồ hộp. Những hàng bán rau tươi xanh mơn mởn, rau quả từ các miền quê lân cận mang về. Đi qua cửa tiệm bán thuốc lá cẩm lệ, trong đó thấy chất đầy những cuộn thuốc vàng sẫm, người ta thường ngửi thấy mùi thuốc tẩm hăng hắc. Mỗi khi băng qua cửa tiệm này để về nhà, em thường đứng lại một hồi lâu xem mấy người thợ chăm chỉ làm việc. Tiếng cắt đều đều bén ngọt của con dao có bản rộng vào những cuộn lá thuốc. Đầu bên kia cho ra những sợi thuốc nhỏ màu hung vàng. Mấy bà dân Quảng Trị mình thích hút thuốc Cẩm lệ này lắm bất kể trời giá rét mùa đông hay trời nồm nóng bức. Trước mặt cửa tiệm của dì em là con đường bao giờ cũng tấp nập người mua kẻ bán. Họ bày hàng theo hai dãy ngồi đối diện nhau: đó là những thứ hàng miền quê như rau vườn, con gà, ổ trứng, …những thứ họ đem đến chợ để bán. Bên trong lồng chợ là dãy hàng ăn bao giờ cũng đông khách. Đi ra một quãng về phía hàng cá là dãy hàng thịt , hầu như là những bàn thịt heo, thịt mới mổ vào hồi sáng sớm. Em còn nhớ dáng người mập mạp, khuôn mặt phúc hậu của bác Biên, mẹ của mợ Chắc, vợ cậu em, nổi tiếng với nghề làm chả lụa, chả bông. Nhà bác ở xóm Heo, trên đường về đường Lê Văn Duyệt. Hàng cá là dãy sạp bán cá khô, mắm, đi xa hơn nữa là những hàng cá tươi. Từ hàng cá tươi đi ra ta sẽ gặp một trong những bến sông Thạch Hãn. Có thể cá biển được những người dân Triệu Hải, Triệu Sơn đánh bắt từ biển Cửa Việt, Gia Đẳng? Hồi đó em chỉ biết biển qua một vài lần đi chơi xa với bạn bè. Em chưa hề biết Cửa Tùng hay Cửa Việt là tận cùng của dòng sông Bến Hải, từ đâu đó trên nguồn có rừng mai vàng, dòng sông chảy qua cầu Hiền Lương, là giới tuyến, nơi chia cắt hai miền Bắc Nam, rồi sau đó dòng sông hiền hòa xuôi dòng nhập vào biển Đông mênh mông. Cửa Việt đối với em là những con sóng hiền hòa, có những bãi cát trắng, có hố nước lợ, nơi trú ngụ của đàn cá nhiều sắc màu đang tung tăng bơi lội khiến chúng em tò mò, thích thú. Có bạn bắt được vài con cá màu bé nhỏ bỏ vào túi ni lon hí hửng mang về nhà. Đó là một chuyến đi chơi của đoàn Học sinh phật tử do thầy Cẩn phụ trách. Chúng em rời xa phố tỉnh đông vui để tìm về với thiên nhiên bao la, phóng khoáng. Một lần khác, chúng em về cửa biển Gia Đẳng, về khu rừng tràm Trà Lộc. Giữa buổi trưa hè nắng chói chang, ngồi dưới bóng mát của những cây tràm, hồ nước muôn đời màu đà do ngấm sâu rễ cây tràm, hơi nước mát lạnh lan tỏa làm cho mọi người cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn. Buổi chiều hôm đó, cả đoàn tập trung lại để tập hát trên sân trường ở vùng đất xa xôi, heo hút này, món quà giao hảo hết sức chân tình của bà con Trà Lộc là vài rổ khoai lang thơm phưng phức còn nóng hổi. Ở đây là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của một người mợ của em, mà từ khi cậu em đã chết trong chiến tranh, còn lại một mình mợ cũng tha phương, xa quê từ mùa hè năm 1972.        
Năm 1963, ba em làm việc tại chi công an Hải Lăng Quảng Trị. Lúc này em chỉ là một bé gái mới 4 tuổi. Do hoàn cảnh ba làm việc xa nhà, nên mẹ con em vào ở với ba. Dù mới mấy tuổi đầu nhưng em còn nhớ như in những hình ảnh, kỷ niệm ở vùng đất nghèo khó này. Chi công an Hải Lăng nằm ở ngã ba, bên cạnh là một số cơ quan hành chính khác. Vào thời gian này, chi công an ở vị thế này hay bị pháo của bên CM lắm. Một lần, khi nghe tiếng hú của đạn pháo từ xa, mẹ em bồng đứa em nhỏ chạy xuống hầm, ba em thì lo việc chung của chi nên không kịp lo cho mẹ con em; khi lần thứ hai, mẹ trở lên để bồng em xuống hầm thì ngay sau đó là một quả pháo nổ ngay trên giường trước đó mẹ con em nằm. Em chỉ nghe và hoang mang nhìn mọi người, chứ em cũng chưa có cảm giác sợ hãi gì cả. Mỗi buổi sáng hoặc khi chiều về, em hay đi ra gần cổng để chơi. Hồi này, có một số người dân bị bắt vào đây, sau này em mới biết là họ hoạt động nằm vùng…. Em gặp một vài người phụ nữ, nhờ em đem quà bánh, thức ăn vào cho người thân bị nhốt trong khám. Ba em tuy làm việc ở trong chi, gọi là chi trưởng, nhưng ông sống được lòng nhân viên và ngay cả người dân nơi đây. Em có nghe ba em kể lại rằng có một chị cán bộ tên là Hoa, đã từng kêu gọi ba ra vùng cách mạng nhưng ba em không có ý niệm đó, ba em an phận sống cuộc sống an nhàn hơn sau vụ bị cách chức, về lại Quảng Trị chỉ làm nhân viên bình thường.       
  Em được mẹ dẫn lên bệnh viện để chuẩn đậu mùa. Đường lên bệnh viện nhỏ đúng là con đường dốc cát trắng. Em đi từng bước ngắn bên mẹ thấy mỏi nhừ cả chân. Mấy cô y tá áo blu trắng nhẹ nhàng làm công việc của mình. Hai vết rạch sắc lẽm trên cánh tay phải ôi đau điếng. Sau này, em biết vào thời kì đó, người ta sợ nhất là bị bệnh đậu mùa, di chứng để lại là để những vết rỗ dày đặc trên khuôn mặt thì không còn đẹp nữa. Không riêng gì em mà mấy đứa bé, trai có, gái có, được mẹ đem đến bệnh viện chuẩn đậu mùa. Có đứa khóc thét lên vì đau, có đứa hoảng quá đứng thụt lùi, nấp vào sau lưng mẹ. Còn em có thể vì tính gan góc hơn nên em bậm miệng lại, không thèm khóc như chúng nó đâu. Vì sợ đạn pháo vô tình đêm hôm nã xuống trên đầu, mẹ đem gởi hai chị em đến ở nhà người quen ở bên ngoài. Cứ mỗi buổi sáng sớm, em và chị Minh Tâm, hai chị em đi bộ vào làng để ăn sáng. Con đường nhỏ dẫn vào làng cũng không xa lắm, buổi sáng trong lành, đi giữa không gian thoáng đãng, cái yên ắng thanh bình của làng quê Hải Lăng như còn đọng mãi vào trí nhớ của cô bé. Đi bên chị, người chị chỉ hơn mấy tuổi, em như được chị mình che chở, hai cô bé gái con của một ông chi trưởng được dân làng coi như người quen. Cái vị cay cay của tô cháo nghi ngút khói trong buổi sớm mai, khi tiết trời se lạnh, vừa ăn vừa hít hà ngon đáo để. Nhưng cũng có hôm, em nhớ mẹ quá, đang đêm em đã bỏ về đi tìm ba mẹ, vừa đi vừa khóc, làm mấy người ở ở trong chi thức giấc, hoảng hốt ra mở cổng đưa em vào với mẹ…          
Giã từ những ngày trời đầy nắng gió, cát trắng khô cằn ở vùng đất Hải Lăng, gia đình em trở về Quảng Trị. Ba em không còn là chi trưởng cảnh sát. Chính những biến cố chính trị mang hơi hướng của tôn giáo ấy đã làm thay đổi cuộc đời của ba em. Trong những ngày gần cuối năm 1963, trên những con đường khắp tỉnh Quảng Trị, cũng như trên con đường Lê Văn Duyệt này, ngay cả đứa bé chỉ mới vài tuổi đầu như em phải nói rằng cảm thấy rất thú vị khi chui tọt xuống bàn thờ đặt ngay trên con đường cái trước nhà; hầu như nhà nhà ai cũng đưa bàn thờ Phật ra đường để đấu tranh Phật giáo. Đêm đêm, tiếng gõ mõ, tiếng phèng la, bất kì cái gì có thể gõ được ra âm thanh để kêu gọi nhau, kêu gọi đấu tranh, người ta cũng có thể làm hết. Tinh thần đấu tranh bất khuất của con người xứ Quảng, của những người dân đa số thuần gốc đạo Phật.      
  Xóm nhỏ của em yên bình là thế ấy…Có một cái giếng nước ở trước ngôi nhà ở ngay đầu ngõ, nơi ngày ngày người ta hay đến gánh nước, cũng là nơi tụ họp chuyện trò rôm rả của các bà, các chị. Nhà em nằm đối diện với ngôi nhà này. Những buổi chiều êm ả bị phá ngang bởi tiếng hò hét của trẻ nhỏ, mấy đứa con trai bị mẹ lột trần như nhộng, đứng tồng ngồng , tha hồ vung vẩy khi bị mẹ dội từng gàu nước mát lạnh vào người. Mấy lần em đi vào nhà mệ ngoại là bấy nhiêu lần em thích thú đứng ngắm mãi từng chùm ổi xá lị thơm phưng phức của nhà ông xạ. Em hay đứng ở bậc tam cấp cao của nhà mệ ngóng cổ nhìn sang bức tường rong rêu. Sau nhà mệ cũng có mấy cây ổi nhưng giống nhỏ hơn, trái vừa chua vừa chát; có cây nhánh lòa xòa sát mặt đất dễ hái hơn; chúng em thường hay vặt xuống hái chấm với muối ớt cay cay, vừa ăn vừa hít hà, thích lắm. Ông anh cả con cậu em thường hay hái hoa mít cắt lát mỏng, trộn chung với muối ớt, rồi gói lại, ép dưới tấm phản dày cộp của mệ. Cả mấy anh em đều vô cùng thích thú khi nhấm nháp từng lát mít cay xè. Nhà mệ ngoại em có một ngôi nhà trên, cao rộng hẳn so với gian nhà dưới, nếu đứng so nền nhà phải cao hơn cả đầu em. Ngôi nhà trên để thờ cúng ông bà; hoặc một khi nhà có việc, con cháu tụ tập về đông đúc. Ông em mất đã từ lâu, nghe nói từ hồi chạy giặc Tây. Mệ ngoại em từ đó cũng hay đi chùa Sắc Tứ làm công quả; có lẽ mệ em muốn tìm sự yên ổn ở chốn Cửa Phật. Hồi đó mệ em ở một phòng nhỏ ở nhà trên, còn nhà dưới dành cho gia đình các cậu mợ em ở. Phía sau nhà trên là giang sơn của anh trai em: anh Đinh Trọng Phúc; cậu em để cho anh một khoảng không gian riêng biệt, yên tĩnh để chú tâm vào học hành. Trước sân nhà, các cậu em trồng một số cây cảnh. Có cây mai vàng luôn nở hoa đúng vào dịp Tết; cứ khoảng gần ngày rằm tháng chạp, cả mấy người lớn trong nhà xúm lại trảy lá cho kịp nở vào ngày mồng một. Phải trảy như thế nào thật nhẹ nhàng để khỏi bị rụng mấy cái chồi non. Chỉ mấy ngày hôm sau, những chiếc nụ xanh nõn nà kia lớn dần, hứa hẹn nở ra những bông mai vàng óng. Hồi đó, em vô cùng thích thú khi đến ngày Tết đứng nhìn cây mai nở thật nhiều bông hoa 6 cánh với hi vọng năm nay nhà sẽ gặp nhiều tài lộc. Hầu như nhà nào cũng tạo cho mình một không gian xanh riêng biệt. Trước mặt nhà mệ là một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh là khu vườn có mấy cây khế chua và có cả cây khế ngọt hiếm hoi, có mấy cây trứng gà, đến mùa chín đầy trái vàng lấp ló trên lùm cây. Bên cạnh nhà dưới của mệ là nhà bác Kinh, một hàng cây râm bụt vừa làm cảnh vừa làm hàng rào ranh giới giữa hai nhà, có một vài khoảng trống để tụi nhỏ có thể chui qua chui lại được. Chúng em thường bày những trò chơi vui nhộn ở đây.        
 Những ngày bé thơ đã trôi qua thật êm đềm. Giã từ tuổi ấu thơ, em bước vào năm học lớp vỡ lòng. Những ngày đầu tiên đi học háo hức lắm. Mẹ mua cho em mấy tập vở, một số đồ dùng học tập, em loay hoay suốt cả đêm chờ sáng đầu tiên đến lớp. Lớp học của chúng em là một ngôi nhà khá cao ráo và rộng rãi, nằm trong khuôn viên trường nữ tiểu học. Em đã học để biết đọc, biết viết hết hai mươi mấy chữ cái ở tại lớp học này. Từ nhà đến trường học, đoạn đường không xa lắm, chỉ đi bộ qua mấy ngôi nhà, đến khuôn hội, đi một đoạn nữa về xóm Heo, rồi rẽ trái là đến ngay trường học. Gần xóm Heo có mấy ngôi miếu cổ. Em nghe mẹ kể lại chuyện ngày xưa mẹ cùng mệ ngoại mỗi lần đi qua ngôi miếu là mẹ đi thật nhanh, nhắm mắt lại không dám nhìn vào bên trong, vì nghe người ta đồn đại trong đó có ma quỹ. Đối diện với con đường dẫn vào xóm nhà em là đường vào cổng hậu thành Đinh Công Tráng. Đi trên một đoạn đường cầu cong cong là đến chân cổng thành. Phía dưới bức tường thành là hào sâu đầy những chùm hoa lục bình tim tím. Việc ra vào thành thường ngày của những con người nơi đây vẫn bình thường, mỗi khi màn đêm vừa buông xuống, họ đóng ngay cửa thành lại. Cho đến một ngày cuối năm 1967, sau một đêm dài đầy tiếng súng giao tranh, sáng hôm sau, mọi người bất ngờ khi nghe tin đêm hôm trước những người CM đột nhập giải phóng tù trong lao. Kể từ biến cố đó, cửa thành bị đóng chặt lại, rào kín thép gai từ con đường dẫn vào cầu cho đến tận cổng thành. Vậy là chấm hết mọi sự liên lạc, ra vào trong thành và ngoài dân từ cổng Hậu này.         
Không khí chiến tranh đã lẩn khuất đâu đó. Từ cuối xóm là những cánh đồng, là dòng sông quê nhưng em chưa một lần được đi đến. Dưới ánh mắt trẻ thơ nhìn về khung trời đó thấy một vẻ gì u ám khi nghe những gì mọi người thêu dệt nên: chốn ấy không bình yên...Em không còn ngôi nhà thân yêu: nó đã bị đổ nát ngay sáng mồng Một Tết Mậu Thân vì cuộc giao tranh mà phần lớn là do súng đạn từ trên cửa thành nả ra. Nhà mệ em đã lần lượt mất đi những người thân trong cuộc chiến: một người mợ không chết vì súng đạn mà chết vì nhiễm vi trùng uốn ván khi tìm đường dẫn đàn con vượt rào nhà hàng xóm để chạy tắt lên chợ tỉnh trong buổi sáng mồng một ấy ; năm sau, một người cậu đã ngã xuống vì viên đạn lạc oan nghiệt; người cậu khác là một sĩ quan đã mất vào năm sau nữa khi hành quân trên sông Vàm Cỏ; …mệ ngoại em đã bao lần khóc vì những mất mát này. Các cậu, mợ, cả ba đứa em trai bé bỏng của em đều nằm yên nghỉ trong nghĩa trang bên cạnh chùa Ái Tử; nhà em muốn người thân mình về nằm gần chốn cửa Phật để ngày ngày được nghe tiếng chuông chùa ngân nga...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.