Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Hai anh em



Hai người vừa bước vào đến cửa, một người đàn ông và một người phụ nữ. Nhác thấy, tôi đoán ngay là người ở miền ngoài. Có thể họ vào để giới thiệu mua bán hàng của các Hội bảo trợ trẻ em khuyết tật như các đoàn trước kia thường hay ghé vào trường. Tôi định bụng sẽ mời họ lên phòng  hiệu trưởng.
Tôi ngừng ngay công việc:
-Có việc gì không anh chị?  
Người đàn ông đưa ra cho tôi một tờ đơn và nói:
-Tôi là bác ruột của cháu Đỗ Ngọc Hội. Đây là bác gái của cháu. Vừa nói ông vừa chỉ tay về người phụ nữ. Chúng tôi muốn xin rút hồ sơ cho cháu chuyển trường ra Thanh Hóa để tiếp tục học.
Tôi giật mình, khi nghe ông ta nói đến việc  xin rút hồ sơ của em Hội. Năm học sắp hết, đợt kiểm tra học kì cũng vừa xong, có thể kết điểm và chuyển trường đơn giản như mọi lần khác bấy lâu nay tôi vẫn làm. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi vô cùng ngần ngại:
-Anh à, có gì sáng thứ hai anh chị đến lại trường nghe. Tôi sẽ báo với hiệu trưởng, hôm nay cô ấy đi công tác rồi. Anh chị vào đây, còn ở lâu dài chứ?
-Vâng, chúng tôi sẽ chờ.
-Dạ, anh chị về. Tôi sẽ giữ đơn lại đây.
-Vâng, chúng tôi chào cô.
-Dạ, chào anh chị.
Hai người đi ra cửa. Tôi cũng ra ngoài và nhìn thấy một đứa bé trai, có thể là anh của Hội, tôi đoán chừng là thế, hiện đang học ở trường trung học cơ sở Tân An. Cả ba người đi bên nhau ra đến cổng trường. Tôi cứ nhìn theo để xem thằng bé có thái độ quyến luyến gì với hai bác không? Tôi cảm thấy một nỗi buồn, thương hại, xót xa cho hai anh em…
Chưa đầy một năm, thời gian trôi qua quá cay nghiệt đối với hai anh em mồ côi mẹ, còn cha thì đang ở trong tù. Một hôm, cả thị xã nhao lên khi tin tức lan nhanh: ông nha sĩ Đỗ Ngọc Việt đã đánh chết vợ mình trong một cơn giận dữ. Cơn điên nỗi lên của một người đàn ông khi không kìm lại được đã gây cái chết thương tâm cho người vợ. Ông Việt đã bị bắt giam, chờ ngày ra tòa và bị kết án tù. Đám tang người vợ thật lặng lẽ do gia đình bên ngoại lo. Tôi nghe rằng đôi vợ chồng này còn có hai đứa con trai, một đứa học lớp 7, thằng em học lớp 4. Tội nghiệp cho hai đứa bé đã mồ côi mẹ và sẽ thiếu vắng sự chăm sóc của người cha.
Một vài tuần sau, tôi nhận hồ sơ nhập học của em Đỗ Ngọc Hội, do dì và dượng của em xin vào. Khi đọc thấy tên người cha, tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể nào tò tò hỏi thêm điều gì, người ta quá đau khổ vì cái chết của em gái. Hiệu trưởng bảo tôi, Phòng giáo dục đặc biệt chấp nhận chuyển trường cho  hai em lên đây học, xa trường cũ, vì sợ cái nhìn xoi mói và bàn tán của học trò ảnh hưởng đến tâm lý của hai em trong những ngày này. Nhà dì dượng tuy nghèo khổ nhưng vẫn có thể đùm bọc cháu, nhất là lúc này hai cháu mất mẹ và không được ở gần ba. Ngày đầu tiên, tôi gặp Hội. Đó là một cậu bé da ngâm ngâm đen, người gầy, không mập mạp, trắng trẻo như bao đứa trẻ khác. Em có cặp mắt đen, nhìn buồn bã, em ít nói. Gia đình dì xin cho em vào học bán trú ngay từ ngày đầu mới chuyển đến. Tôi sắp xếp cho em vào lớp 4C, do cô giáo chủ nhiệm vốn là người độc thân, là người vui tính và yêu thương trẻ em, cô lại là người phụ trách lớp bán trú mà em Hội sẽ ở. Buổi đầu tiên, khi các em nghỉ trưa, tôi đi đến lớp 4E xem em Hội ra sao. Hội nằm giữa các bạn trai, em nằm thẳng, hai tay bỏ lên bụng, em đang ngước nhìn lên trần nhà. Không biết em đang nghĩ gì? Tội em quá! Nước mắt tôi chực trào vì thương em. Giá như giờ này mẹ em còn sống thì sau buổi tan học về, cả nhà quây quần bên mâm cơm trưa xong, em sẽ ngủ một giấc thật đẫy, rồi chiều dậy học bài, không đi học hai buổi như ở đây. Mẹ em giờ nằm sâu dưới lòng đất, ba thì bị giam tù rồi, vì tội lỗi của ông đã gây ra cho mẹ. Hôm chứng kiến cảnh tượng hung dữ, chết chóc đó, em không thể  tin vào mắt mình đó là sự thật. Mẹ em trên đường đi cấp cứu không kịp, đã bỏ lại hai anh em trên cõi đời này. Anh em Hội không căm ghét gì ba cả, chỉ thấy tội nghiệp cho ba giờ phải ở cảnh tù tội, biết bao giờ mới về ở với anh em đây? Về ở với dì dượng, anh em cũng có cái ăn, nơi ở nhưng ngày ngày phải nhìn những cặp mắt dò xét, thương hại của hàng xóm, có khi Hội cũng thấy chạnh lòng. Những nhà hàng xóm  quanh đó dù nghèo, ba mẹ làm thuê, cuốc mướn; có người làm biển nhưng vẫn còn có cả ba và mẹ; để những khi nghe đám trẻ nhỏ cất lên tiếng gọi: “Mẹ ơi!” , “Ba ơi!” Hội lại thấy nhớ lại mới ngày nào thôi, cũng tiếng gọi như thế thấy ấm áp, giờ thì biết gọi vào đâu, mẹ có còn nghe thấy?Ba thì ở đâu trong đêm tối mịt mùng.
Tôi thấy Hội cứ nằm mãi, chưa ngủ, có lẽ chưa quen bạn bè, trường lớp mới lạ. Rồi tụi nhỏ cũng sẽ làm quen nhau nhanh chóng thôi mà, những trò chơi trẻ con, việc học sẽ cuốn hút em, xoa dịu nỗi đau của em.
Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi chừng xem hồi này tình hình em Ngọc Hội như thế nào? Cô giáo kể cho tôi nghe về việc học tập của em, em vẫn học giỏi như trước đây. Hai anh em thỉnh thoảng có lên thăm ba ở trại. Ba cha con chỉ có thời gian ngắn ngủi bên nhau, han hỏi nhau vài điều. Khi ra về, anh em ít nói hơn, còn lại chỉ một nỗi buồn u ám cứ bám theo hai đứa, chúng chỉ mong một ngày nào đó ba sớm trở về thay mẹ. Đêm hôm, anh em ôm nhau ngủ, nhớ lắm hồi mẹ còn sống, thường chăm bẳm cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.
…Thời gian cũng qua nhanh, mới đó đã qua một học kì và kết thúc năm học.
Đúng như hẹn, sáng thứ hai, hai bác của Hội đến và đích thân hiệu trưởng ký giấy chuyển trường cho Hội. Điều chắc chắn là ba Hội muốn gởi hai con mình ra ở với nội, vì đó là dòng máu, ruột thịt của họ. Người ta nói: “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, nhưng trong lúc này không còn mẹ thì lấy ai mà giành con cháu lại, vả lại đời sống của dì cũng không thể đảm đương hai đứa cháu ngoại cho đến lúc khôn lớn được. Hình ảnh hôm rồi, tôi nhìn thấy anh Hội đi bên hai bác, một phần nào cũng nói lên được tình cảm quyến luyến của bên nội. Lỗi lầm của người lớn đã gây ra, sự đỗ vỡ, tan nát vậy là quá lắm rồi đối với trái tim bé nhỏ của hai em. Tôi mong sao hai em được sự đùm bọc thương yêu của họ hàng ngoài đó, đừng để hai em phải có những lần rơi  nước mắt nữa.
Em Hội ơi! Cô xin lỗi em nhé! Ngày em ra đi mà cô không có mặt ở trường, sao vội vàng thế em? Sao em không như em Nhung, em Mai …ở Mái ấm tình thương, mỗi khi gặp cô đều vui vẻ, chào hỏi đon đả. Có những khi các em đó đi qua, cứ nhìn vào phòng cô làm việc để có dịp cười với cô. Còn em, em chỉ im lặng, như một cái bóng âm thầm, khó mở lòng em quá; mà cô thì cũng chưa có đủ thời gian để kịp gần gũi em. 

Hè về rồi. Ve kêu rồi đó, phượng nở đó thắm cả sân trường. Buổi lễ tổng kết không có hai em. Hai em vội vã nhập học cũng như vội vã chuyển đi, chưa kịp đón nhận tình cảm thương yêu của thầy cô, bạn bè, chưa kịp nhớ mặt nhau mà đã đi rồi. Giá như hai em đi vào thành phố hoặc về miền Nam sống thì không nói làm gì, nhưng giờ đây lại về nơi ngày nào ba em từng đành lòng rời xa để vào La Gi làm ăn thì lại khác. Không biết tương lai các em sẽ ra sao? Cuộc đời còn có nhiều người có những hoàn cảnh éo le quá! Nhưng dù sao, tôi cũng cầu mong cho mọi người hãy dang tay đón  em vào lòng, ủ ấm tình thương cho em nhé!
Tôi tưởng tượng cảnh hai đứa trẻ cùng hai bác bước xuống sân ga vào một buổi chiều hôm nào đó cuối tháng 5. Đồ đạc lỉnh kỉnh không phải là những món quà của những người đi chơi xa về quê mà là những tư trang của hai anh em trai sắp về nhà bác mình. Niềm vui mừng, hồ hỡi ngày nao giờ  thay bằng nỗi niềm lo lắng khi đặt chân xuống mảnh đất ruột thịt của bên nội. Hai anh em có lúc ôm chặt lấy tay nhau như một lời động viên.
Hè về rồi, mùa trẻ em thả diều trên cánh đồng thênh thang, lộng gió sắp diễn ra sôi nổi rồi đó. Trẻ em miền nào cũng hiếu động như nhau. Hai em hãy chuẩn bị tinh thần để tham gia những trò chơi vui nhộn và sớm hòa mình vào thế giới thần tiên của những mơ ước rực cháy nhé em.


                                                                   Chiều chủ nhật, 8-6-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.