Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Một thời áo trắng





MỘT THỜI ÁO TRẮNG
(Ba người bạn)
Giọng ca của cô Châu cất lên trong trẻo, cũng không phá đi sự ồn ào của tiệc đám cưới, tôi chú ý lắng nghe từng lời bài ca quá quen thuộc:
“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già.
Hai năm tình chạy
Em mỏi chân chưa …”
Tôi còn nhớ khá rõ lời và điệu nhạc của bài hát này, nhạc sĩ không chuyên hồi đó là cậu học trò, mà chị họ tôi gọi là BNPH. Cô Châu là vợ của ông Nguyễn L. là trưởng CA thị xã La Gi, ông một thời cũng là học trò dưới mái trường Cam Lộ, Cam Mỹ.
“Theo đoàn lưu dân” người dân Quảng Trị trước năm 1975 theo các Cha xứ vào đây sinh sống. Nghe nói dân Động Đền đa số theo cha Nam, còn dân Đông Hà thì đi theo cha Hoan. Tôi ở xa về, ghé thăm bà con vào những ngày giáp Tết đầu mùa xuân 1975. Tôi cùng leo lên dốc cao đến trường Cam Lộ xem thầy trò dựng Hội trại. Dốc Trung Giang khá cao, lên đến đỉnh thì thoai thoải hơn, từ dốc nhìn xuống thấy  cảnh biển hình vòng cung, ở xa tít tắp dưới kia. Mặt biển xanh thẳm một màu, có quãng bị che khuất bởi những khu nhà cao thấp ở thị trấn La Gi và biết bao là vòm cây. Nhà cách nhà là những lô đất rộng đến  một, hai sào. Vườn cây là những cây mít nhẫy nhượt mọc lên xanh tốt trên miền đất mới màu mỡ bao bọc lấy ngôi nhà lá hoặc nhà gỗ ở chính giữa. Đây coi như là vùng đất hứa của người dân Quảng Trị vào lập nghiệp. Đất mới khai hoang màu đỏ pha hứa hẹn những mùa bội thu khoai sắn.
Chị họ giới thiệu với tôi hai người bạn thân của chị, mà cả trường hay gọi là tam ca: Duyên (Du Uyên), Ngọc Lan, Huệ (Trắng). Nhìn họ có vẻ khắn khít, đi đâu cũng có nhau. Dưới hàng cây xanh của sân trường, ba chị đang dợt lại bài hát của anh bạn mới sáng tác, đó là những nỗi lòng của anh PH trải vào trong đó về cô học trò anh thầm yêu. Ai cũng thích hát nhạc của anh Ph vì lời lẽ rất dễ thương:
“Hai năm ôm mộng
Tình ta đã già…”
Tôi cũng không hỏi ai là người được anh PH gởi gắm tình cảm vào trong bài hát, chỉ nghe chị Huệ của tôi hết lời ca ngợi anh. (Sau này, anh cùng gia đình hồi cư về Quảng Trị; vùng đất này không thể níu kéo được bước chân, họ tìm về lại trên mảnh đất quê cha ruột thịt)
Ngày Tết sắp đến, tôi giã từ các anh chị ở miền đông Nam bộ này để về lại miền Nam, nơi tôi đang sinh sống. Tôi kịp thoáng nhìn thấy các thầy, trong đó có thầy Lê Mậu Duy, thầy Nguyễn Hiền mà sau này về đây tôi mới biết đến.
Bến xe lam ở trước mặt chợ, nay là chợ Cam Bình, đã ghi lại trong tâm hồn tôi một vài kỉ niệm vui nho nhỏ khi tôi chia tay để ra ngã tư đón xe về nhà.  
Ngày hôm nay, tôi không là cô bé ngày nào mới 16 tuổi, tập tễnh những bước đi vào đời, để tâm hồn mình bay bổng lên với tình yêu trong sáng, thơ ngây tuổi học trò. Tôi không phải ngước nhìn một cách ngưỡng mộ về chị họ tôi và hai người bạn gái. Tôi đã biết nhiều về tình bạn của họ thời áo dài trắng cắp sách đến trường trên đồi cao kia. Con đường đi học ngày qua ngày không êm ả, bằng phẳng như ở chốn thị thành nhưng là một con dốc cao, lối đi về cũng lắm mối tình thơ mộng. Tam ca áo trắng thời ấy cứ thế cất lên tiếng ca trong veo, thánh thót để ca ngợi cuộc sống như những con chim non luôn ca ngợi bầu trời tự do, đẹp đẽ. Đặc biệt chị Huệ Trắng có giọng ca trời phú, thật cao vút, nhất là khi chị hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn hoặc Phạm Duy.
Chị Duyên- sau này tôi gặp lại chị trong bệnh viện Hàm Tân, chị là cô y tá dễ thương trong chiếc áo blu trắng. Bẳng đi một thời gian dài, tôi không gặp chị. Cho đến một ngày đầu năm học 2003-2004, tôi về làm việc tại trường mới ngay giữa trung tâm thị xã. Một hôm, tình cờ, tôi trông thấy chị ở một ngôi nhà gần trường. Tôi mừng rỡ vô cùng, vội vàng ghé nhà thăm chị. Ngôi nhà của chị xây theo kiểu cổ, nhà xây có gác lửng, khu vườn nhiều cây cối bao quanh. Một ngôi nhà vườn ở khu vực dân cư đông đúc nhưng cuộc sống hai vợ chồng rất bình lặng, đều là những người về hưu sống ẩn dật, chăm chút cho ngôi nhà và vườn cây quanh nhà. Vườn nhà chị có cả những bụi chuối đang trổ buồng mọc trên bờ ao bông súng đang nở hoa, có những nụ hoa màu hồng phấn lấp ló  như cứ muốn vươn lên khỏi mặt nước. Có những lúc, khi bắt đầu một ngày làm việc tại trường, khi mở cửa sổ ra; từ ô cửa tôi nhìn thấy chị và hai chị em cứ vẫy tay chào nhau. Tôi có thói quen cứ mở cửa sổ là nhìn qua bức tường, mong được nhìn thấy chị. Hai vợ chồng đã chăm cho bụi hoa tím mau leo lên giàn, để che ánh nắng mặt trời chói chang buổi sáng, nên một khi bụi cây đã leo lên hết cái giàn kia, tỏa bóng  râm mát cho một khoảng sân trước nhà chị, thì tôi chỉ còn thấy thấp thoáng bóng hai vợ chồng ngồi trước ban công nhà vào mỗi buổi sớm mai.  
Chị Ngọc Lan- một nhân vật đáng yêu, giọng nói bao giờ cũng nhẹ nhàng dễ mến. Vào một ngày đầu tháng 9, lớp lớp người về dự họp mít tinh ở sân vận động Hàm Tân; nhà chị lại có chuyện đau buồn, người chị kế của chị là Mộng Hà đã tự tìm đến cái chết. Cái chết của chị khiến mọi người thương xót một cô gái trẻ đẹp. Mẹ chị cũng bị bệnh, thần kinh không ổn. Anh em nhà chị sau này bỏ xứ, theo nhau đi làm ăn nơi khác. Tôi từng nghe về cuộc sống của chị, chị có một đời chồng và đã li dị, chị lấy một người đàn ông khác tính tình cũng thất thường. Cuộc đời chị lắm gian truân; người ta thường nói hồng nhan bạc phận là thế. Có lần, tôi lên dự đám cưới cháu ở Sùng Nhơn, một vùng đất xa xôi, tận cùng của tỉnh Bình Thuận, gần giáp với tỉnh Lâm Đồng. Xế trưa, thay về tôi đi về đường Lạc Tánh mà sáng nay tôi đã đi qua, tôi lại cùng các anh chị bà con chạy về đường Đa Kai để ra Phương Lâm, Định Quán ra quốc lộ 1A. Chúng tôi dừng chân ghé lại quán café của chị Ngọc Lan. Tôi thấy người chồng của chị đúng như tôi đã hình dung, mặt mày thô kệch, râu tóc dài trông có vẻ quái dị. Sau này, tôi nghe tin vợ chồng chị lại bỏ nhau, chị đi làm xa để nuôi con ăn học. Một tối, bất ngờ chị gọi điện cho tôi, kể về việc chị hiện đang làm bồi cho một nhà nghỉ, khách sạn nào đó ở Võ Đắc, Ông Đồn nhưng chịu không nổi sự hà khắc của bà chủ chị lên Sài Gòn lại tiếp tục kiếm việc làm khác. Tôi không thể tin nổi một cô gái mảnh mai ngày nào giờ phải lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế. Giờ này chị đang làm tại một cơ sở nuôi trẻ ở quận 7, chị làm việc và được ở lại vô cùng thuận tiện cho chị. Mong cuộc sống của chị cứ bình yên như thế để chị còn tiếp tục nuôi cho hai đứa con trai ăn học nên người.
Nhân vật thứ ba tôi sẽ đề cập đến là chị họ tôi, chị Huệ Trắng, biệt danh này được đặt cho chị từ những ngày đi học ở dưới ngôi trường trên đồi cao gió hú kia. Những tháng ngày sau giải phóng, việc tập tành văn nghệ, ca hát là cái thú vui của chị. Ban ngày lao động trên nương vườn, tối đến sinh hoạt đoàn thanh niên. Lời ca tiếng hát xua đi mọi gian khổ, tạo niềm vui sống cho chị cũng như cho mọi người. Tiếng hát vẫn cao vút giữa bầu trời trập trùng, chị vẫn vô tư khi lội qua suối, cùng các em lên nương rẩy, nhà chị theo người ta làm những vụ bắp, những vụ mùa trồng khoai, sắn như nhà tôi vậy. May mắn Ông trời thương dân nghèo, những năm này chưa ai phải chết đói, vùng đất mới còn có những bãi trồng dưa hấu; bờ biển Cam Bình đầy tôm cá đủ sức che chở, nuôi biết bao con người xứ Quảng Trị, Bình Long. Giọng hót của những chú chim trên bầu trời kia chưa chắc đã thánh thót bằng chị, nhất là bài: “cô gái vót chông” chị lấy hơi, tiếng ca ngân dài chưa muốn dứt. Về sau, chị có gia đình sớm, bỏ cuộc vui…chị chuyển lên ở Xuân Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu. Cuộc đời chị gắn chặt với chồng con, lại là nương mì và những vườn tiêu xanh um. Các con chị giờ khôn lớn, kể như chị cũng an phận với cuộc sống gia đình. Giờ này, giọng ca của cô gái trẻ ngày nào có còn vươn xa, bay xa theo thời gian nữa không?
Tam ca ngày nào bên nhau, đem lại những khúc hát vào đời ca ngợi tuổi hồn nhiên, thuở áo trắng học trò này đâu còn gần gũi bên nhau. Mỗi người đi mỗi phương trời, mỗi người có một hoàn cảnh sống riêng. Nếu có một lúc nào đó, các chị gặp gỡ nhau, nghe lại những ca khúc đầu đời của anh BNPH thì chắc sẽ gợi nhớ nhiều đến kỉ niệm thời đi học, những ngày tháng bên nhau cùng học hành cùng vui chơi dưới mái trường đơn sơ, bình dị.
“…Con đường còn dài em ơi
Nẻo đường còn nhiều phôi pha
Nếu mà đời có khổ đau
Đừng trách gì nhau ơi đời”
                                                                 Chiều thứ sáu, 14-6-1013




1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.