Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

NHỮNG TRẢNG RỪNG







    NHỮNG TRẢNG RỪNG
Tôi đã gần như quên đi hình ảnh những trảng rừng Bắc Ruộng, nơi đó ngày nào tôi cùng đoàn người lên khai hoang. 
Vào những ngày giữa mùa khô năm 1978, trời vẫn chưa chuyển cơn mưa nào.
       Vượt qua con đường đất đỏ lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà, có khi phải xuống phụ nhau đẩy xe qua nhiều chỗ bị sụp lầy, rồi cuối cùng, chiếc xe cà tàng cũng đã chạy lên đến nơi, thả mọi người xuống ngoài bìa rừng. Tôi nghe họ gọi tên cả một trảng rừng trước mặt tôi là rừng Bắc Ruộng. Tôi vừa rời ghế nhà trường, đi theo đoàn người ở địa phương để làm nghĩa vụ lao động. Tôi chưa hình dung mình sẽ làm những gì khi vào rừng. Rời xe, đoàn người đi vào sâu bên trong tìm chỗ để đặt làm lán trại. Trời vẫn còn nắng, từng tia nắng len lỏi qua bao tán lá rậm rạp. Chúng tôi, cả đoàn người đi bộ qua những đám cây đã bị chặt còn nham nhở. Ai cũng tay xách nách mang những thứ áo quần, vật dụng để ở lại trong nhiều ngày. Bước chân chúng tôi vẫn dè chừng những gốc cây nhọn chỉa lên trời và rắn rít trên cả lối đi. Men theo con suối vừa cạn khô, đám người leo lên con dốc cao hơn. Đây là khoảng đất trống khá bằng phẳng sẽ là nơi chúng tôi ở lại trong nhiều ngày. Các chú, các bác và thanh niên đi tìm cây nhỏ để chặt, họ tỉa hết cành lá; các cô, các chị chờ sẵn đó kéo về để làm cho kịp trước khi màn đêm buông xuống. Họ lựa ra nhiều thân cây tương đối đều để làm cột thít vào nhau làm vạt nằm. Mấy anh thanh niên nhanh nhẹn phụ việc, họ dùng lạt mây đã chẻ sẵn để cột. Mây này cũng do mấy người kéo từ trong rừng ra, dùng chiếc rựa bén chẻ dọc theo thân cây mây dài, thứ dây thiên nhiên này đem cột thì chắc lắm. Người chẻ lạt mây, người tỉa cho cây nhẵn hơn, họ nhanh tay đua với thời gian, các chú đang còn chờ lấy nối vào chiếc vạt đang còn bỏ dở. Tối này là buổi tối đầu tiên xa nhà, sẽ phải nằm giữa rừng đây. Mái lợp bằng lá kè, lá buông cũng đã được lợp lên rồi, có thể che nắng và cơn mưa bất chợt đổ ập đến.
      Tôi cùng các chị lấy thùng đi xuống khe lấy nước, ở cái hố người ta đào sẵn trước đó. Nước trong hố không trong, không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ để múc lên đem về để dành dùng dần. Có nước vậy là may rồi, để nấu ăn, nấu uống trước đã, chuyện tắm giặt sẽ tính sau. Củi rừng thì không thiếu, các chị đi quanh đó lượm về từng bó để chụm. Tôi đi theo phụ kéo thêm về những cây to tối nay đốt đuổi muỗi, thú rừng. Hai bếp lửa được nhóm lên rồi. Ánh lửa hồng vui mắt, làm ấm áp lòng người giữa chốn rừng xanh. Có lửa là có sự sống! Nước uống nấu vào một cái xoong lớn, người ta bỏ loại lá rừng gì uống cũng dễ chịu, chắc để làm quen với thổ nhưỡng của rừng già đây. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, họ bày cho tôi nhai hạt nén và uống nước nóng để tránh không bị sốt rét. Bếp lửa còn lại mấy chị nấu nồi cơm thật to cho cả đoàn ăn. Thức ăn mọi người đem theo đa số là muối đậu, ruốc sả sẽ để ăn trong nhiều ngày tới. Ở bên kia bờ suối, đoàn người của xã khác họ cũng đang hì hục nấu cơm chiều. Từng làn khói lam bay lên, vướng vít trên mấy ngọn cây.Tiếng cười đùa, chuyện trò nghe vang vọng. Âm vang của rừng như gần như xa, có khi nghe gần gụi lắm, nào tiếng chim, tiếng lá xào xạc khi gió mạnh làm lay động, nay thêm âm thanh ồn ã của con người.
Màn đêm đã buông xuống từ lâu, đâu đó có vài đống lửa cao thỉnh thoảng lại cháy bùng lên. Tất cả chuẩn bị cho một ngày mai bắt tay vào việc phát quang rừng. Nằm thao thức không ngủ vì tôi đang còn nghĩ về tương lai đang còn chờ ở phía trước. Những tiếng chim kêu đêm, tiếng côn trùng ri rỉ đâu đó…thật buồn làm sao!
Một ngày mới bắt đầu, nắng đã chiếu sáng ngập cả khu rừng…
       Rừng già đang dần dần bị đốn hạ bởi bàn tay con người. Người ta dàn thành hàng ngang càng ngày càng tiến sâu vào. Cây nhỏ thì dùng rựa phát, họ chặt bớt những dây leo chằng chịt, sau đó mới đốn cho cây ngã xuống. Đàn bà, con gái sức yếu chỉ việc chặt cây bé, đi theo đàn ông, thanh niên để kéo mấy cây nhỏ ra cho gọn chỗ. Những cây to có thân bằng cả một, hai người ôm thì đã có mấy người thợ cưa vào hạ. Từng chiếc xe ben chạy vào chạy ra, chở đi đâu những thân gỗ to, gỗ quý. Mấy tay thợ đã thạo với nghề rừng, họ cưa sao cho cây ngã đúng hướng; khi thấy cây sắp đổ họ la to lên cho người gần đó biết đường tránh. Cây nghiêng dần và đổ xuống mặt đất. Ầm, ầm… tiếng đổ của cây cũng làm cho mặt đất rung lên. Có hôm, người ta xôn xao vì cây ngã đè người, hôm khác lại có tin cây lớn đổ sang bên kia bờ suối đè lên lán trại của dân. Tinh thần của mọi người hoang mang, ...Sau khi từng cây rừng, cây to, cây nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc gì., màu xanh của rừng dần biến mất, chỉ còn lại đó là những thân cây nằm ngỗn ngang. Một đốm lửa thôi là lá khô bén cháy, cháy lan, cháy mạnh, rồi cháy âm ỉ từ ngày này sang ngày khác cho đến khi cả một trảng rừng già trước kia chỉ còn là những khu đất hoang tàn với từng vệt cháy sém, cháy đen loang lổ. 
       Việc ăn ở trong rừng rất kham khổ, có nhớ nhà thì việc ra đường tìm xe về nhà cũng vô cùng khó khăn. Trước tình hình “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ở đâu thì yên đó. Gạo ở Đức Linh làm ra không được đem đi bán nơi khác. Cá mực ở vùng biển Hàm Tân cũng không được đem ra khỏi địa phương. Người dân ta thán vì thiếu thốn sinh ra chuyện đi buôn, gọi là “Buôn lậu” , buôn cái của chính tay dân mình làm ra. Từ trong lán trại, chúng tôi nghe tin đâu trên đó đoạn đường gần Bắc Ruộng, chuyện bắt bớ người đi buôn là chuyện thường xuyên xảy ra.
Thời gian cũng trôi qua, chậm chạp, nặng nề…
Khi từng đoàn người này ra về, đoàn người khác lại lên làm nghĩa vụ lao động, ngày qua ngày công việc cứ tiếp nối đều đặn như thế, thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng cây đổ ầm ầm…Người muốn sống bây giờ thì cây phải đốn ngã, hàng loạt rừng bị khai tử, để dành nơi ở cho con người, từng đợt di dân lên vùng đất Bắc Ruộng đã được khai hoang mở lối.
Cho đến đầu năm sau, năm 1979, tôi cùng anh về thăm Sùng Nhơn. Đi từ Phú Long, Phan Thiết về Bắc Ruộng phải chờ chực mua vé, trải qua bao lo lắng. Xe chỉ chở chúng tôi đến ngang bến xe Bắc Ruộng. Đó là bến đổ cuối cùng, không có chuyến xe nào lên Sùng Nhơn cả. Tiếp tục còn trước mắt, là chặng đường dài thử thách đôi bàn chân.
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.” là thế đó. 
Trước mắt chúng tôi: 
“Bến xe là bãi đất trống, vắng ngắt như tờ, quanh đâu đó chỉ một vài ngôi nhà tôn mái lá kè lụp sụp. Chúng tôi mang xắc lên vai, chẳng có gì ngoài vài món quà đơn sơ đem về thăm gia đình; chuẩn bị tinh thần lội bộ, nghe chừng gần 30 cây số tính từ đây về đến Sùng Nhơn. Vừa đi tôi vừa quan sát hai bên đường. Xung quanh vẫn còn lắm trảng rừng, nhà cửa thưa thớt, đường lộ thật vắng vẻ, ít xe cộ và người qua lại…. Trời chiều đã xế bóng, mồ hôi nhễ nhại, bước chân chúng tôi vẫn bền bỉ trên con đường dài băng qua xã Nghị Đức, Mé-Pu…Vừa đi vừa trò chuyện nên cũng quên đi sự mệt mỏi, lâu lắm mới dừng lại, ngồi xuống ven đường xoa bóp cho đôi bàn chân bớt tê cứng. Đi mãi cho đến khi trời vừa sập tối chúng tôi mới về đến nhà.”
Đã qua bao năm tháng kể từ năm 1978…
Bắc Ruộng bây giờ đã trở thành khu dân cư, đa số là người dân Quảng Trị…Đất lành, chim đậu - Đó như miền đất Hứa dành cho những người dân tha phương, tìm miền quê hương mới. 
Rừng đã chết để cho con người được sống trong giai đoạn đó, giữa những năm tháng chiến tranh qua đi nhưng còn lại vô cùng khó khăn. Đất rừng co lại để khu dân cư ngày càng rộng, người đến sinh sống ngày càng đông. Chất mùn than của biết bao loài cây rừng ngã xuống lại tiếp tục nuôi dưỡng cho các cây do chính bàn tay con người trồng thêm tươi tốt, cho đời bao quả ngọt trái sai, cho thêm những vụ bắp trái ngọt ngào. Làng mạc, quê mới của vùng đất Bắc Ruộng chắc chắn sẽ thay đổi khi khởi đầu là con đường mới thênh thang tráng nhựa từ quốc lộ 1A chạy vào Tánh Linh, sẽ tiếp tục vào đến Bắc Ruộng. Hai bên sẽ là những khu đất mới trồng cây cao su, rừng bạch đàn tràn ngập một màu xanh, rừng nối tiếp rừng đang dần thay thế cho những trảng rừng ngày xưa. Có phải chăng rừng đang hồi sinh!
Tối thứ năm, ngày 27-8-14
 
       





Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN BIỂN





NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN BIỂN 
       Tôi muốn nói đến đây là những ngư dân mà tôi đã gặp trên những chuyến xe bus chạy dọc theo con đường ven biển hay là những con người đang còn dãi dầu mưa nắng ngoài biển khơi. 
       Chiếc xe chạy nhanh trên con đường vừa mới được tu sửa xong, không còn một vài chỗ gồ ghề, ổ voi, ổ gà như trước ở Tân Hải, Tân Thành …Hai bên đã lướt qua những đám ruộng giờ đóng trụ xi măng trồng thanh long, những khu đất toàn là màu xanh mượt của thanh long đang độ ra quả, chúng thi nhau nhú ra từ từng ngách lá. Ruộng muối Tân Thành chưa đến mùa thu hoạch, vẫn còn nước biển lênh láng từng ô dưới ánh nắng hanh vàng. 
     Xe dừng lại ngang Mũi điện Kê Gà hoặc xa hơn nữa để đón từng nhóm người, đa số là thanh niên, còn lại là trung niên và một vài lão ngư. Người nào người ấy da dẻ đen sạm, rắn chắc, tất bật bước lên, có người tay còn cầm cái bị có đâu vài con cá tươi, người khác còn mang về cả cái dầm chèo thúng, nhanh tay để dưới sàn xe. Họ trong bộ quần áo sẩm màu còn ướt át sương đêm và vị mặn chát của nước biển, còn mang theo cả mùi tanh nồng của đủ các loại cá. Tôi cũng như những người ngồi trong xe và ngay cả vài nhóm khách ngoại quốc du lịch không ai tỏ vẻ khó chịu vì sự khác biệt với nhóm người đang nói chuyện oang oang kia, hình ảnh này đã quá quen thuộc. Đây là những ngư dân, những người từng sống giữa biển khơi, từng ăn sóng nói gió như hiện nay tôi đang chăm chú theo dõi câu chuyện. 
Họ đang bàn về chiếc ghe cá bình Thuận bị sóng lớn đánh chìm ngoài khơi tuần trước.
- Vậy là có bao nhiêu người được ghe khác cứu?
- Khoảng trên mười mấy người. 
- Mày có biết có mấy người chết không?
- Năm người thì phải, có một thằng được tìm thấy xác rồi. 
- Còn bốn người kia thì có hi vọng sống không hả?
- Chà, khó lắm, ngâm dưới nước lạnh vậy, cả sóng to nữa ai mà chịu cho nỗi, phải buông tay thôi. 
      Một chị nói chen vào:
- Người chết thì ba ngày chìm rồi sẽ nổi lên, sẽ tìm thấy được mà, rồi cũng sẽ tấp vào bờ hoặc ghe tàu thấy trôi trên mặt biển. 
- Dễ gì chị ơi. Ở vùng biển mình thì không có cá mập nhưng cá nhỏ nó cũng rỉa rồi. 
Chị chép miệng, thở dài:
-Mong sao cho tìm được mấy người đó, gia đình đau khổ ngày đêm mong tin. À, còn bảo hiểm ghe sao mấy anh, có nghe nói gì không? 
Một chú nói chen vào:
-Thiệt xui, ghe đó vừa hết hạn bảo hiểm. Vậy đó, không thể nào mà mình lường trước được. Giờ thì ai mà thanh toán cho ghe chủ đây. Chi cũng không bằng ông trời hại mình.

         Tôi đã từng nghe một em tâm sự về cái nghề “ Biển giã” của gia đình em ấy:
“ Nghề biển là vậy đó. Vì cái nghề nghiệp cổ truyền của người dân biển. Bây giờ họ lại gánh thêm chi phí cái dầu, xăng tăng và hải sản ngày càng ít, đi ra khơi thì bị bọn Trung Quốc nó bắt. Nhà con có ghe. Hai anh đi biển và bạn bè, mấy em ở xóm.... cũng đi biển nên con hiểu cái khổ của nghề biển. Mùa này dân quê biển mình làm ăn không có, phải đợi 2 tháng nữa mới bước vào mùa đánh bắt, bây giờ họ đi là cầm chừng cho qua ngày. Chỉ có người đi biển mới hiểu, thấy biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết ngư dân trên thuyền đi đâu về đâu... đó cô”

     Chiếc xe về ngang Tân Hải đón một người, đoán chừng là một người đi biển, ngồi ngay cạnh tôi. Thấy tôi vui vẻ bắt chuyện, em kể cho tôi nghe trưa nay em về ghe La Gi đi bạn. Hồi này, ghe người ta không có bạn đi cùng sẽ tìm cách bán lại cho người khác, giá cả rẻ rúng thì cũng bán được thôi. Nhà nghèo, lo vay nợ ngân hàng làm ghe, giờ thì thất bát khó có tiền trả nợ ngân hàng không biết xoay xở vào đâu. Có người cầm cố cả nhà và sổ đỏ đất đai, toàn bộ giao cho ngân hàng. 
-Năm nay em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, bốn mươi. 
Trông em có vẻ già hơn tuổi đó, vì cái nắng, cái gió xứ biển đã như muốn thiêu đốt cái tuổi trẻ của em rồi. 
-Em đi biển từ hồi mười một tuổi đó cô. Ở đâu em cũng đi, đi tuốt tận Cà Mau, Kiên Giang.
- Em ơi, vậy mấy ghe giờ này có chạy giã cào không? Kiểm ngư bắt đó. 
- Bắt chi được cô, rục rịch là có người gọi điện báo ra liền, tụi em thu dọn hết rồi, còn chi mà bắt. 
- Em này, ghe mình có khi đi giã cào đó, có cào cả lưới cụ của ghe khác không vậy?
- Đâu có cô, tụi em tránh chứ, chừa đường cho người ta làm ăn nữa mà cô. 
- Ghe mà em đi bạn đi xa hay gần?
- Chỉ đi gần thôi cô, chạy ven ven thôi, có đủ ăn là về, không như mấy ghe lớn kia cả tháng mới vào bờ, có khi ghe khác ra tiếp tế cơm gạo, thức ăn và chở đá ra, rồi lấy cá đã đánh bắt làm đông dưới hầm vào.
- Có mấy ghe đi xa, qua tận lãnh hải của nước ngoài bị bắt, nhà nước có can thiệp, xin về không em?
- Nếu mà ghe mình qua biển Thái Lan, Ma Lai, In Đô …bị bắt thì tiền đâu mà phạt cô. Bạn chài thì tù 6 tháng, tài công bị tù hai năm, sau đó nó cũng thả về thôi. Nhưng cực lắm cô ơi, bị tù cực đã đành, vợ con ở nhà cũng đói lên đói xuống, nợ nần quá trời luôn. Còn nhà nước can thiệp hay không, em không nghe nói đến.
- Cô có đứa cháu, con một người quen, đi biển; chỉ vì một vết lở trên tay, do gãi và bị nhiễm trùng máu, bệnh nặng, khi vào bờ , chở vào thành phố không kịp đó em. 
- Dạ, xui rủi, biết đâu mà tránh cô. Mong cho mình có sức mạnh, chống chọi với bệnh tật và sóng lớn cô ơi.
-Vừa rồi, em có nghe vụ chìm ghe ở biển mình không? 
- Dạ, có cô, do vào cửa biển Tân Long bị sóng đánh lật nhưng không sao, dân biết bơi cả, nhảy xuống bơi vào bờ, gần mà. 
       Vậy là em này không biết về vụ chìm ghe mới rồi của tỉnh mình . Em kể một cách vô tư, hồn hậu, không có vẻ lo gì cái sống cái chết gần kề của người đi biển. Gần cầu Tân Lý chảy ra biển, đây là đoạn cuối con sông Dinh tiếp giáp biển Đông, khu vực Tân Long, là nơi các ghe đánh cá hay tấp về trú bão. Có khi ghe thuyền vào đậu chỉ việc va đập nhau cũng dễ bị lật. 
-Em còn thấy người ta đi lặn sò không?
- Vẫn còn đó cô. 
- Cô thấy sò lông đem lên bé quá, nếu để lớn hơn thì có lợi biết mấy. Dân mình ghe đánh thì gần bờ, bao nhiêu đánh bắt hết trơn trọi. Ban đêm, từ trên dốc Sơn Mỹ nhìn xuống thấy mặt biển toàn là ánh đèn, người ta ngồi trên thúng đi câu mực hả em?
- Dạ, họ câu mực. 
- Có lần, cô nghe kể có người đi câu và bị trúng gió chết trong thúng luôn. Có người, thì bị thúng lật, thúng mà lật thì sức nước hút mạnh lắm, con người bị lọt trong thúng khó bơi ra kịp lắm. Phải không?
        Ngư dân trẻ tuổi kia gật đầu đồng ý. 
        Thế đó, biển giã là thế, biết bao gian khổ, có ai từng đi biển mới biết nỗi khổ của ngư dân. Đây chỉ là một vài mẩu đối thoại, chưa có thể nói hết cái khổ của họ. 
        Chiều thứ năm, 17-7-14



Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

VƯỢT LÊN NỖI ĐAU LÀ CHIẾN THẮNG




Tôi viết lên những điều này, có thể coi đó là một câu chuyện ngắn, để kể lại những việc mà tôi đã giấu kín đi trong lòng mình, giấu đi những nỗi đau của mình để khi vượt lên được những nỗi đau này, giờ này tôi có thể nói một điều là tôi đã chiến thắng. 
Ngày nào xa thật xa kia, tôi đứng ngồi không yên, hồi hộp chờ nghe người ta gọi tên chồng mình để chạy lên phòng hồi sức, xem anh như thế nào sau khi mổ. Không hề nghe gọi tên. Có thể người ta ghi tên một đường mà gọi một nẻo, cả nhà ai cũng lắng tai nghe mà không hề có. Đến khi tự mình lên cửa phòng mổ không thấy, vội chạy đến cửa thang máy, thấy một bệnh nhân nằm ở đó, mắt nhắm nghiền, đó là chồng mình. Thật nhẫn tâm. Không có gì đau đớn hơn, tôi cảm thấy mình đau với những nỗi đau thể xác của anh. 
Cũng không có gì đau khổ hơn khi một bên là người chồng không còn có cơ hội sống, chờ từng giờ, một bên là những sự dằn vặt của những người thân của anh. Tôi đã bật khóc và chạy ra ngoài hành lang. Điều này tôi đã kể cho một cô, là người quen thân thiết của tôi, đã từng chia bùi sẻ ngọt với vợ chồng chúng tôi, cô ấy nói: “Ai là người đau khổ hơn? Người vợ là người đau hơn ai cả. Tại sao không thấy được điều đó”. 
Đêm hôm khuya khoắt đem anh về nhà, cả xóm hầu như thức trắng để chờ xe chở anh về đến nơi. Ai cũng muốn được nhìn mặt anh lần cuối. Chỉ là bóp những hơi bóng để kéo dài sự sống cho anh, chờ lúc đẹp ngày cho anh ra đi. Thầy trưởng phòng, các thầy cô ở phòng giáo dục, bạn bè đồng nghiệp ai cũng đến để chia tay anh. Tôi luôn ngồi đó cầm tay để chuyền vào cho bàn tay anh hơi ấm còn lại. Cô học trò ngày nào giờ là bác sĩ cũng đến để tìm đường ven một cách khó khăn chuyền nước cho anh. Rồi giây phút cuối cùng cũng đến, lúc vừa qua ngày mới, người bà con ngừng bóp bóng, sự sống của anh cũng vừa chấm dứt. Tôi đã mất đi người chồng, các con tôi đã mất đi người cha.
Tôi không có con trai, chỉ có ba đứa con gái côi cút. Nếu hồi đó, tôi mạnh mẽ như bây giờ thì tôi sẽ đòi cho con gái đầu của tôi ôm lư hương thờ của cha nó, cần gì phải nhờ đến đứa cháu trai. Có một chị gần nhà bảo với tôi rằng: chồng chết sao không có khóc? Tôi khóc trong lòng đó chứ, nước mắt tôi đã chảy ngược vào trong, tôi đâu có cần thể hiện ra ngoài. 
Hôm nay đây, tôi vừa xong nghĩa vụ với xã hội cũng vừa xong nhiệm vụ với gia đình. Con gái bé nhỏ cũng vừa xong lớp đại học. Xong rồi những nổi lo lắng ưu tư khi một mình lo toan cho cả mấy đứa con qua ngưỡng cửa đại học thay cho mẹ nó ngày xưa vì thời thế nên không toại nguyện với ước mơ. Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã chiến thắng, tôi đã can trường như lời ngày xưa anh từng khuyên tôi như Viên ngọc trong đá, cần can trường, vững vàng trước cuộc sống. Trước đây, có lúc tôi ủy mị khi xem một bộ phim kể về một cặp vợ chồng, trước khi người chồng ra đi và luôn mong muốn có người chắp cánh cho hạnh phúc của người vợ. Tôi đã từng như thế, từng ủy mị như thế, cứ nghĩ mình sống với tâm trạng của nhân vật trong phim. Ai ngờ đường đời không bằng phẳng mà lắm chông gai. Hạnh phúc đôi lứa không bao lăm khi mà tôi cứ mong mỏi cho tròn đến hai mươi lăm ngày cưới để kỉ niệm. Dù sao cũng suýt soát gần ngần ấy, hai mươi lăm năm trời kể từ ngày quen nhau. Tôi đã để dành tất cả tình yêu thương, hi sinh cho con cái. Tôi đã bỏ cái tôi riêng tư của mình sang một bên để làm việc cật lực hơn. Khi làm việc, tôi nghĩ đến con, khi ăn tôi cũng nghĩ đến con. Dù sao mình ở đây còn dễ chịu với cuộc sống dân giả, giản dị, con mình ở thành phố phồn hoa làm sao no đủ.
Dù sao, tôi cũng cảm ơn cuộc đời đã mỉm cười với tôi, đã cho tôi nhiều niềm vui sống, nhiều cảm hứng thi vị, tình yêu thương vị tha, để cách nhìn của tôi lạc quan hơn, tôi đã dẹp bỏ được những tư tưởng tiêu cực, có khi nó chen vào làm cho tôi chùn chân bước. Cuộc đời còn dài trước mắt và tôi sẽ vẫn còn tiếp tục bước về phía trước. Mình tôi, chỉ mình tôi thôi, thế là đủ rồi.

 Viết xong khuya thứ tư ngày 2-7-14 (Đinh Thị Hiệp)