Tôi viết lên những
điều này, có thể coi đó là một câu chuyện ngắn, để kể lại những việc mà tôi đã
giấu kín đi trong lòng mình, giấu đi những nỗi đau của mình để khi vượt lên
được những nỗi đau này, giờ này tôi có thể nói một điều là tôi đã chiến thắng.
Ngày nào xa thật xa
kia, tôi đứng ngồi không yên, hồi hộp chờ nghe người ta gọi tên chồng mình để
chạy lên phòng hồi sức, xem anh như thế nào sau khi mổ. Không hề nghe
gọi tên. Có thể người ta ghi tên một đường mà gọi một nẻo, cả nhà ai cũng lắng
tai nghe mà không hề có. Đến khi tự mình lên cửa phòng mổ không thấy, vội chạy
đến cửa thang máy, thấy một bệnh nhân nằm ở đó, mắt nhắm nghiền, đó là chồng
mình. Thật nhẫn tâm. Không có gì đau đớn hơn, tôi cảm thấy mình đau với những nỗi
đau thể xác của anh.
Cũng không có gì đau khổ hơn khi một bên là người chồng không
còn có cơ hội sống, chờ từng giờ, một bên là những sự dằn vặt của những người
thân của anh. Tôi đã bật khóc và chạy ra ngoài hành lang. Điều này tôi đã kể
cho một cô, là người quen thân thiết của tôi, đã từng chia bùi sẻ ngọt với vợ
chồng chúng tôi, cô ấy nói: “Ai là người đau khổ hơn? Người vợ là người đau hơn
ai cả. Tại sao không thấy được điều đó”.
Đêm hôm khuya khoắt đem anh về nhà, cả xóm hầu như thức trắng
để chờ xe chở anh về đến nơi. Ai cũng muốn được nhìn mặt anh lần cuối. Chỉ là
bóp những hơi bóng để kéo dài sự sống cho anh, chờ lúc đẹp ngày cho anh ra đi.
Thầy trưởng phòng, các thầy cô ở phòng giáo dục, bạn bè đồng nghiệp ai cũng đến
để chia tay anh. Tôi luôn ngồi đó cầm tay để chuyền vào cho bàn tay anh hơi ấm
còn lại. Cô học trò ngày nào giờ là bác sĩ cũng đến để tìm đường ven một cách
khó khăn chuyền nước cho anh. Rồi giây phút cuối cùng cũng đến, lúc vừa qua
ngày mới, người bà con ngừng bóp bóng, sự sống của anh cũng vừa chấm dứt. Tôi
đã mất đi người chồng, các con tôi đã mất đi người cha.
Tôi không có con trai, chỉ có ba đứa con gái côi cút. Nếu hồi
đó, tôi mạnh mẽ như bây giờ thì tôi sẽ đòi cho con gái đầu của tôi ôm lư hương
thờ của cha nó, cần gì phải nhờ đến đứa cháu trai. Có một chị gần nhà bảo với
tôi rằng: chồng chết sao không có khóc? Tôi khóc trong lòng đó chứ, nước mắt
tôi đã chảy ngược vào trong, tôi đâu có cần thể hiện ra ngoài.
Hôm nay đây, tôi vừa xong nghĩa vụ với xã hội cũng vừa xong
nhiệm vụ với gia đình. Con gái bé nhỏ cũng vừa xong lớp đại học. Xong rồi những
nổi lo lắng ưu tư khi một mình lo toan cho cả mấy đứa con qua ngưỡng cửa đại
học thay cho mẹ nó ngày xưa vì thời thế nên không toại nguyện với ước mơ. Tôi
cảm thấy tự hào vì mình đã chiến thắng, tôi đã can trường như lời ngày xưa anh
từng khuyên tôi như Viên ngọc trong đá, cần can trường, vững vàng trước cuộc
sống. Trước đây, có lúc tôi ủy mị khi xem một bộ phim kể về một cặp vợ chồng,
trước khi người chồng ra đi và luôn mong muốn có người chắp cánh cho hạnh phúc
của người vợ. Tôi đã từng như thế, từng ủy mị như thế, cứ nghĩ mình sống với
tâm trạng của nhân vật trong phim. Ai ngờ đường đời không bằng phẳng mà lắm
chông gai. Hạnh phúc đôi lứa không bao lăm khi mà tôi cứ mong mỏi cho tròn đến
hai mươi lăm ngày cưới để kỉ niệm. Dù sao cũng suýt soát gần ngần ấy, hai mươi
lăm năm trời kể từ ngày quen nhau. Tôi đã để dành tất cả tình yêu thương, hi
sinh cho con cái. Tôi đã bỏ cái tôi riêng tư của mình sang một bên để làm việc
cật lực hơn. Khi làm việc, tôi nghĩ đến con, khi ăn tôi cũng nghĩ đến con. Dù
sao mình ở đây còn dễ chịu với cuộc sống dân giả, giản dị, con mình ở thành phố
phồn hoa làm sao no đủ.
Dù sao, tôi cũng cảm ơn cuộc đời đã mỉm cười với tôi, đã cho
tôi nhiều niềm vui sống, nhiều cảm hứng thi vị, tình yêu thương vị tha, để cách
nhìn của tôi lạc quan hơn, tôi đã dẹp bỏ được những tư tưởng tiêu cực, có khi
nó chen vào làm cho tôi chùn chân bước. Cuộc đời còn dài trước mắt và tôi sẽ
vẫn còn tiếp tục bước về phía trước. Mình tôi, chỉ mình tôi thôi, thế là đủ
rồi.
Viết xong khuya thứ tư ngày 2-7-14 (Đinh Thị Hiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.