Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN BIỂN





NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN BIỂN 
       Tôi muốn nói đến đây là những ngư dân mà tôi đã gặp trên những chuyến xe bus chạy dọc theo con đường ven biển hay là những con người đang còn dãi dầu mưa nắng ngoài biển khơi. 
       Chiếc xe chạy nhanh trên con đường vừa mới được tu sửa xong, không còn một vài chỗ gồ ghề, ổ voi, ổ gà như trước ở Tân Hải, Tân Thành …Hai bên đã lướt qua những đám ruộng giờ đóng trụ xi măng trồng thanh long, những khu đất toàn là màu xanh mượt của thanh long đang độ ra quả, chúng thi nhau nhú ra từ từng ngách lá. Ruộng muối Tân Thành chưa đến mùa thu hoạch, vẫn còn nước biển lênh láng từng ô dưới ánh nắng hanh vàng. 
     Xe dừng lại ngang Mũi điện Kê Gà hoặc xa hơn nữa để đón từng nhóm người, đa số là thanh niên, còn lại là trung niên và một vài lão ngư. Người nào người ấy da dẻ đen sạm, rắn chắc, tất bật bước lên, có người tay còn cầm cái bị có đâu vài con cá tươi, người khác còn mang về cả cái dầm chèo thúng, nhanh tay để dưới sàn xe. Họ trong bộ quần áo sẩm màu còn ướt át sương đêm và vị mặn chát của nước biển, còn mang theo cả mùi tanh nồng của đủ các loại cá. Tôi cũng như những người ngồi trong xe và ngay cả vài nhóm khách ngoại quốc du lịch không ai tỏ vẻ khó chịu vì sự khác biệt với nhóm người đang nói chuyện oang oang kia, hình ảnh này đã quá quen thuộc. Đây là những ngư dân, những người từng sống giữa biển khơi, từng ăn sóng nói gió như hiện nay tôi đang chăm chú theo dõi câu chuyện. 
Họ đang bàn về chiếc ghe cá bình Thuận bị sóng lớn đánh chìm ngoài khơi tuần trước.
- Vậy là có bao nhiêu người được ghe khác cứu?
- Khoảng trên mười mấy người. 
- Mày có biết có mấy người chết không?
- Năm người thì phải, có một thằng được tìm thấy xác rồi. 
- Còn bốn người kia thì có hi vọng sống không hả?
- Chà, khó lắm, ngâm dưới nước lạnh vậy, cả sóng to nữa ai mà chịu cho nỗi, phải buông tay thôi. 
      Một chị nói chen vào:
- Người chết thì ba ngày chìm rồi sẽ nổi lên, sẽ tìm thấy được mà, rồi cũng sẽ tấp vào bờ hoặc ghe tàu thấy trôi trên mặt biển. 
- Dễ gì chị ơi. Ở vùng biển mình thì không có cá mập nhưng cá nhỏ nó cũng rỉa rồi. 
Chị chép miệng, thở dài:
-Mong sao cho tìm được mấy người đó, gia đình đau khổ ngày đêm mong tin. À, còn bảo hiểm ghe sao mấy anh, có nghe nói gì không? 
Một chú nói chen vào:
-Thiệt xui, ghe đó vừa hết hạn bảo hiểm. Vậy đó, không thể nào mà mình lường trước được. Giờ thì ai mà thanh toán cho ghe chủ đây. Chi cũng không bằng ông trời hại mình.

         Tôi đã từng nghe một em tâm sự về cái nghề “ Biển giã” của gia đình em ấy:
“ Nghề biển là vậy đó. Vì cái nghề nghiệp cổ truyền của người dân biển. Bây giờ họ lại gánh thêm chi phí cái dầu, xăng tăng và hải sản ngày càng ít, đi ra khơi thì bị bọn Trung Quốc nó bắt. Nhà con có ghe. Hai anh đi biển và bạn bè, mấy em ở xóm.... cũng đi biển nên con hiểu cái khổ của nghề biển. Mùa này dân quê biển mình làm ăn không có, phải đợi 2 tháng nữa mới bước vào mùa đánh bắt, bây giờ họ đi là cầm chừng cho qua ngày. Chỉ có người đi biển mới hiểu, thấy biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết ngư dân trên thuyền đi đâu về đâu... đó cô”

     Chiếc xe về ngang Tân Hải đón một người, đoán chừng là một người đi biển, ngồi ngay cạnh tôi. Thấy tôi vui vẻ bắt chuyện, em kể cho tôi nghe trưa nay em về ghe La Gi đi bạn. Hồi này, ghe người ta không có bạn đi cùng sẽ tìm cách bán lại cho người khác, giá cả rẻ rúng thì cũng bán được thôi. Nhà nghèo, lo vay nợ ngân hàng làm ghe, giờ thì thất bát khó có tiền trả nợ ngân hàng không biết xoay xở vào đâu. Có người cầm cố cả nhà và sổ đỏ đất đai, toàn bộ giao cho ngân hàng. 
-Năm nay em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, bốn mươi. 
Trông em có vẻ già hơn tuổi đó, vì cái nắng, cái gió xứ biển đã như muốn thiêu đốt cái tuổi trẻ của em rồi. 
-Em đi biển từ hồi mười một tuổi đó cô. Ở đâu em cũng đi, đi tuốt tận Cà Mau, Kiên Giang.
- Em ơi, vậy mấy ghe giờ này có chạy giã cào không? Kiểm ngư bắt đó. 
- Bắt chi được cô, rục rịch là có người gọi điện báo ra liền, tụi em thu dọn hết rồi, còn chi mà bắt. 
- Em này, ghe mình có khi đi giã cào đó, có cào cả lưới cụ của ghe khác không vậy?
- Đâu có cô, tụi em tránh chứ, chừa đường cho người ta làm ăn nữa mà cô. 
- Ghe mà em đi bạn đi xa hay gần?
- Chỉ đi gần thôi cô, chạy ven ven thôi, có đủ ăn là về, không như mấy ghe lớn kia cả tháng mới vào bờ, có khi ghe khác ra tiếp tế cơm gạo, thức ăn và chở đá ra, rồi lấy cá đã đánh bắt làm đông dưới hầm vào.
- Có mấy ghe đi xa, qua tận lãnh hải của nước ngoài bị bắt, nhà nước có can thiệp, xin về không em?
- Nếu mà ghe mình qua biển Thái Lan, Ma Lai, In Đô …bị bắt thì tiền đâu mà phạt cô. Bạn chài thì tù 6 tháng, tài công bị tù hai năm, sau đó nó cũng thả về thôi. Nhưng cực lắm cô ơi, bị tù cực đã đành, vợ con ở nhà cũng đói lên đói xuống, nợ nần quá trời luôn. Còn nhà nước can thiệp hay không, em không nghe nói đến.
- Cô có đứa cháu, con một người quen, đi biển; chỉ vì một vết lở trên tay, do gãi và bị nhiễm trùng máu, bệnh nặng, khi vào bờ , chở vào thành phố không kịp đó em. 
- Dạ, xui rủi, biết đâu mà tránh cô. Mong cho mình có sức mạnh, chống chọi với bệnh tật và sóng lớn cô ơi.
-Vừa rồi, em có nghe vụ chìm ghe ở biển mình không? 
- Dạ, có cô, do vào cửa biển Tân Long bị sóng đánh lật nhưng không sao, dân biết bơi cả, nhảy xuống bơi vào bờ, gần mà. 
       Vậy là em này không biết về vụ chìm ghe mới rồi của tỉnh mình . Em kể một cách vô tư, hồn hậu, không có vẻ lo gì cái sống cái chết gần kề của người đi biển. Gần cầu Tân Lý chảy ra biển, đây là đoạn cuối con sông Dinh tiếp giáp biển Đông, khu vực Tân Long, là nơi các ghe đánh cá hay tấp về trú bão. Có khi ghe thuyền vào đậu chỉ việc va đập nhau cũng dễ bị lật. 
-Em còn thấy người ta đi lặn sò không?
- Vẫn còn đó cô. 
- Cô thấy sò lông đem lên bé quá, nếu để lớn hơn thì có lợi biết mấy. Dân mình ghe đánh thì gần bờ, bao nhiêu đánh bắt hết trơn trọi. Ban đêm, từ trên dốc Sơn Mỹ nhìn xuống thấy mặt biển toàn là ánh đèn, người ta ngồi trên thúng đi câu mực hả em?
- Dạ, họ câu mực. 
- Có lần, cô nghe kể có người đi câu và bị trúng gió chết trong thúng luôn. Có người, thì bị thúng lật, thúng mà lật thì sức nước hút mạnh lắm, con người bị lọt trong thúng khó bơi ra kịp lắm. Phải không?
        Ngư dân trẻ tuổi kia gật đầu đồng ý. 
        Thế đó, biển giã là thế, biết bao gian khổ, có ai từng đi biển mới biết nỗi khổ của ngư dân. Đây chỉ là một vài mẩu đối thoại, chưa có thể nói hết cái khổ của họ. 
        Chiều thứ năm, 17-7-14



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.