Chiều 30 Tết
như mọi năm. Hạnh quày quả xong việc cúng Tất niên giúp mẹ, rồi về lại nhà
mình. Con đường giờ vắng người qua lại, chạy ngược chiều với Hạnh là các cô
gái, ai nấy với dáng vẻ vội vả, đạp lọc cọc trên những chiếc xe đạp thồ cũ kĩ.
Họ đang đạp nhanh chân để về cùng với gia đình. Họa hoằn lắm mới có một vài
chiếc xe máy, coi bộ cũng đã cũ kĩ lắm rồi, giờ được tu sửa lại để thồ than.
Bụi đen bám đầy vành xe, ngay cả trên khuôn mặt, tay chân họ, dù bịt kín đến
đâu cũng dính nhiều vết than lem luốt. Đèo trên xe là vài gói hàng nho nhỏ, họ
còn chịu khó cột thêm mấy chậu hoa vạn thọ hoặc hoa hướng dương đang héo lả đi
vì nắng. Họ sẽ chưng chúng trong dăm ngày Tết cho vui nhà vui cửa. Có thể sáng
nay, họ vừa bán xong mấy bao than ở đâu đó trong cùng ngõ hẻm của xóm biển Tân
Long, dưới cầu Tân Lý, chợ La Gi hoặc xa hơn nữa là lên đến dốc tỉnh chợ Tân
An. Họ gom góp thêm được ít tiền, rồi mua vội ba thứ hàng quà như vài gói bánh
in, vài bị kẹo thèo lèo, vài lạng hạt dưa, mua thêm ít thịt, xương heo nữa về
hầm nồi măng đang ngâm ở nhà. Buổi chiều, họ sẽ cúng tất niên có hơi trễ, nhưng
dù sao như vậy cũng ấm cúng lắm rồi. Mấy cô gái vừa đạp xe vừa chuyện trò rôm
rả. Dường như không có điều gì khiến họ ưu tư, phiền muộn cả; đời sống kham khổ
đã trở thành quá quen thuộc đối với họ!
Hạnh chợt
nghĩ: Giá như một vài công ty nào đó về đây đầu tư xây dựng, mở nhà máy, xí
nghiệp sản xuất để các thanh niên này vào làm việc thì hay biết mấy. Không khéo
thì người dân nghèo cứ bám riết, khai thác dần hết cây cối trong khu rừng Tân
Thắng, Núi Bể để đốt than thì sẽ có ngày rừng già cũng cạn kiệt, đồng thời nạn
lũ quét như năm nào đó có thể đổ ập đến bất ngờ. Nhiều chàng trai, cô gái ở
vùng này việc học phải bỏ dở chừng, chen
chân vào đến thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Họ trở thành những công nhân,
lương tháng trên chừng một triệu bạc, phải lo toan, trang trải đủ mọi chuyện ,
từ việc trả tiền nhà trọ, chi tiêu ăn uống tiện tặn, còn lại dành dụm chút đỉnh
để gởi về gia đình. Người dân Sơn Mỹ, Cam Bình
ở đây đã một thời có truyền thống hiếu học. Nhiều gia đình biết lo cho con cái
ăn học đến nơi đến chốn, các em nay đã
thành đạt, làm việc ở ngay trong thị xã La Gi, huyện nhà Hàm Tân hoặc
một số tỉnh, thành phố khác.
Nhớ lại mùa
xuân năm 1975- Vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, lần đầu tiên Hạnh về Động
Đền, Bình Tuy thăm bà con. Nơi đây, phần đông là người dân Quảng Trị vào sinh
sống, lập nghiệp. Theo chân các chị lên một con dốc cao, vào dịp trường Trung
học Sơn Mỹ tổ chức cắm trại Hội xuân, Hạnh thấy vui khi nhìn các trò chơi sôi nổi đang diễn ra
giữa đám học trò xa lạ. Không biết
chừng trong đám đông đó có thể có một
vài người bạn thân quen của mình hồi học trường Nguyễn Hoàng. Sau đó, Hạnh lại
trở về Mỹ Tho với tâm trạng buồn rầu. Hạnh đã mất mát quá nhiều, chiến tranh đã
lấy đi những ngày sống yên bình trên quê hương Quảng Trị dấu yêu; đã làm cho
những kỉ niệm của tuổi thơ dần phôi pha, không còn đậm nét .
Tiếp theo là
những ngày của biến cố lịch sử, 30 tháng 4, Đất nước thống nhất. Hè năm đó, gia
đình Hạnh về sống tại đây. Ngôi nhà tranh đơn sơ, bé nhỏ dưới chân đồi
cũng đủ sức che chở cho cả gia đình qua
những mùa mưa gió.
Mặc dù không có
một chút kinh nghiệm gì về nghề nông nhưng dần dà công việc trồng trọt cũng
quen. Những ngày hè trên miền quê mới là những ngày Hạnh thường xuyên lên rẩy.
Sáng sớm, vác cuốc trên vai, Hạnh cùng đứa em trai đi ra khỏi nhà. Lội qua con
suối, nước trong mát lạnh; có khi Hạnh ngâm nga bài hát “Bóng cây Kơnia” mà
thấy trong lòng một thoáng thú vị. Chị em Hạnh trồng bắp, trồng khoai trên
miếng đất mới khai hoang ; trồng trọt rất vụng tay nhưng may thay năm đó được
mùa, đủ ăn trong mấy tháng trời; cái thì ăn tươi, cái thì phơi khô để dành ăn
dần. Mấy tháng trồng trọt, vun bón, sau đó thu hoạch biết bao trái củ mang về.
Niềm vui sướng khi thu được kết quả do chính bàn tay mình lao động, làm người
ta vơi đi bao nỗi mệt nhọc vì nắng, vì mưa, vì bao giọt mồ hôi mặn chát. Bên
cạnh những lô đất trồng bắp, trồng khoai là những rẩy dưa, trái nào trái nấy
căng tròn, nằm phơi mình dưới nắng như bầy heo con. Người ta dễ thân thiện, dễ
làm quen nhau. Những buổi trưa đứng bóng, khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, ánh
nắng thật chói chang; tiếng tu hú đâu đó vẫn còn râm ran gọi bầy, chỉ í ới một
vài tiếng là bạn bè đã có mặt bên nhau, trước lạ sau thành quen, dân Quảng Trị,
dân Bình Long đều trở thành thân thiết. Họ cho nhau nhiều trái dưa, trái bắp
rồi cùng ngồi ăn mấy lon cơm độn dưới bóng mát của cây rừng. Có khi bổ vài trái
dưa ra cùng ăn chung hoặc vùi vài củ khoai, trái bắp thơm lừng, tưởng chừng như vừa ăn vừa thưởng
thức được hết cái hương vị thơm ngon của chúng. Thỉnh thoảng có vài ngọn gió
mát rượi từ hướng biển thổi lên xua tan cái nóng hầm hập giữa buổi trưa hè.
Biển cả cũng
phóng khoáng cho ngư dân được mùa cá, mực, ghẹ xanh, tôm hùm… không thiếu thứ
gì. Có một vài anh chàng thư sinh, dáng trói gà
không chặt, ngày nào cũng hăm hở ra biển với ngư dân Triệu Hải, tập tành
với nghề sóng gió; sáng sáng chiều chiều, phụ kéo lưới đến phỏng rộp cả mặt,
tay chân trở nên sần sùi, chai cứng.
Ai cũng sợ
đói, đều chịu khó làm lụng; dù vất vả đến đâu cũng không hề một tiếng than van.
Đêm về, trong lúc người lớn tranh thủ nghỉ ngơi thì lứa thanh, thiếu niên, lại
tập trung sinh hoạt, vui chơi, ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh đống lửa hồng.
Nếu gặp những đêm trăng sáng thì lại càng thấy vui hơn!
Mùa tựu
trường đầu tiên sau ngày giải phóng, Hạnh mang tâm trạng bi quan, chán nản, đã
có ý định bỏ học. Nhưng cho đến khi thấy bóng dáng vài học sinh trong bộ đồng
phục trắng, cắp sách đến trường là Hạnh không thể nào kềm chế được lòng mong
muốn đi học trở lại.
Nghèo khổ
lắm! Đất nước thời kì ấy biết cơ man nào là gian khổ. Hạnh, người bạn tên là
Diễm Thi và bà cô Quyên, chỉ hơn nó một vài tuổi, là bộ ba thân thiết, ngày
ngày cùng nhau đi học, ở chung nhà trọ gần trường cấp 3 Hàm Tân. Nhà Diễm Thi,
Quyên ở trên đồi, đi bộ một quãng xuống dốc là về đến nhà Hạnh. Cứ mỗi sáng sớm
vào ngày đầu tuần, Hạnh đợi hai bạn xuống rủ, cùng đi trên đường đến trường.
Con đường đất đỏ ngày ấy đi bộ thấy thật là xa, không phải như con đường tráng
nhựa, đi lại dễ dàng hôm nay. Ba đứa vừa đi vừa nói chuyện quên đi cả mỏi chân.
Bắt đầu đi từ lúc trời còn tối đen như mực, cho đến khi đến trường thì vừa sáng
hẳn. Cái mệt bỏ qua một bên để bắt đầu vào việc học. Gia đình lo cho vài lon
gạo, kèm theo ít khoai lang, đồ ăn và chút đỉnh tiền để đủ ăn trong một tuần lễ.
Chiều lại
chiều, Hạnh cứ ngong ngóng về hướng nhà mình. Từ nhà trọ về nhà nếu không ngăn
cách bởi khu rừng tràm thì không xa lắm. Hạnh buồn ! Một nỗi buồn dai dẵng cứ
ập đến. Không biết giờ ba mẹ, chị và em Hạnh đang làm gì? Chắc giờ này, ba đang
ngồi gọt dăm ba củ khoai để hầm sẵn, đợi mẹ đi chợ chiều Thanh Linh về, mua
được ít cá tươi bỏ vào nồi cháo ăn tối. Hạnh thương ba, một viên công chức, một
thời làm việc liêm khiết, nay sống bất đắc chí trong hoàn cảnh nghèo khổ; Hạnh
thương mẹ, tảo tần sớm hôm, không hề than thở một lời . Người anh cả đang còn
học tập “Cải tạo” ở xa chưa về sum họp cùng gia đình; một người chị vừa học
xong cấp 3, đang xin làm công nhân lâm trường; hai đứa em trai đều tuổi ăn, tuổi lớn, còn đang cắp sách đến
trường.
Hạnh bất chợt
nhớ những buổi chiều Tết năm nào…
Hoàng hôn dần
buông. Hạnh lên dốc Thanh Linh đón mẹ về. Trên đôi vai gầy của mẹ là một gánh
hàng lỉnh kỉnh. Mẹ tự mình gánh lấy, bươn bả về nhà, vượt qua con dốc, con
đường đôi đoạn lún sâu vì cát, có đoạn nước ngập phải lội bì bõm. Hạnh vừa đi
vừa chuyện trò cho mẹ vui. Mẹ đã hi sinh tất cả vì các con . Mặc dù tay trắng,
không còn gì sau chiến tranh, nhưng mẹ không hề nãn chí; mẹ vẫn lo cho Hạnh ăn
học đến nơi đến chốn. Mẹ nói rằng: “Mẹ không có gia tài gì cho con quý bằng vốn
chữ nghĩa; con hãy học cho bằng người ta.” Thời buổi đó biết bao người hàng xóm
dè bỉu, cho rằng con gái không cần học nhiều. Điều đó mẹ bỏ ngoài tai, mẹ vẫn
lo cho Hạnh học cho xong năm cuối cấp 3, rồi gom góp tiền lo lên đường thi đại
học …Hai mẹ con về đến nhà thì trời cũng vừa sập tối. Ánh đèn dầu leo lét hằng
đêm giờ được khơi cao hơn, tỏa sáng cho ngôi nhà tranh nhỏ bé, càng lan tỏa sự
ấm áp cho gia đình. Cả nhà quây quần bên nhau trong bữa cơm tối để chờ đón giờ
phút giao thừa.
Hôm nay, ngôi
nhà tranh đã được thay thế bằng ngôi nhà xây khang trang. Bên cạnh là cây
phượng già kỉ niệm, vài cây dừa ven bờ ao do chính tay ba Hạnh đã trồng. Ba
Hạnh không còn để nhìn thấy vẻ đẹp của mùa phượng vĩ ra hoa, hàng dừa ra quả ;
dù ba không còn trên cõi đời này nữa nhưng những hình ảnh ấy luôn nhắc nhở đến
ba. Hè về, mùa phượng nở hoa rực rỡ, một rừng hoa đỏ thắm, tràn ngập cả vòm
cây; cho đến khi màu đỏ vơi dần, những bông phượng còn lưu luyến, cố chen lẫn
vào những tán lá xanh um. Mỗi tuần Hạnh về thăm mẹ là thấy có sự thay đổi rõ.
Có khi hoa rụng đầy sân, mẹ không quét kịp, để lại như một tấm thảm đỏ. Mấy đứa
cháu phụ bà quét sân, gom xác hoa phượng thành mấy đống nhỏ để hốt bỏ vào dưới
gốc cây sau vườn. Chưa đến cuối hè, chỉ qua mấy trận mưa to, trên cây hầu như
không còn màu hoa đỏ nữa mà thay thế bằng màu xanh của những tán lá xòe rộng,
che mát gần cả sân; bất ngờ hơn nữa là vô số trái non đang thi nhau nhú ra.
Mỗi khi nghĩ
đến hình ảnh người mẹ già còm cõi chiều nào cũng ngồi trên chiếc ghế đá dưới
gốc cây phượng, mẹ dõi mắt ra đường ngong ngóng người thân là Hạnh lại thấy nao
lòng. Bình Tuy, đây là vùng quê mới, gắn bó với mẹ suốt bao nhiêu năm trời,
tiếp sức mẹ nuôi dưỡng đàn con lớn khôn, rồi nay mỗi đứa đi một phương. Hôm nay
mẹ còn ở đây, ai bảo “ Mẹ già như chuối bà hương”, mẹ vẫn chờ đợi các con , các
cháu ngày về. Ngôi nhà này sẽ lại đầy ắp tiếng cười đùa của trẻ cho mẹ thấy vui
lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.