Tiếng ồn ào
vang lên cả một góc chợ rau. Người về càng lúc càng đông dần. Những gánh rau
tươi xanh mơn mởn từ các làng quê đổ dồn về phía ngã tư trên đường vào chợ. Họ
nhanh tay xếp rau thành từng đống cao, gọn gàng để bán. Nhìn kĩ người ta có thể
thấy những con tem giấy (thuế vào chợ) trên những chiếc nón lá cũ kĩ của những
người dân quê.
Hạnh
kéo mạnh cánh cửa sắt để phụ mẹ dọn hàng. Tiệm tạp hoá của mẹ bán gồm nhiều mặt
hàng phong phú, cần thiết; mẹ thường đóng hàng cho mấy người vùng ven tỉnh.
Hạnh bước ra khỏi nhà, vươn vai hít thở không khí trong lành buổi ban mai. Hạnh
cười thật tươi, chào hỏi mấy người thân quen.Họ cũng vui vẻ đưa tay vẩy chào
con bé hồn nhiên đang tung tăng chân sáo bước men theo vỉa hè. Sáng nào cũng
vậy, Hạnh là người khách hàng quen thuộc của bác bán hàng ăn ngồi ở cuối dãy
lòng chợ này.
Mặt
trời đang lên cao, toả những tia nắng ấm áp, xua tan nhanh cái giá lạnh của một
đêm dài. Hạnh cùng Quỳnh hoà vào đám bạn trên đường Quang Trung dẫn đến trường.
Con đường ngập tràn những tà áo dài trắng của học sinh nữ. Từng tốp nam, nữ
sinh từ các ngã đường đổ dồn về con đường chính dẫn đến trường nguyễn
Hoàng.Tiếng cười đùa ồn ã, làm như không ai có thể ngăn nỗi những niềm vui đang
vỡ oà của bọn trẻ sau một đêm không gặp nhau. Mới chiều hôm qua thôi còn chơi
đùa trên sân bóng của ty thanh niên. Hạnh có thói quen cầm chiếc cặp xoay xoay,
chân vẫn bước nhanh cho theo kịp các bạn. Cứ mỗi bước đi là hai bím tóc y như
là nhảy múa. Đôi mắt đen ánh lên niềm vui , Hạnh nhanh nhảu:
-Nè, nhỏ Nhơn đã về rồi. Sáng này, nó đi
học đó.
Cả bọn nhao nhao lên:
-Sao nó không chờ tụi mình đi chung?
-Ba nó chở nó đi học mà. Hạnh trả lời
-À, vậy là tụi mình sắp có quà Sài Gòn
rồi đó nghe.
Bầy
con gái như bước nhanh chân hơn để đến trường. Không phải đi sớm để bày trò
chơi như thường ngày, mà muốn đến để xem con nhỏ Nhơn thay đổi ra sao sau một
tuần đi ngao du ở thành phố Sài gòn hoa lệ. Đúng là một sự thay đổi khác hẳn ở
Nhơn. Nhơn đứng chờ sẵn ở cửa lớp với vẻ mặt xinh tươi, hớn hở như hoa; đầu tóc
nhỏ cắt ngắn, diện bộ áo quần mới ra dáng dân thành phố quá. Nhơn cầm mấy bị
kẹo giơ lên cao:
-Nào, ai muốn làm bạn với Nhơn nào!
Cả
bầy con gái đồng loạt đưa tay, cười nói tíu tít:
-Tao, tao.
-Tao,tao đây nè.
-Hạnh đây là bạn Nhơn nè, Nhơn ơi!
Nhơn
giả bộ xoa đầu Hạnh như vỗ về em bé:
-Đúng rồi đó, con nhỏ Hạnh này là bạn
thân yêu của Nhơn kia mà. Tao nhớ nó muốn chết đi được.
Hạnh
cười tít mắt tưởng mình đang lên tận tầng mây. Hạnh ôm chầm lấy nhơn:
-Ới chị hai ơi! Chị đi lâu quá, làm em
cũng nhớ chị quá trời đi!
-Ừa, chị cũng nhớ em ghê đi. Này, cho
nhỏ Hạnh trước, rồi cho mấy con nhỏ xí xọn kia sau ha!
Bầy
con gái Quỳnh, Sương, Lai, …cười xoà rượt đuổi theo Nhơn và Hạnh đang cầm mấy
bị kẹo chạy lòng vòng quanh sân trường.
Tan
học. Như đã hẹn, cả nhóm bạn tập trung gần cổng trường đi theo Nhơn. Hạnh nói
lớn;
-Hôm nay nhỏ Nhơn khao tụi mình một chầu
bún bò Huế. Vào quán ở bến xe cho tiện đường về luôn. Chuyến sau, đến lượt tao
khao tụi bây nghe.
-Đồng ý liền đó. Cả bầy lại nhao nhao
lên.
-Ừ,đi nhanh lên! Đói bụng quá trời đây
nè.
Hạnh
lại ậm ừ:
-Được rồi, thay mặt nhỏ Nhơn, tao đồng ý
liền. Nhưng mấy lần sau, cũng đến lượt các bạn đó nghe!
-Được rồi, được rồi mà.
Nhơn
coi bộ có nhiều tiền rủng rỉnh trong chiếc ví nhỏ. Trông bộ mặt con nhỏ sướng
ghê! Đi theo ba vào Sài Gòn chơi, xa ơi là xa. Vào đó nó còn làm đẹp từ đầu tóc
đến áo quần. Nghe nói nó còn mấy bộ đầm mới đẹp lắm. Chiều này mình đến nhà
Nhơn xem mới được. Hạnh tự nhủ thầm.
Buổi
trưa này bạn bè Hạnh được Nhơn khao ăn một chầu thật xứng đáng đồng tiền lắm.
Khi ra về, cả bọn theo con đường Lý Thái Tổ dọc theo bờ hồ, sát mặt sau cổ
thành. Mùi bánh mì ngòn ngọt, thơm phức thoang thoảng khiến đứa nào cũng hít
hà.Gần đến đường Trần Hưng Đạo, chia tay nhau mỗi đứa đi mỗi đường. Trưa nay,
Hạnh về nhà, đến tối mới ra tiệm ở lại.
…Hoàng
hôn dần buông. Những ánh đèn thi nhau bật sáng từ các ô cửa của các ngôi nhà
nằm san sát bên nhau. Đường phố đã lên đèn từ lâu. Sau bữa cơm tối cùng gia
đình, Hạnh ôm cặp đi ra tiệm. Ra đến góc phố, Hạnh không quên ghé vào tiệm sách
Tùng Sơn. Ở đó, Hạnh tha hồ ngắm nghía các quyển sách được chưng bày dưới bóng
điện sáng trưng. Đủ các loại, nhưng hạnh chỉ đứng hồi lâu ở dãy sách truyện
thiếu nhi. Hạnh lật và đọc lướt nhanh qua các trang , sau đó chọn mua một
quyển. Thường xuyên là Hạnh mua báo Thằng Bờm để tìm xem có bài mình được đăng
trên đó không?
Ban
đêm, con đường vào sau khu vực chợ thật vắng vẻ, chỉ có vài ánh đèn hắt ra từ
các ngôi nhà cao tầng. Nhà nào cũng đóng cửa kín mít, hầu như người ta sinh
hoạt ở trong nhà, ít khi bật đèn sáng ở
nhà ngoài. Hạnh kêu cửa một hồi lâu, cô Nữ, người giúp việc cho chủ nhà mới ra
mở. Cô Nữ nhìn kĩ để biết đúng là Hạnh rồi cô vội vàng mở, chỉ kịp để cho Hạnh
bước vào là cô đóng ngay lại, khoá cửa hai ba lần cho chắc chắn. Chỉ có hai cô
cháu ở trong một ngôi nhà với ba tầng
lầu, rộng thênh thang, , thật thoải mái nhưng cũng thật là vắng vẻ. Ở tầng
trệt, cả mặt trước và mặt sau, mẹ và dì Hạnh buôn bán hàng tạp hoá. Hạnh chỉ có
việc là tối tối ra ở lại tiệm học bài, ở với cô Nữ. Buổi sáng, sau buổi học
trên trường, Hạnh còn là cô kế toán nhỏ của mẹ, phụ giúp mẹ tính toán, ghi chép
vào sổ sách.
Hạnh
bước ra ban công. Đứng đây, Hạnh nhìn ra xa kia là bờ sông Thạch Hản. Một màu
đen như mực, bóng tối bao trùm lên toàn bộ một vùng trải dài từ con đường Gia
Long chạy ven bờ sông. Một vài cơn gió mát rượi từ phía bờ sông thổi vào làm
Hạnh thấy nhẹ nhõm, có cảm giác lâng lâng, sảng khoái. Hạnh hít lấy một hơi
thật sâu vào lồng ngực. Đâu đó, tiếng rao hàng ngày một rõ dần. Một bóng người
gánh chè bán đêm lầm lũi đi trên vỉa hè. Khi bóng người khuất dần mà tiếng rao
như còn vẳng lại.
Hạnh
nhẹ nhàng đóng cánh cửa lại, bước hẳn vào trong nhà. Tối này, sau khi học bài
xong, Hạnh sẽ tìm trong tủ sách của con trai người chủ nhà những tập san Thời
Nay để đọc.Hạnh thích thú đọc mấy mẩu chuyện ngắn trong mấy tập sách này lắm.
Cô Nữ là một con người trầm tính, ít khi nói chuyện. Có hỏi thì cô đáp lại ậm ừ
đôi ba câu. Hạnh chỉ biết lờ mờ về cuộc đời của cô. Nghe kể lại cô Nữ không có
bà con thân thích, đã sống giúp việc cho người chủ này từ thời còn con gái. Sau
này cô Nữ trở thành người thân tín của nhà chủ. (Cho đến sau này, Đất nước
thống nhất, hai người anh đã đi bộ đội từ mùa thu năm 1945 trở về, tìm được
người em gái thất lạc bao nhiêu năm trời, nay cả gia đình vui đoàn tụ). Khi
tiếng chuông đồng hồ treo tường gõ lên đúng mười tiếng, Hạnh đã lên bộ ván ngựa
dày cộp, mát lạnh ngủ một giấc thật ngon lành, không quên mơ về giấc đẹp một
ngày bạn bè đi chơi xa…
-Hạnh ơi!Hạnh dậy thôi con!
Hạnh
choàng mở mắt. Trước mặt Hạnh là mẹ. Mẹ đang đứng bên cạnh Hạnh từ hồi nào.
Hạnh giật mình, ngồi bật dậy:
-Chết rồi, con đi học trễ mất.
Mẹ
cười xoà:
-Hôm nay là chủ nhật mà con.
Hạnh
cười mắc cở:
-ủa, con quên. Mẹ dọn hàng rồi hả mẹ?
-Xong từ lâu rồi. Con xuống nhà ăn sáng
đi, rồi về ngoại chơi!
Hạnh
nhanh chân theo mẹ xuống cầu thang. Hôm nay, mẹ cho phép Hạnh về thăm cậu mợ.
Nhà cậu mợ ở trên đường Lê văn Duyệt, phía trước cửa cổ thành Đinh Công Tráng.
Trước kia, nhà Hạnh cũng ở đây, nhưng do chiến tranh xảy ra, cả nhà lên ở hẳn
trên chợ tỉnh, ở trong một ngôi nhà nằm trong một con hẽm ở đường Quang Trung.
Một
chiếc xe xích lô vừa trờ tới, Hạnh vẩy tay đón. Bác chạy xe dừng ngay lại, đón
Hạnh lên, kéo vội tấm rèm che nắng. Từ chợ về đường Lê văn Duyệt không xa lắm
nhưng đối với đôi mắt trẻ thơ thì ôi quả là xa. Bác phu xe thong thả đạp, còn
Hạnh thì ngồi gọn lỏn trên ghế, ngắm quang cảnh hai bên đường, thích thú ngắm
những người dân trong ngày chủ nhật đẹp trời.
Xe
vừa dừng trước đường, Hạnh vội vàng bước xuống. Bỗng nghe tiếng gọi:
-Hạnh ơi! Về đó hả!
Hạnh
đang cúi xuống sửa lại đôi giày vải cho ngay ngắn, nghe tiếng gọi , ngẩng đầu
lên. Trước mặt Hạnh là anh Trung, một người hàng xóm thân quen.
-Dạ, hôm nay chủ nhật rảnh, em về ngoại
chơi.
Hạnh
cùng anh Trung đi vào xóm. Hạnh dừng lại, đứng một hồi lâu trước mảnh sân của
ngôi nhà cũ. Trung cũng tần ngần đứng sau lưng Hạnh, biết trong lòng Hạnh đang
dấy lên những kỉ niệm về ngôi nhà thân yêu mà trước đây cả gia đình Hạnh từng
sinh sống. Giờ đây trên mảnh đất ấy là ngôi nhà mới xây của dì Hạnh.Chỉ qua một
đêm tết Mậu Thân năm 1968, ngôi nhà Hạnh đã bị súng đạn chiến tranh tàn phá,
thiêu rụi gần hết. Hạnh bồi hồi nhớ lại…
Trời
càng về khuya, càng thấy cái lạnh như thấm sâu vào da thịt. Cả nhà ngồi quây
quần bên bếp lửa, nồi bánh tét to đùng nước đang sôi lên sùng sục; tiếng củi
cháy nổ lép bép, bắn lên những tia lửa hồng trông thật vui mắt. Mẹ giục các con
đi ngủ để sáng mai, mồng một Tết đi viếng chùa Sắc Tứ. Hạnh lên giường nằm rồi
mà vẫn còn thao thức, nôn nao nằm nghĩ tới sáng mai diện bộ đầm đẹp, rồi nghĩ
đến giao thừa, giờ phút thiêng liêng
trọng đại chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới…
Một
vài tiếng pháo lẹt đẹt nổ rồi nhiều tiếng pháo nữa nổ lớn , giòn giã, liên hồi.
Chuông đồng hồ cũng vừa điểm. Tiếng mẹ và chị Hạnh trò chuyện nho nhỏ, sợ đánh
thức mọi người dậy. mẹ Hạnh bước ra trước sân thắp mấy nén nhang thơm cúng giao
thừa. Hương thơm của nhang phảng phất xen lẫn với mùi khét lẹt của pháo…Tiếng
nổ càng lúc càng lớn dần, giòn hơn, to hơn hẳn, pha lẫn nhiều âm thanh khác lạ.
Mẹ Hạnh hốt hoảng:
-Hình như có tiếng súng đó. Dậy, dậy
thôi, mau xuống hầm đi mấy con!
Hạnh choàng dậy, tỉnh ngủ hẳn, nhanh
chân theo mẹ chui ngay xuống chiếc hầm ngầm nằm ngay cửa nhà. Mẹ Hạnh cuống
cuồng đưa chị em Hạnh, rồi bồng đứa em trai mới mấy tháng tuổi tụt xuống hầm.
Thằng nhỏ khóc thét lên trong cơn buồn ngủ. Chiếc hầm này là nơi trú ẩn khá an
toàn cho cả nhà, phía trên che chắn bằng những bao cát. Ba Hạnh thì không có
nhà, hôm nay ông đã vào thăm quê nội.
Qua
một đêm dài nằm, ngồi thu lu dưới hầm sâu, vừa tối tăm mù mịt, vừa đầy dẫy nỗi
sợ hãi chết chóc. Thời gian dường như trôi chậm lại nặng nề.Khi tiếng súng giao
tranh của hai bên vừa tạm ngưng, mới thấy mấy sinh mạng mỏng manh còn lại giữa
hai lằn đạn vô tình. Ôi, chiến tranh! Một chiếc xe hồng thập tự vừa mới chạy
qua trên con đường vắng ngắt như tờ. Súng trong thành không còn nả ra như mưa
nữa. Mọi người trong chiếc hầm chật hẹp tranh thủ ùa ra, miệng la thất thanh để
không bị bắn nhầm rồi lũ lượt kéo nhau chạy vào trong xóm.Trên bầu trời có
tiếng máy bay, bay chừng như sát mặt đất hơn bao giờ hết. Một số thanh niên lạ,
không phải là người dân địa phương, vai khoác súng, họ đi lại im lặng như cái
bóng, vẩy vẩy tay cho bà con vào trong nhà. Trời sáng hẳn,bà con bồng bế nhau
chạy lên chợ tỉnh. Mẹ con Hạnh cũng theo đoàn người tìm cách băng rào các nhà
hàng xóm chạy đi lánh nạn. Khi lên đến nhà dì, lúc ấy dì cũng vừa rảnh rỗi
trong một ngày đầu năm mới. Quanh năm suốt tháng dì bận rộn theo công việc buôn
bán. Dì Hạnh vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con nhà Hạnh tay bồng, tay bế dắt
nhau chạy vào nhà, mặt mày hớt hơ hớt hãi.
(Lịch sử sau này kể lại rằng đó là cuộc
Tổng tiến công mùa xuân năm 1968 của Cách mạng trên khắp các tỉnh miền Nam.)
Qua
hôm sau, tiếng súng ngừng hẳn, không còn cuộc giao tranh, mọi người trở về nhà
mình. Mẹ con hạnh đứng thẩn thờ trước ngôi nhà đầy vết đạn lỗ chỗ, một đống đổ
nát hoang tàn, gian hàng bị cháy rụi, vẫn còn làn khói âm ỉ. Nhà Hạnh lên khu
phố chợ kể từ những ngày đầu mùa xuân năm ấy…
Hạnh giật mình khi nghe tiếng anh Trung:
-Đi vào nhà thôi Hạnh ơi!
Cả một buổi
sáng vui đùa với các anh chị con cậu mợ. Hạnh không quên ghé thăm số nhà người
quen trong xóm. Mỗi ngôi nhà hầu như đều có một vườn hoa nho nhỏ, xinh xắn. Ai
cũng thích chăm chút, tô điểm cho ngôi nhà mình thêm đẹp. Nhà cách nhà là những
hàng rào dâm bụt, có những cánh hoa đỏ thắm nổi bật trên nền lá dày xanh thẩm.
Mỗi khi về đây, Hạnh qua nhà anh Trung chơi, đều được anh bày thêm một trò chơi
thú vị. Anh Trung rất thích Hạnh về lại xóm cũ…
…Đài
radio vừa phát đi một bản tin. Hạnh lắng nghe. Trong lòng lại cảm thấy nôn nao.
Tiếng phát thanh viên như gấp rút hơn khi đọc tin tức chiến sự đang diễn ra.
Cuối bản tin là giai điệu trầm buồn của bài hát:
“Bài hát đêm
đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”…
Chiến
tranh thật sự xảy ra rồi ư! Mấy ngày nay, người dân lần lượt bỏ nhà cửa mà ra
đi, trong lúc đó số dân ở miệt ngoài lại tìm về, sống tạm trong các ngôi trường
hoặc nhà thờ, nhà chùa nào đó. Họ lại đi tiếp vào Huế, ra đi vội vã như là chạy
trốn cuộc chiến có thể rình rập xảy ra bất cứ lúc nào. Mẹ Hạnh vốn cả lo, bà
may cho Hạnh một túi vải, bỏ ít tiền vào phòng thân lỡ khi lạc nhau. Cả nhà
Hạnh ai nấy như ngồi trên đống lửa, mẹ đợi dì về. Mẹ tất bật chạy đi chạy lại
tìm thuê một chiếc xe để chở gia đình vào Huế. Không hề có một chiếc xe nào cả,
hầu như toàn bộ xe của tỉnh này đều đi hết rồi. Đến trưa, dì Hạnh từ Huế ra đến
nơi. Dì thuê được một chiếc taxi nhỏ. Mẹ con nhà Hạnh chỉ kịp lấy áo quần, gom
góp thêm một ít đồ đạc, nhanh chóng bỏ lên xe. Dì hối thúc mọi người nhanh lên,
khoá cánh cửa tiệm lại và giục bác tài cho xe chạy, bỏ lại đằng sau một gia sản
mà bấy lâu nay dày công vun vén, gầy dựng…
Chiếc
xe nhỏ bé chở cả nhà Hạnh chạy ngược về phía Long Hưng, để ra quốc lộ. Mọi
người dáo dác tìm nhau, xe cộ cứ nối tiếp tìm cách chạy về Huế. Một vài tiếng
nổ lớn, đúng là pháo nổ ngay trên đường xe chạy. Mấy chiếc xe tìm cách dạt qua
một bên, len lỏi để chạy cho bằng được. Một hình ảnh thương tâm diễn ra trước
mặt Hạnh, làm Hạnh nhớ mãi cho đến sau này. Một anh lính bị thương, đang ôm
chặt cánh tay, anh nhìn người qua lại như cầu cứu nhưng không hề có một ai giúp
đỡ. Lòng trắc ẩn, nhân đạo của con người không còn thể hiện, ai cũng cuống
cuồng lo sợ tìm cách chạy loạn, tìm con đường sống.
Giữa dòng người, giữa dòng xe
Nối tiếp nhau
Thờ ơ
Mặc cho anh, một người lính trẻ
Ôm chặt cánh tay, máu loang chảy thành
dòng
Em biết đấy, anh không còn ai nương cậy
Không ai đoái hoài thương xót gợi lòng
nhân
Không ai ngoảnh lại dù một lần thôi cũng
được
Chỉ còn chăng làn bụi quá ơ thờ
Máu cứ chảy không chừng anh gục ngã
Giữa tuổi đời chưa đến độ đôi mươi
Đôi mắt anh như chìm sâu bóng tối
Như mãi vô tình lắng đọng tuổi thơ em
Mỗi lần nhớ ngày kỉ niệm kinh hoàng
Là em nhớ đôi mắt người lính trẻ
Thân phận con người giữa cảnh loạn ly
Chẳng khác chi lau lách mọc ven đường
…Một tháng
trời nặng nề sống nhờ sống tạm ở thành phố Huế. Không kịp thấy được vẻ đẹp của
Huế mộng mơ. Không có dịp về thăm làng quê nội. Một tháng sau cả nhà lại tiếp
tục lên xe vào ở Đà Nẵng. Sống vội vàng. Sống gấp rút. Mọi người đi đi, chạy
chạy như con thoi. Vỏn vẹn chỉ gần hai tháng ở miền Trung, quê hương ruột thịt.
Một buổi trưa cuối tháng năm, cả nhà Hạnh lên máy bay vào sống hẳn ở miền Nam,
xa cách Quảng Trị cũng kể từ ngày ấy.
Có nhiều kỉ
niệm khó phai mờ về tuổi thơ, thời niên thiếu của Hạnh ở quê hương, trên vùng
đất Quảng Trị. Mặc dù trong thời buổi chiến tranh nhưng Hạnh lúc đó chưa hề cảm
thấy nỗi lo toan, vẫn sống vô tư . Cho đến khi mùa hè đỏ lửa thực sự cướp mất
sự bình yên của người dân, bắt mọi người phải xa xứ, ly tán khắp nơi. Đâu dễ gì
tìm lại khung cảnh cũ, nơi đó bây giờ hoàn toàn đổi thay, người ta đã cất lên
những ngôi nhà mới, con đường đã không còn như xưa nữa. Một khi ai đó đã ra đi
định cư nơi khác, xem đây như là quê hương thứ hai của mình, lại có công vun
vén, gầy dựng cơ ngơi mới, gầy dựng mối quan hệ với những người xa lạ thành
quen thuộc, thân thiết thì việc trở về sống trên mảnh đất quê cũ hầu như khó mà
thực hiện. Tuy nhiên, Hạnh vẫn mong đến một ngày nào trở về thăm quê nội, quê
ngoại trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Niềm hoài bão đó cứ đau đáu trong lòng
Hạnh. Điều này có thể thực hiện được chăng?
…Một buổi
chiều sau 36 năm xa quê, xa vời những kỉ niệm thời niên thiếu.Sau buổi tan
trường, tiếng chuông điện thoại vang lên.
-Alô! Có phải Hạnh không?
Ai vậy nhỉ? Hạnh rất ngạc nhiên khi thấy
hiện lên dãy số của tổng đài.
-Hạnh đây.Xin lỗi, ai vậy?
-Anh là Trung ngày xưa ở Quảng Trị, anh
bạn hàng xóm của Hạnh đây.
Giọng của anh Trung sao giờ khác lạ đến
thế!Hạnh mừng rỡ reo lên:
-À, anh Trung. Bấy lâu nay anh ở đâu?
Sao em không liên lạc được?
-Anh ở Canada . Anh biết số em là nhờ người bạn, nên anh gọi về cho em đây.
Đã 34 năm rồi còn gì. Lâu quá phải không em?
-Em mừng quá! Bấy lâu nay em muốn liên
lạc với anh nhưng không được. Em tưởng anh…
-Tưởng anh chết rồi còn gì!Anh Trung
cười
-Anh Trung có giận em không? Vì em không
trả lời thư anh đó
…Qua chuyện trò, Hạnh đã cởi bỏ hết
những tâm sự bấy lâu nay mang nặng trong lòng. Những ngày Hạnh vào miền Nam
cũng là lúc nhà anh Trung ra tận Phú
Quốc, một hải đảo xa xôi, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bức thư của anh
Trung gởi cho Hạnh phảng phất nỗi buồn xa xứ. Anh gởi cho Hạnh một tấm hình
chụp cảnh đảo, phía sau kèm theo những dòng chữ: “Đây là tấm hình của hải đảo
này. Hình này là một trong những cảnh mà anh cho là đẹp. Vậy anh gởi tặng em để
làm kỷ niệm. Người anh lưu lạc. Hoàng Châu Trung”.
-Hạnh ơi! Anh sẽ về, sẽ về thăm quê một
ngày gần đây...
Hạnh bồi hồi
nhớ lại những ngày xa xưa…Vâng, mong anh sẽ về…Mong một ngày trùng phùng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.